Chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ em

28/06/2018 - 21:09
Khi các bậc cha mẹ, thầy cô giáo thận trọng trong từng hành vi ứng xử với con em mình thì tác động tích cực sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình và nhà trường mà sẽ có ảnh hưởng lan tỏa làm cho môi trường xã hội dần trở nên an toàn hơn, để trẻ em được lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
ong-nguyen-trung-dung.jpg
Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hoà Bình
Đừng để trẻ chịu thiệt thòi  
 
Ngày 28/6, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hoà Bình và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tổ chức Sự kiện hưởng ứng Sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - Cần Bạn, cần Tôi, cần Cả thế giới". Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hoà Bình, đây là sự kiện nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, gia đình và toàn xã hội đối với công tác trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống bạo lực thân thể trẻ em. Góp sức xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, đảm bảo cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương.
 
dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham gia sự kiện

 

Tại sự kiện lần này, các đại biểu và các em nhỏ tham dự đã chia sẻ về thực trạng và cách giải quyết mang tính thực tiễn đối với vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - hai môi trường có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
 
Tình trạng trẻ em bị chính cha mẹ, người thân bạo hành vẫn xảy ra, nhiều bậc phụ huynh coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết và nên làm, không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của trẻ.
 
Tại buổi lễ, mọi người đều xúc động khi nghe câu chuyện mà chị Quách Thị Tương đến từ huyện Lạc Sơn chia sẻ về nỗi đau khi chứng kiến hai người cháu của mình chịu nhiều trận đòn roi đầy ám ảnh của người bố. “Tôi có 2 người cháu chuẩn bị vào lớp 10 và lớp 8. Khi bố mẹ ly hôn, 2 cháu sống với bố. Mỗi lần say rượu về, người bố đánh đập con cái, đuổi con ra đường, không cho con ăn ngủ. Khi con sang hàng xóm, mọi người cho ăn thì bố lại tìm con về trói vào cột nhà, đánh đập đến ngất xỉu. Sau đó, người bố lại lấy nước hất vào người con cho tỉnh để đánh tiếp. Thấy hai cháu không ngừng kêu đau, tôi thương xót đưa hai cháu về nuôi, cho ăn học nhiều năm qua”.
 
toa-dam.jpg
Ông Đoàn Tất Thắng (ngoài cùng bên phải) - đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình chia sẻ trong cuộc tọa đàm về chủ đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và nhà trường

 

Không chỉ nghe câu chuyện đau lòng của chị Tương, tất cả đại biểu đều bức xúc trước các thực trạng còn tồn tại. Ông Đoàn Tất Thắng - Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, theo số liệu thống kê của  Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Hòa Bình, trong năm 2017 có 26 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 12 vụ hiếp dâm trẻ em, 5 vụ giao cấu với trẻ em, 4 vụ cố ý gây thương tích với trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 13 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 9 vụ hiếp dâm trẻ em, 2 vụ giao cấu với trẻ em. Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý, giải quyết các vụ án nên trên: 100% các vụ án đều được Cơ quan cảnh sát điều tra, tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Đến nay, các vụ việc trên đều được xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Chung tay ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em
  
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, để ngăn chặn tệ nạn bạo hành trẻ em trong gia đình và học đường, cần đưa các tiêu chí gia đình no ấm, hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình vào trong các quy ước thôn, xóm, tổ, khu phố. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn công tác phòng chống bạo lực trẻ em, thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, gắn với báo cáo lồng ghép chuyên đề về phòng chống bạo lực trẻ em tới người dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân về phòng chống bạo lực gia đình. Giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực trẻ em và xây dựng mô hình can thiệp lồng ghép trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
 
ong-cao-van-ha.jpg
Ông Cao Văn Hà - Giám đốc các chương trình vùng miền Bắc của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam

 

Còn ông Cao Văn Hà - Giám đốc các chương trình vùng miền Bắc của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam cho biết, cần thúc đẩy việc xây dựng và thực thi tốt luật pháp và chính sách liên quan, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của mọi thành viên trong xã hội. Từ đó thôi thúc từng cá nhân hành động để chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học  - hai môi trường có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển toàn diện và quá trình hình thành nhân cách ở trẻ em.
 
Khi các bậc cha mẹ, thầy cô giáo thận trọng trong từng hành vi ứng xử với con em mình thì tác động tích cực sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình và nhà trường mà sẽ có ảnh hưởng lan tỏa làm cho môi trường xã hội cũng dần trở nên an toàn hơn để trẻ em được lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
 
Theo ông Đoàn Tất Thắng, Công an tỉnh đã tổ chức sơ kết, nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em ra 25 tổ dân phố và 5 trường học tại phường Hữu Nghị. Công an tỉnh cũng đã phối hợp Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em cho các tuyên truyền viên. Tích cực đẩy mạnh các nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp giữa Công an và Mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên về nội dung phòng chống ma túy, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em và bạo lực học đường.
 

Bà Nguyễn Thị Linh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hoà Bình cho biết, cần cam kết xây dựng kế hoạch hưởng ứng Sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - Cần Bạn, cần Tôi, cần Cả thế giới" tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em; hướng dẫn kỹ năng sử dụng các biện pháp kỷ luật tích cực cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo và những người trực tiếp làm việc với trẻ. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ em, tăng cường quảng bá thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu.

 
Sau sự kiện, các đại biểu đã tham gia ký cam kết chung tay chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học thông qua những hành động cụ thể để hưởng ứng sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”. 
ky-cam-ket.jpg
Một đại biểu ký cam kết

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm