pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chứng khoán tuần 11 - 15/11: VN-Index giao dịch ảm đạm trước áp lực từ khối ngoại
VN-Index tiêu cực, cần bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô. Ảnh minh hoạ.
VN-Index thấp hơn ngưỡng kháng cự
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục điều chỉnh, VN-Index chốt tuần xuống mức 1.264,5 điểm, thấp hơn ngưỡng kháng cự quan trọng 1.300 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp, giá trị giao dịch trung bình trên HOSE đạt 14,1 nghìn tỷ đồng/phiên, thấp hơn mức bình quân từ đầu năm.
Ngân hàng và Bất động sản là những nhóm ngành chính kéo chỉ số giảm. Trong đó, VHM (Vinhomes, HOSE) là mã có ảnh hưởng mạnh nhất, theo sau là VCB (Vietcombank, HOSE) và CTG (VietinBank, HOSE).
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thuộc "họ Viettel" gồm: VTP (Viettel Post, HOSE), CTR (Viettel Construction, HOSE), VGI (Viettel Global, UPCoM), cùng với HVN (Vietnam Airlines, HOSE), FPT (FPT, HOSE) là tâm điểm của thị trường.
Các nhóm cổ phiếu Khu công nghiệp: SZC (Sonadezi Châu Đức, HOSE), SIP (Đầu tư Sài Gòn VRG) và Xuất khẩu: PTB (Phú Tài, HOSE), MSH (May Sông Hồng, HOSE), VHC (Vĩnh Hoàn, HOSE) ghi nhận diễn biến tích cực.
Khối ngoại tiếp tục tạo áp lực cho thị trường khi duy trì trạng thái bán ròng mạnh. Tại phiên 8/11, nhóm nhà đầu tư này đã bán hơn 1.211,6 tỷ đồng, tập trung tại: VHM (Vinhomes, HOSE), MSN (Masan, HOSE), STB (Sacombank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE)... cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất là CMG (Công nghệ CMC, HOSE) với giá trị lên tới hơn 178 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Phụng Yến, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã liên tục bán ròng 79.74k tỷ ở HOSE, trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng mạnh mẽ với tổng giá trị 9,8 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư (NĐT) quốc tế trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh, gây áp lực lên dòng vốn ngoại và lợi suất đầu tư tại Việt Nam.
Cổ phiếu "họ Viettel" đồng loạt tăng vọt
Phiên cuối tuần vừa rồi, cổ phiếu "nhà" Viettel lần lượt là VTP (Viettel Post, HOSE), VGI (Viettel Global, HOSE), CTR (Viettel Construction, HOSE) tăng 13% (tăng trần), 7,39%, 2,4%. Trong đó, cổ phiếu VTP ghi nhận trạng thái "tăng trần", lập đỉnh lịch sử tại 108.700 đồng/cp, vốn hóa tại thị trường được nâng lên 13.238 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm, các cổ phiếu này đạt mức tăng từ 50% tới hơn 95%. Riêng VTK (Dịch vụ Viettel, UPCoM) tăng mạnh 130%, VGI (Viettel Global, UPCoM) tăng tới 223% giá trị.
Diễn biến này sau thông tin Viettel Post công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn. Động thái nhằm kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và thương mại điện tử quốc tế.
Ngoài ra, tại báo cáo SSI Research, nhằm thúc đẩy phát triển logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh, công ty cũng đang tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính: dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 3/2024, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.430 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Viettel Post báo lãi trước thuế 134 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 107 tỷ đồng, cùng tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Tổng 9 tháng đầu năm, Viettel Post đạt doanh thu thuần hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, vượt 14% chỉ tiêu cả năm. Song, do sự suy giảm trong hai quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 252 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 68%.
Lợi nhuận PNJ thấp nhất 3 năm trong bối cảnh khó mua vàng
Trước bối cảnh khó mua nguyên liệu vàng, PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, HOSE) thực hiện tái chế các sản phẩm trang sức chậm bán thành các mặt hàng mới, đồng thời tái cơ cấu danh mục sản phẩm hướng tới các sản phẩm có hàm lượng vàng thấp hơn.
Công ty khuyến khích khách hàng bán lại trang sức của họ. Theo báo cáo của Vietcap, tỷ lệ mua lại/tổng doanh thu của PNJ hiện ở mức xấp xỉ 10%, cao hơn mức 5% trong giai đoạn 2022-2023.
Ban lãnh đạo cho biết, mặc dù gặp khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu, PNJ vẫn có thể duy trì lượng hàng tồn kho ở mức an toàn đáp ứng cho mùa cao điểm vào quý 4/2024 - quý 1/2025.
Thậm chí, công ty đã giành thêm thị phần, với doanh thu bán lẻ tăng mạnh 16% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt trội so với các đối thủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu và đóng cửa hàng.
Liên quan đến hàng tồn kho và tái chế sản phẩm mua lại, một con số đáng chú ý trong Kết quả kinh doanh của PNJ quý 3/2024 là thuế thu nhập doanh nghiệp cao bất thường.
Cụ thể, báo cáo tài chính cho biết, 9 tháng đầu năm, PNJ đạt 318 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 1,6% so với năm ngoái nhưng số thuế công ty phải nộp tăng gần 70% (từ 60 tỷ lên 102 tỷ) khiến lợi nhuận sau thuế giảm 15% còn 215 tỷ đồng, thấp nhất 3 năm qua.
Vietnam Airlines "ngược dòng" bay cao khi lãi lớn 3 quý liên tiếp
Trong bối cảnh thị trường giảm điểm, cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines, HOSE) bất ngờ tăng "trần" với 6,67%, đạt thị giá 24.850 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6 triệu cổ phiếu.
Như vậy, trong 1 tháng qua, HVN đã tăng hơn 18%. Thậm chí, trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7/2024, cổ phiếu này đã tăng hơn 140% giá trị, đạt mức 34.750 đồng/cp vào giữa tháng 6. Sau đó, giảm về vùng 21.000 đồng vào cuối tháng 7, đi ngang tới nay.
Diễn biến của HVN xuất hiện sau khi kết quả kinh doanh quý 3/2024 có những tích cực đáng kể.
Quý 3/2024 vừa rồi, HVN đạt doanh thu 26.600 tỷ đồng, tăng 12,7, lãi gộp đạt 2.744 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi gộp cao nhất kể từ khi dịch COVID-19.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 563 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm trước. HVN lãi ròng gần 400 tỷ nhờ tỷ giá; các chi phí như: tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm.
Nhờ đó, Vietnam Airlines mang về 975 tỷ đồng lãi trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 768 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp công ty này có lãi.
Trong khi hai quý đầu năm 2024 doanh nghiệp này chủ yếu lãi nhờ được cơ cấu nợ thì quý này tình hình kinh doanh đã khả quan hơn.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên thế giới trong tháng 9 vừa qua đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là tháng ghi nhận nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, mới đây, Vietnam Airlines đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với công ty du lịch GuangZhou Yuanzhilv Technology, đánh dấu cam kết của hai bên về việc thu hút gần 300.000 khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2030, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Trung Quốc.
Điểm tên 3 nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách thương mại mới của Mỹ
Theo SSI Research, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn ảm đạm, nhưng có thể kỳ vọng vào một số yếu tố chính sẽ hỗ trợ tích cực giai đoạn tới như: tăng trưởng lợi nhuận quý 3 được mở rộng sang nhiều nhóm ngành; thông tư 68 cùng việc sửa đổi Luật Chứng khoán;…
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường có thể xuất hiện những biến động ngắn hạn, NĐT được khuyến nghị cơ hội mua vào một số cổ phiếu tiềm năng. SSI Research đưa ra lưu ý, NĐT nên ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm nay và năm sau.
Cụ thể là Dệt may, Thủy sản (cá tra), Cảng & Vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ.
Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, SSI lưu ý lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là 2 yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
Nhận định và khuyến nghị
Bà Nguyễn Phụng Yến, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, tuần qua có hai sự kiện quan trọng là bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của Donald Trump và cuộc họp Fed - đã giúp giảm mạnh rủi ro toàn cầu, mở ra cơ hội hồi phục cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chính sách thuế quan mới của Trump sẽ tác động mạnh mẽ đến các cảng châu Á, bao gồm cả Việt Nam, mang lại cả cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Cơ hội có thể tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản và sản phẩm gỗ, nhờ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với chi phí lao động cạnh tranh và kỹ năng lao động cao, góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngược lại, áp lực cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực và rủi ro tỷ giá vẫn còn hiện hữu, đặc biệt khi đồng USD mạnh lên.
Trong ngắn hạn, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục biến động trong tháng 11 khi các nhà đầu tư thận trọng trước kỳ họp Quốc hội Việt Nam và các chính sách kinh tế từ Mỹ. Mốc hỗ trợ kỹ thuật quan trọng là 1.220 điểm, trong khi ngưỡng kháng cự ở mức 1.285 điểm.
Còn trong dài hạn, sự hỗ trợ từ Thông tư 68 và sửa đổi Luật Chứng khoán, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2025, giúp thị trường tăng trưởng bền vững.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn thử thách nhưng cũng tiềm ẩn nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Bà nhấn mạnh, NĐT cần quản trị rủi ro linh hoạt và bám sát các diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế để nắm bắt cơ hội và tối ưu hóa lợi nhuận.
Trong giai đoạn cuối năm, NĐT nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao, đặc biệt trong các ngành như Dệt may và Thủy sản, nhờ hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và các hiệp định thương mại tự do với Mỹ và EU. Và nhóm cổ phiếu Cảng biển và vận tải biển, nhờ giá cước vận tải quốc tế tăng trở lại, giúp doanh nghiệp trong ngành duy trì lợi nhuận khả quan.
Chứng khoán BSC đánh giá, lực bán đang chiếm ưu thế hơn hẳn trên thị trường, xu hướng tiêu cực có thể kéo dài tiếp trong tuần này, thậm chí giảm về ngưỡng 1.240 điểm.
Chứng khoán KB cho rằng, nhiều khả năng các nhịp giảm và xu hướng bán hạ tỷ trọng còn xuất hiện trong các phiên tuần này. Xu hướng ngắn hạn sẽ ở trạng thái trung tính, NĐT được khuyến nghị chỉ duy trì nắm giữ một vị thế an toàn và tránh các quyết định mua đuổi.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 8 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 11-15/11, trong đó, 6 doanh nghiệp đều trả bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả kết hợp.
Tỷ lệ cao nhất là 57,4%, thấp nhất là 2,5%.
1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
CTCP Tập đoàn Đầu tư Bảo Ngọc (BNA, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/11, tỷ lệ là 25%.
1 doanh nghiệp trả kết hợp:
CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG, HOSE), trả cổ tức với hai hình thức: tiền mặt và cổ phiếu, trong đó, đối với trả bằng cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/11, tỷ lệ là 10%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
* Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
NAU | UPCOM | 15/11 | 28/11 | 2,5% |
GVR | HOSE | 14/11 | 12/12 | 3% |
MCM | HOSE | 14/11 | 20/12 | 10% |
TLG | HOSE | 14/11 | 29/11 | 10% |
BMP | HOSE | 13/11 | 5/12 | 57,4% |
PVS | HNX | 13/11 | 17/12 | 7% |
HGM | HNX | 12/11 | 29/11 | 20% |