Chung tay tiết kiệm điện: Làm gì để hóa đơn tiền điện không tăng cao?

An Khê - Ảnh: EVN
28/06/2023 - 15:43
Chung tay tiết kiệm điện: Làm gì để hóa đơn tiền điện không tăng cao?

Công nhân Điện lực Sơn La tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả đến khách hàng

Trước sự vào cuộc quyết liệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị điện lực, cùng với việc xuất hiện mưa tại thượng nguồn, tình trạng thiếu điện đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, nếu không sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt là trong mùa nắng nóng thì việc phải móc nhiều “hầu bao” khi thanh toán hóa đơn tiền điện sẽ khó có thể tránh khỏi.

Giá điện nhập khẩu tăng, giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất nhiệt điện, điện khí cũng tăng cao… vì thế giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kể từ đầu tháng 5/2023 để góp phần giúp EVN bù lỗ. Mặc dù mức tăng không đáng kể, nhưng trong tình trạng nắng nóng kéo dài, nhất là tháng 6, tháng 7 là những tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè, hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao so với các tháng trước, nếu không thực hiện triệt để việc tiết kiệm điện.

Chung tay tiết kiệm điện: Làm gì để hóa đơn tiền điện không tăng cao? - Ảnh 1.

Công nhân Điện lực Vĩnh Phúc kiểm tra bảo trì hệ thống lưới điện

Chị Phạm Thu Hiền, ở chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do giá điện được điều chỉnh nên hóa đơn tiền điện tháng 6 nhà chị tăng so với những tháng trước đó. Cụ thể, kỳ hóa đơn từ 5/5 đến 4/6 tổng số kWh điện là 325, được chia thành 5 bậc và chị phải đóng số tiền là 789.000 đồng. Trong khi đó, kỳ hóa đơn tháng 5, chị Hiền phải trả 512.000 đồng. "Nghỉ hè, các con tôi chủ yếu ở nhà ông bà nội, thỉnh thoảng mới về nhà, vợ chồng tôi thì đi làm cả ngày, chỉ bật điện vào buổi tối, thế nhưng do nắng nóng nên phải bật điều hòa suốt đêm. Cộng với giá điện tăng nên chi phí cũng cao lên", chị Hiền cho biết.

Cũng như chị Hiền, cùng với việc điều chỉnh giá điện và nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao khi nắng nóng, hầu hết hóa đơn tiền điện của các gia đình đều tăng trong thời gian gần đây. Do đó, tiết kiệm điện là việc cần làm ngay để hạn chế tiền điện tăng cao và chung tay cùng ngành Điện khắc phục tình trạng thiếu điện.

Do nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, công nghiệp tăng, trong khi các dự án cung cấp điện, nhà máy sản xuất điện không được đầu tư xây mới nên nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng là tất yếu. Cùng với đó, từ ngày 4/5/2023 EVN đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.920,3732 đồng/kWh, trong khi giá điện bán lẻ bình quân trước đó là 1.864 đồng/kWh.

Giá điện đã được điều chỉnh, nếu không sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn góp phần gây thiếu điện cho các hoạt động khác. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cấp chính quyền, tổ chức xã hội từ địa phương đến trung ương đang kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng điện tiết kiệm để giảm thiểu tình trạng thiếu điện.

Nhằm giải quyết về nỗi lo "ngốn điện" của không chỉ điều hòa mà còn tất cả các thiết bị điện khác, các công ty điện lực cũng khuyến nghị khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của tiêu thụ điện: Từ 10h -14h và từ 19h - 23h hàng ngày; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, người dân nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương. Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ.

Chung tay tiết kiệm điện: Làm gì để hóa đơn tiền điện không tăng cao? - Ảnh 2.

Nhân viên Điện lực Hà Tĩnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm tại các khu chợ, trung tâm, khu dân cư đông người

Một điều rất quan trọng với hầu hết các thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên. Theo viện nghiên cứu Berkeley, California (Mỹ), những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm