Chứng khoán tuần 26/2 - 3/3: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn

Minh Anh
26/02/2024 - 08:15
Chứng khoán tuần 26/2 - 3/3: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn

Chứng khoán tuần 26/2 - 3/3: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Ảnh minh hoạ

VN-Index mất 15 điểm chỉ trong một phiên giao dịch, thị trường bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn, Novaland gấp rút thi công các dự án, 7 lãnh đạo VSD, HOSE "tiếp tay" cho ông Trịnh Văn Quyết, lịch trả cổ tức…

VN-Index "bốc hơi" 15 điểm

Phiên cuối tuần (23/2) vừa qua, thị trường ngập sắc đỏ khi mất tới hơn 15 điểm, VN-Index chốt tuần với 1.212 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán, loạt cổ phiếu blue-chips đảo chiều giảm điểm. 414 cổ phiếu giảm điểm, 98 cổ phiếu tăng điểm và 45 cổ phiếu tham chiếu.

Diễn biến đối lập 2 phiên sáng - chiều cùng biên độ dao động gần 30 điểm tại VN-Index đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán tuần 26/2 – 3/3: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn- Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu blue-chips nhanh chóng đảo chiều sau giờ nghỉ trưa (Nguồn: SSI iBoard)

Dù giảm điểm mạnh, thanh khoản lại tăng đột biến. Giá trị khớp lệnh tại riêng sàn HOSE đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương gần 1,2 tỷ USD. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất 6 tháng qua, kể từ phiên "rung lắc" vào tháng 9/2023.

Bên cạnh chỉ số giảm mạnh, thị trường còn chứng kiến phiên bán ròng khủng thứ hai liên tiếp từ khối ngoại, đạt 789 tỷ đồng toàn thị trường.

Riêng sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng khoảng 767 tỷ đồng, tâm điểm tại VPB (VPBank, HOSE) và MWG (Thế giới di động, HOSE), lần lượt là 195 tỷ đồng và 183 tỷ đồng.

Nối tiếp là VIX (Chứng khoán VIX, HOSE), TPB (Ngân hàng TPBank, HOSE) và MSN (Tập đoàn Masan, HOSE).

Nhận định và khuyến nghị: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn

Ngược lại với tuần trước, ngay sau phiên "rung lắc" cuối tuần, các dự báo tuần này đều có xu hướng tiêu cực.

Theo Chứng khoán KB, chỉ số tăng điểm vào phiên sáng 23/2 chủ yếu dựa vào lực đỡ của nhóm ngân hàng và các cổ phiếu blue-chips, cho thấy độ rộng tăng điểm khá hẹp. Ngay sau đó, cuối phiên chiều, thị trường đảo chiều nhanh chóng, báo hiệu khả năng bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn được xác nhận, VN-Index có cơ hội phục hồi trở lại tại các vùng quanh 1.200 và xa hơn là quanh 1.170 điểm.

Chứng khoán VCBS cho rằng, với diễn biến hiện tại, VN-Index có thể sẽ tiếp tục xuất hiện "rung lắc" trong biên độ trên 10 điểm trước khi tăng trở lại, thị trường vẫn trong nhu hướng tăng trung – dài hạn. Nhà đầu tư được khuyến nghị, tận dụng nhịp "rung lắc" vừa rồi để gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu có nền tích lũy tốt, như là nhóm ngành tài chính – ngân hàng và các doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể lướt sóng với các cổ phiếu đã có sẵn, chốt lời ngắn hạn trong những nhịp tăng để hạn chế rủi ro và cân nhắc mua lại với giá được điều chỉnh giảm.

Chứng khoán Yuanta thì cho biết, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên tiếp theo, chỉ số VN-Index có thể về vùng 1.200 – 1.210 điểm. Thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và các nhóm cổ phiếu có thể sẽ có diễn biến phân hoá. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng với thị trường hơn.

Hàng loạt ngân hàng rục rịch chuẩn bị đại hội cổ đông thường niên 2024

Nhiều ngân hàng đã thông báo về việc chốt quyền tham dự đại hội cổ đông 2024.

Trong số các ngân hàng đã công bố lịch, Ngân hàng TMCP Nam Á – Nam A Bank (NAB, HOSE) có thể là nhà băng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 khi dự kiến sẽ tiến hành vào 29/3/2024, ngày đăng ký cuối để chốt danh sách là 28/2/2024.

Ngoài ra, tính đến nay, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo lịch chốt quyền tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 3 và tổ chức họp vào tháng 4/2024.

7 lãnh đạo ngành chứng khoán "tiếp tay" cho ông Trịnh Văn Quyết

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hôm 24/2.

Trong đó, C01 đề nghị truy tố 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, 3 người khác thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị đề nghị tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Chứng khoán tuần 26/2 – 3/3: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn- Ảnh 2.

Mục đích chiếm đoạt tiền nhà đầu tư, Faros được lên kế hoạch thành công ty đại chúng để niêm yết tại sàn dù không đủ điều kiện về vốn (Ảnh: Internet)

CTCP Xây dựng Faros (ROS) thuộc hệ sinh thái FLC, dù vốn thực góp ban đầu chỉ gần 1.200 tỷ đồng nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, từ tháng 4/2014 đến 9/2016, ông Quyết chỉ đạo em gái cùng một số người khác là lãnh đạo Công ty Faros 5 lần nộp hồ sơ góp vốn khống hơn 3.100 tỷ đồng.

Từ đó, vốn điều lệ của Faros tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ. Lúc này, ông Quyết đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Dù gặp nhiều cản trở do có mâu thuẫn về cơ sở xác định vốn thực góp, song ông Quyết đã được 4 lãnh đạo của HOSE giúp sức.

Novaland gấp rút hoàn thiện các dự án

Chứng khoán tuần 26/2 – 3/3: VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn- Ảnh 3.

Dự án Victoria Village, một trong những dự án trọng điểm, đang được gấp rút thi công (Ảnh: Novaland Việt Nam)

Doanh thu bất động sản năm 2023 của CTCP Tập đoàn đầu tư Địa ốc Nova - Novaland (NVL, HOSE) đã giảm mạnh hàng nghìn tỷ đồng. Ngay sau khi được gỡ vướng, các dự án bất động sản tại TPHCM đã được tăng tốc thi công và hoàn thiện ngay trong đầu năm 2024, bao gồm các dự án: The Grand Manhattan, Victoria Village (được biết là một trong những dự án trọng điểm của Novaland), Sunrise Riverside.

Theo cập nhật từ phía doanh nghiệp, hiện có tổng cộng 7 tòa tháp cao ốc tại 3 dự án trên đang được thi công.

Diễn biến này như một tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh của Novaland trong năm nay. Bởi, có thể thấy nhiều dự án của Novaland đã hoặc đang gặp vướng mắc về pháp lý, quy hoạch. Phía Chính phủ và các bộ ngành địa phương đã nhiều lần can thiệp và gỡ vướng. Do vậy, năm vừa qua, hoạt động gỡ vướng pháp lý dự án và cơ cấu nợ vẫn là các nhiệm vụ ưu tiên của Novaland.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 6 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần này. Trong đó, 4 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt và 2 doanh nghiệp thực hiện quyền mua.

Tỷ lệ trả cổ tức cao nhất là 100%, thấp nhất là 1%.

Hai doanh nghiệp trả cổ tức bằng thực hiện quyền mua cổ phiếu, gồm:

CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/2, tỷ lệ 50%.

CTCP Create Capital Việt Nam (CRC, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/2, tỷ lệ 100%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 19/2 - 25/2

* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền - là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu.

Mã CKSànNgày GDKHQNgày THTỷ lệ
FCNHOSE26/229/31%
FOXUPCOM28/229/320%
TTCHNX29/215/38%
BDBHNX29/220/68%
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm