pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chứng khoán tuần giáp Tết: VN-Index tiềm ẩn nguy cơ "rung lắc"
Chứng khoán tuần cuối năm: VN-Index tiềm ẩn nguy cơ "rung lắc" trước thềm năm mới. Ảnh minh họa
Cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh
Thị trường rơi vào trạng thái cầm chừng tuần vừa qua, tâm lý thận trọng giữa bên mua và bán khiến thị trường xuất hiện sự phân hóa và dần hạ độ cao. VN-Index rung lắc nhẹ, chốt tuần với 1.172,5 điểm, giảm hơn 3 điểm so với tuần trước.
HNX-Index chốt tuần với 230,56 điểm, UPCoM đạt 88,37 điểm.
Lượng thanh khoản cải thiện, duy trì mức trên 20.000 tỷ đồng. Hơn 914 triệu cổ phiếu được "sang tay", tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 22.750 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành yếu tố tạo áp lực cho thị trường. Các cổ phiếu lớn như: VPB (VPBank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), TPB (TPBank, HOSE), EIB (Eximbank, HOSE)... là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.
Cùng lúc đó, cổ phiếu chứng khoán và bất động sản trở thành điểm sáng, điển hỉnh, NVL (Novaland, HOSE) và DIG (DIG Group, HOSE) tăng cao với thanh khoản dẫn đầu thị trường. Các cố phiếu khác: CII (Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, HOSE), DXG (Tập đoàn Đất Xanh, HOSE), NLG (Đầu tư Nam Long, HOSE)... đều đồng loạt xanh.
Nhận định và khuyến nghị tuần này
Trước thềm năm mới, hầu hết các nhận định đưa ra đều cho rằng, tâm lý giao dịch thận trọng ngoài ra nhu cầu sử dụng tiền mặt tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ "rung lắc" nhẹ.
Chứng khoán Vietcap khuyến nghị nhà đầu tư, tâm lý giao dịch thận trọng trước dịp nghỉ lễ có thể khiến thanh khoản tại sàn sụt giảm.
Chứng khoán BSC đưa ra nhận định, thị trường giằng co tuần qua ở ngưỡng 1.180 điểm nhưng chưa thể vượt qua. Thị trường nghiêng về chiều hướng tiêu cực, chỉ 8/18 ngành tăng điểm, trong đó Công nghệ thông tin dẫn đầu đà tăng, kế tiếp là Hóa chất, Bán lẻ... Những ngày cuối năm, áp lực chốt lời có thể xảy ra khi nhu cầu tiền mặt của nhà đầu tư răng. Do vậy, nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng.
Chứng khoán VCBS cho biết, thanh khoản tăng nhưng chỉ số giảm điểm nhẹ bởi chủ yếu do động thái bán bất ngờ gia tăng trong phiên cuối tuần, dòng tiền đang thiếu sự đồng thuận. VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư nên chốt lời một phần đối với cổ phiếu đã chạm kháng cự và có dấu hiệu suy yếu, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội giải ngân trở lại trong các phiên rung lắc với biên độ lớn thay vì gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Hai hãng hàng không lớn công bố kết quả kinh doanh năm 2023 trái chiều
Hãng hàng không Vietnam Airlines (HVN, HOSE) ghi nhận doanh thu hơn 92.100 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, đây là mốc doanh thu cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 trong năm 2023. Song, HVN vẫn lỗ tới 5.516 tỷ đồng, được biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp lỗ tại doanh nghiệp.
Với yếu tố này, HVN đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết tại sàn.
Ngược lại, hãng hàng không VietJet Air (VJC, HOSE) đạt tăng trưởng cao. Năm 2023, doanh thu đạt 62.500 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 2023 của hãng đạt 344 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2023, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách khoảng 5.200 tỷ đồng.
Phạt loạt doanh nghiệp do không công bố tình hình trái phiếu, báo cáo tài chính
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo xử phạt loạt vi phạm hành chính với 4 doanh nghiệp.
Hầu hết các vi phạm chủ yếu đều liên quan đến hoạt động trái phiếu, như không công bố: báo cáo tình hình sử dụng tiền thu trái phiếu, báo cáo tình hình thực hiện cam kết trong hoạt động trái phiếu; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu…Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn không công bố hoặc chậm công bố Báo cáo tài chính (BCTC) các năm.
Tổng số tiền phạt lên đến 362,5 triệu đồng, cụ thể là:
CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2, HNX) bị phạt 92,5 triệu đồng.
CTCP Địa ốc Sacom bị phạt 92,5 triệu đồng.
CTCP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận bị phạt 85 triệu đồng.
CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng bị phạt 92,5 triệu đồng.
Xây dựng Hòa Bình đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã đưa ra lưu ý cho cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có khả năng bị hủy niêm yết nếu chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023. Hiện, cổ phiếu HBC đang trong diện bị kiểm soát do vi phạm chậm nộp BCTC năm (kiểm toán) trong 2 năm liên tiếp.
Trước diễn biến này, phía doanh nghiệp cho biết, sẽ nghiêm túc chấp hành quy định và không để cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết, tập đoàn đang nỗ lực hoàn thành BCTC năm 2023 (kiểm toán) đúng hạn, triển khai các biện pháp khắc phục vi phạm.
Ngoài ra, ngày 19/1 vừa rồi, HBC đã được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch và chính thức được giao dịch bình thường trở lại. Thị giá HBC hiện đang dừng ở mức 8.410 đồng/cp, tăng khoảng 13% kể từ đầu năm 2024. Vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng hơn 2.260 tỷ đồng.
Cả năm 2023, HBC ghi nhận doanh thu 7.282 tỷ đồng trong năm 2023, giảm gần một nửa so với năm 2022. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 lên đến hơn 545 tỷ đồng, công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm qua. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.279 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 600 tỷ đồng so với năm 2022.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, chỉ có 2 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trước khi nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Cả 2 doanh nghiệp: CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG, HOSE) và CTCP Nước sạch Bắc Ninh (BNW, UPCoM) đều trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 10% và 5%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 5/2 - 11/2
* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền - là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty hiện tại.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
VFG | HOSE | 6/2 | 8/3 | 10% |
BNW | UPCOM | 6/2 | 6/3 | 5% |