Chứng khoán tuần 28/7 - 1/8: VN-Index vượt đỉnh, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Tuệ Anh
28/07/2025 - 09:22
Chứng khoán tuần 28/7 - 1/8: VN-Index vượt đỉnh, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Ảnh minh họa

VN-Index vượt đỉnh lịch sử với sự phân hóa mạnh; Chứng khoán bước vào tuần quan trọng; Lịch trả cổ tức; Tránh hiệu ứng FOMO khi thị trường tăng nóng.

VN-Index vượt đỉnh lịch sử

VN-Index đóng tuần giao dịch 21/07 - 25/7 với 1.531,13 điểm, tăng 33,85 điểm (+2,26%). Dòng tiền có xu hướng đổ vào nhóm midcap (trung bình) và rất nhiều mã với mức tăng trần mạnh mẽ được ghi nhận xuyên suốt tuần giao dịch vừa qua.

Thanh khoản khớp lệnh tuần liên tục xô đổ kỷ lục khi cao hơn tuần trước, tăng 1,6% và tăng hơn 52,7% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản bình quân tuần trên sàn HSX đạt 1.442 triệu cổ phiếu (+1,87%), tương đương giá trị đạt 36.380 tỷ đồng (+6,35%).

Với tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp của thị trường và độ mở bao trùm bởi sắc xanh với 19/21 nhóm ngành tăng điểm. Hàng không (+9,63%), chứng khoán (+8,91%) và phân bón (+5,58%) là ba nhóm ngành ghi dấu ấn với mức tăng mạnh nhất tuần. Ở chiều ngược lại, chỉ có bất động sản (-1,97%) và thực phẩm tiêu dùng (-0,60%) là hai nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh trong tuần tuần qua.

Chứng khoán tuần 28/7 - 1/8: VN-Index vượt đỉnh, nhà đầu tư cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Thị trường có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành (Ảnh chụp màn hình)

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có diễn biến tích cực, trong đó, HNX-Index kết tuần tại 254,56 điểm, tương ứng mức tăng +2,74% so với tuần trước; còn UPCoM-Index tăng +1,03 điểm để đóng cửa tại 105,77 điểm.

Đối với khối ngoại, xu hướng bán ròng mạnh xuất hiện với giá trị tại thời điểm kết thúc tuần đạt -1,602 tỷ đồng. Tâm điểm thuộc về VJC (VietJet, HOSE) với 1,714 tỷ đồng, HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) với 890 tỷ đồng và FPT (FPT, HOSE) là 501 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HDB (HDBank, HOSE) hút dòng tiền với 683 tỷ đồng, VPB (VPBank, HOSE) là 660 tỷ đồng và SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) đạt 526 tỷ đồng - ba mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần.

Nâng cao vai trò phối hợp giữa các đơn vị, nhằm phát triển bền vững chứng khoán Việt Nam

Tại Hội nghị thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2025 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức, các kết quả công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua đã được đưa ra đánh giá, đồng thời, đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát trong thời gian tới.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, UBCKNN đã triển khai 321 đoàn thanh tra, kiểm tra (258 đoàn kiểm tra, 53 đoàn thanh tra, trong đó có 75 đoàn kiểm tra giao dịch có dấu hiệu bất thường trên thị trường); ban hành 2.731 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng sang cơ quan điều tra xử lý. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, củng cố niềm tin thị trường.

Dựa vào kết quả đó, các đại biểu nhấn mạnh các Sở Giao dịch chứng (GDCK), Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC), tham luận của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an tiếp tục nâng cao vai trò phối hợp giám sát, thực hiện hiệu quả phát hiện các vi phạm trên TTCK, nhất là giám sát giao dịch bất thường trên TTCK.

Đồng thời, để phát huy và thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong thời gian tới, Lãnh đạo UBCKNN đề nghị các đơn vị giám sát, thanh tra của UBCKNN, các sở GDCK, VSDC cần bám sát Luật Thanh tra và Luật chứng khoán, Luật sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn liên quan, kịp thời, xây dựng hệ thống giám sát tổng thể theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị nhằm phân tích, cảnh báo, phát hiện dấu hiệu vi phạm trên TTCK; tổ chức hiệu quả giám sát.

Chứng khoán bước vào tuần quan trọng

Tuần này, TTCK Việt Nam và thế giới dự kiến sẽ có một tuần giao dịch đầy biến động từ 28/7 - 3/8, khi hàng loạt sự kiện kinh tế quan trọng đồng loạt diễn ra.

Tâm điểm tuần tới là cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với quyết định lãi suất dự kiến được công bố vào rạng sáng thứ Năm (ngày 31/7, giờ Việt Nam). Hiện Fed đang giữ lãi suất cơ bản trong khoảng 4,25% - 4,5% từ tháng 12/2024 đến nay.

Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường gần như chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp này với xác suất lên đến 96%. Đến kỳ họp tháng 9/2025, khả năng hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm đang được đặt cược ở mức 62%. Yếu tố khiến Fed thận trọng là lo ngại về khả năng lạm phát leo thang với chính sách thuế đối ứng.

Đóng vai trò tác động không kém chính là động thái từ thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 1/8 tới, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế từ 15% - 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Gần đây, Mỹ đã đạt thỏa thuận thuế với Philippines và Indonesia (19%), Nhật Bản (15%), trước đó là Anh, Việt Nam, Trung Quốc. Theo Financial Times và Bloomberg, Mỹ có thể áp mức thuế 15% đối với hàng hóa từ EU, thấp hơn mức 30% từng được ông Trump đe dọa áp dụng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư (NĐT) cũng sẽ dõi theo kết quả kinh doanh quý 2/2025 của các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Apple, Meta và Microsoft.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết đang bước vào giai đoạn nước rút công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 khi tháng 7 sắp kết thúc. Tính đến ngày 25/7, mới có 596/1.596 doanh nghiệp công bố, đại diện cho 35,4% vốn hóa toàn thị trường, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Song, nhiều ông lớn như Vingroup – VIC (Vingroup, HOSE), VHM (Vinhomes, HOSE), VRE (Vincom Retail, HOSE); VCB (Vietcombank, HOSE), BID (BIDV, HOSE), MBB (MBBank, HOSE)… vẫn chưa công bố kết quả, đây là những mã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số.

Chứng khoán Việt tăng nóng, tránh hiệu ứng FOMO

Chỉ số VN-Index tăng hơn 33 điểm, chính thức vượt qua vùng đỉnh lịch sử tuần qua, khiến không ít NĐT bất ngờ, đặc biệt khi thị trường đã có chuỗi tăng kéo dài nhiều tuần liên tiếp.

Sự phân hóa thể hiện rõ rệt khi dòng vốn có xu hướng thu hẹp và tập trung vào các cổ phiếu tài chính, đặc biệt là nhóm ngân hàng và chứng khoán.

Trong khi đó, hoạt động mua ròng của khối ngoại bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí quay sang bán ròng ở một số phiên gần đây. Dù vậy, tổng thể dòng tiền trên thị trường vẫn giữ được trạng thái tích cực, thể hiện sự hưng phấn của NĐT nội.

Tính từ vùng đáy thiết lập quanh mốc 1.090 điểm (giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi thông tin thuế quan), VN-Index đã tăng hơn 437 điểm, tương đương gần 40%. Theo các chuyên gia, yếu tố giúp thị trường bứt phá mạnh mẽ đến từ việc rủi ro thuế quan dần được xóa bỏ khi Việt Nam đạt được các bước tiến đáng kể trong đàm phán với Mỹ. Đây là yếu tố hỗ trợ lớn về mặt tâm lý cho giới đầu tư.

Dù thị trường đang trong trạng thái tích cực, giới chuyên gia cho rằng rủi ro ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng.

Thứ nhất, nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng quá mua sau chuỗi tăng mạnh, khiến khả năng tiếp tục mở vị thế mua mới trở nên khó khăn hơn.

Thứ hai, yếu tố định giá đang dần trở thành lực cản. Với mức P/E thị trường hiện quanh 15 lần - gần bằng trung bình 10 năm trong khi mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chưa thực sự bắt nhịp kịp với tốc độ leo dốc của giá cổ phiếu. Vì vậy, đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư nhìn lại sức khỏe nội tại và tiềm năng thực sự của từng doanh nghiệp, thay vì chỉ chạy theo sóng thị trường.

Thứ ba là rủi ro đến từ hoạt động margin. Dữ liệu cuối quý 2/2025 cho thấy dư nợ cho vay ký quỹ vẫn chưa chạm ngưỡng gấp đôi vốn chủ sở hữu toàn ngành, nhưng một số công ty chứng khoán đã tiệm cận giới hạn cấp margin theo quy định.

Trước những tín hiệu trên, NĐT được khuyến nghị nên thận trọng hơn. Với những người đang sử dụng margin, việc giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn (khoảng 55 - 60%) là cần thiết để bảo toàn thành quả sau nhịp tăng mạnh.

Còn với nhóm NĐT đang "trữ tiền mặt", việc nhảy vào ở thời điểm này cũng tương đối rủi ro khi dư địa tăng giá không còn nhiều, nên chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2025 để có chiến lược phù hợp.

Nhận định và khuyến nghị

Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), đánh giá, kết thúc tuần giao dịch cuối tháng 7, TTCK Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái tích cực, với chỉ số VN-Index chính thức tiệm cận vùng đỉnh cũ năm 2021 – một cột mốc mang ý nghĩa kỹ thuật và tâm lý quan trọng.

Với các thông tin vĩ mô, Fed đã phát tín hiệu có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trong vòng 6–12 tháng tới sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, kỳ vọng ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh đồng VND được kỳ vọng sẽ giữ giá hoặc tăng nhẹ, xu hướng nắm giữ tài sản tài chính có thể tiếp tục được củng cố.

Chứng khoán tuần 28/7 - 1/8: VN-Index vượt đỉnh, nhà đầu tư cần lưu ý gì?- Ảnh 2.

Thị trường bước vào tuần quan trọng

Bước sang tuần đầu tiên của tháng 8, báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2025 được công bố đầy đủ sẽ dần hé lộ nhiều điểm sáng. Những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc, tăng trưởng quý 2/2025 tốt so với cùng kỳ và có mức định giá hợp lý sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền. Giai đoạn này thị trường sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh, đòi hỏi chiến lược chọn lọc kỹ lưỡng.

Một điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu Chứng khoán nổi bật nhất trong tháng 7 khi liên tục bứt phá mạnh mẽ nhờ hưởng lợi từ thanh khoản cao, quy mô margin tăng trưởng.

Ngành Bất động sản cũng là nhóm hưởng lợi trong giai đoạn hiện tại khi Chính phủ đang đẩy mạnh tháo gỡ và xử lý các vướng mắc để triển khai các dự án trong thời gian thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dù thị trường đang trong xu hướng tăng, nhưng khi tiến gần vùng kháng cự mạnh , tâm lý chốt lời và dao động mạnh theo tin tức có thể gia tăng. Chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện tại là linh hoạt cơ cấu danh mục, từng bước chốt lời các cổ phiếu đã gần mục tiêu, việc kiểm soát tỷ trọng cổ phiếu và chuẩn bị chọn lọc danh mục đón đầu kết quả kinh doanh sẽ là chìa khóa để tối ưu hiệu quả đầu tư trong giai đoạn này.

Chứng khoán BSC cho rằng, VN-Index tiếp tục tăng với độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/18 ngành tăng điểm, chỉ số đã vượt đỉnh cũ từ đầu năm 2022 vì vậy trong tuần này, VN-Index có thể tiếp tục hướng đến các đỉnh cao mới.

Chứng khoán Phú Hưng nhận định, lực mua vẫn duy trì tốt, khối lượng khớp lệnh tiếp tục ở mức cao và đồng thuận, thị trường xuất hiện sự phân hóa giữa các nhóm ngành, cổ phiếu - mang tính chọn lọc hơn là tiêu cực. Vì vậy, dự kiến chỉ số sẽ rung lắc và củng cố quanh vùng 1.500 - 1.530 điểm trước khi tái tạo đà tăng, hướng đến mục tiêu vượt đỉnh lịch sử 1.540 điểm. Chiến lược chung là tiếp tục nắm giữ. Ở chiều mua mới, có thể tham gia với những cổ phiếu vừa thoát nền giá trung hạn. Nhóm ngành ưu tiên: Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Đầu tư công và Tiện ích (Điện).

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 25 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần 28/7 – 1/8, trong đó, 19 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 6 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 2 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu.

Tỷ lệ cao nhất là 40%, thấp nhất là 2%.

6 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:

CTCP SIVICO (SIV, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/7, tỷ lệ 15%.

CTCP In và Bao bì Mỹ Châu (MCP, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/7, tỷ lệ 10%.

CTCP Nhựa Picomat (PCH, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/7, tỷ lệ 5%.

CTCP BV Land (BVL, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/7, tỷ lệ 8%.

CTCP Dược phẩm Trung Ương 1-Pharbaco (PBC, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 1/8, tỷ lệ 3%.

CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 1/8, tỷ lệ 9%.

2 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu:

CTCP Hóa chất Minh Đức (HMD, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/7, tỷ lệ 40%.

CTCP Địa ốc First Real (FIR, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/7, tỷ lệ 10%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

SànNgày GDKHQNgày THTỷ lệ
C22UPCOM28/78/810%
DRIUPCOM29/715/85%
TTDUPCOM29/715/810%
PREHNX29/715/84,5%
MH3UPCOM29/722/816%
MQBUPCOM29/78/83,8%
MTVUPCOM30/78/97%
BMDUPCOM30/725/85%
SIVUPCOM30/715/810%
TRCHOSE30/719/1225%
MCPHOSE30/720/104%
RTBUPCOM 30/715/820%
KWAUPCOM30/73/915,8%
BDGUPCOM30/718/825%
PMBHNX30/715/87%
BRSUPCOM30/726/814%
BBHUPCOM31/728/82%
TEDUPCOM31/73/920%
VDTUPCOM1/826/98%


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm