Đó là những chia sẻ của Đại tá Nguyễn Cao Rụ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân chủng Hải quân về những bát chè khoai lang quê đặc biệt do lãnh đạo, chị em Hội LHPN Việt Nam mang từ đất liền ra đảo nấu cho các bộ, chiến sỹ trên đảo Sơn Ca. Đại tá Rụ là một trong những người “may mắn” được thưởng thức bát chè quê đặc biệt, ở một nơi rất đặc biệt.

Đảo Sơn Ca là điểm đảo thứ 2 mà chúng tôi đặt chân đến trong hải trình đến thăm 11 đảo và Nhà giàn. Khỏi phải nói, hơn 200 đại biểu trên chuyến tàu Trường Sa 571 háo hức, phấn chấn như thế nào khi nhìn thấy màu xanh tươi trên hòn đảo có cái tên xinh đẹp này. Với cán bộ trong đoàn Hội LHPN Việt Nam thì sự háo hức ấy còn nhân lên gấp bội, bởi suốt đêm hôm trước, họ đã chuẩn bị rất kỹ càng cho một hoạt động ý nghĩa sẽ diễn ra ở đảo Sơn Ca.
Trước đó, vào tối 16/4, sau bữa cơm chiều, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cùng các chị em Trung ương Hội, một số Tỉnh hội (Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thái Bình, Cần Thơ, Bến Tre, Bắc Giang, Cà Mau…) xông xáo xuống bếp. Họ cùng nhau khiêng những rổ khoai lang nặng trĩu trước sự ngỡ ngàng của không ít người. Đến lúc này, chúng tôi mới biết, các thành viên của đoàn Hội LHPN Việt Nam đang chuẩn bị nguyên liệu để làm nồi chè quê để sáng hôm sau “thết đãi” cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca.

Người rửa, người gọt, người thái khoai… cùng với tiếng cười nói rôm rả đã làm sống động cả phòng ăn cạnh nhà bếp. Lúc này, dường như chị em đã quên hết cái say, cái mệt sau 2 ngày lênh đênh trên biển. Sự mệt mỏi sau những lần nôn thốc nôn tháo vì say sóng đã nhường chỗ cho những nụ cười tươi rói. Ai cũng háo hức, chờ đợi một nồi chè quê đặc biệt.
Sáng hôm sau, trên đảo Sơn Ca, trong những tà áo dài thướt tha, các chị như quên đi cái nắng, cái gió nơi biển đảo, hòa mình cùng với các chiến sỹ trong căn bếp nhỏ. Như những người mẹ, người chị, người em gái, người rán phồng tôm, người quây quần bên nồi chè khoai thơm phức. Một số chiến sỹ trẻ, sau khi làm xong nhiệm vụ của mình cũng vào bếp.
Không đá lạnh, nhưng từng bát chè cứ như mát lạnh được các cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca đón nhận từ tay của chị em. Chiến sỹ Thắng (quê ở TP. Hồ Chí Minh) lấy tay lau mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang bảo với tôi: “Em ăn 4 chén chè lận. Lâu lắm rồi em mới được ăn một chén chè quê ngon như vậy”.
Chia sẻ về ý tưởng nấu nồi chè đặc biệt phục vụ cán bộ, chiến sỹ trên đảo Sơn Ca, bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nói: “Chúng tôi nấu chè quê, bằng nguyên liệu rất đồng quê là chè khoai, bởi chúng tôi nghĩ rằng, với chiến sỹ thì chè đậu anh em sẽ làm được, nhưng món chè khoai lang không phải là dễ làm, nguyên liệu ở đảo cũng không sẵn có. Khi ăn bát chè khoai lang, cán bộ, chiến sỹ sẽ nhớ đến hương vị quê nhà”.
Một số hình ảnh về nồi chè quê đặc biệt do Hội LHPN Việt Nam nấu phục vụ cán bộ, chiến sỹ trên đảo Sơn Ca:

Quên đi những cơn say sóng, chị em tươi cười vui vẻ rửa khoai lang - nguyên liệu mang theo từ đất liền.
Người gọt khoai, người thái gừng, không khí nhà bếp của tàu Trường Sa 571 rộn ràng tiếng cười vui.
Sau phần thủ tục mà lãnh đạo đoàn công tác thực hiện, bà Nguyễn Thị Tuyết nhanh chân xuống khu bếp, cùng với chị em nấu chè.
Những tiếng cười vui rộn rã, thắm đượm tình quân dân giữa cán bộ Hội LHPN Việt Nam với các chiến sỹ trên đảo Sơn Ca.
Lãnh đạo Đoàn công tác số 7 vừa bất ngờ khi được thưởng thức món chè quê đặc biệt, ở một nơi cũng rất đặc biệt.

Phút chia tay đầy quyến luyến trước khi đoàn rời đảo Sơn Ca.