Chương trình dàn trải mà đòi hỏi học sinh phải giỏi 13 môn

24/03/2018 - 10:44
Phát biểu ý kiến trước lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, một nữ sinh cho rằng chương trình học hiện nay còn dàn trải mà đòi hỏi học sinh phải giỏi 13 môn.

 

anh-gia-duc.jpg
Học sinh bày tỏ những trăn trở của mình

Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM với 110 em đại diện cho gần 1 triệu học sinh trung học của TPHCM ngày 23/3, nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục học đường được các em nêu lên.

Tại đây, các em quan tâm đến vấn đề phát triển văn, thể, mỹ, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh  trung học và nêu ra nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay như: Nhiều bạn gần như không tham gia các hoạt động phong trào của trường. Bên cạnh đó, các chuyên đề kỹ năng sống còn khá trùng lặp, chưa bắt kịp xu thế phát triển của xã hội; nhiều nơi sân trường nhỏ hẹp chưa đủ điều kiện cho học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao; nhiều học sinh lười vận động, chìm đắm trong thế giới ảo khiến sức khỏe và kết quả học tập tuột dốc; phương pháp dạy môn giáo dục công dân ở trường phổ thông còn khô khan khiến học sinh khó tiếp nhận; chương trình học còn nặng nề, xa rời thực tế; có nhiều khác biệt trong giáo dục đạo đức giữa gia đình và nhà trường…

Em Nguyễn Tú Uyên Vy, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản, băn khoăn: Nhiều gia đình hiện nay không cho con cái làm việc nhà, không muốn con tham gia các hoạt động xã hội ngoài nhà trường vì muốn con tập trung thời gian cho việc học. Trong khi đó, trường học lại khuyến khích các em tham gia nhiều các hoạt động phong trào, lấy đó làm một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá hạnh kiểm.

Có cùng trăn trở này, em Hoàng Hạnh Nhi – Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng, việc các bậc cha mẹ còn chưa quan tâm đến việc cho con tham gia các hoạt động xã hội mà muốn con chỉ lo học... Bên cạnh đó, chương trình giáo dục dàn trải, đòi hỏi học sinh phải giỏi tới 13 môn trong khi mỗi cá nhân có những tố chất riêng.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến của các em trăn trở về việc tình cảm thầy và trò vẫn còn xa cách, các thầy cô không có thời gian lắng nghe, trò chuyện và chia sẻ tâm tư tình cảm cùng các em học sinh.

Một nữ sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: Em buồn vì mối quan hệ ngày càng xa cách giữa giáo viên và học sinh. Thầy cô vừa vào lớp đã cầm phấn viết bảng ngay. Thậm chí nhiều nơi giáo viên còn “tranh thủ” tiết sinh hoạt chủ nhiệm để chạy giáo án hoặc cho học sinh làm bài kiểm tra khiến cả học sinh lẫn giáo viên không có thời gian lắng nghe nhau và thấu hiểu.

Một học sinh Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè thì chia sẻ sự xa cách với giáo viên môn toán: Em mong một lần được giáo viên dạy toán nói điều gì đó nhưng giáo viên đến lớp chỉ giảng bài. Đó là một điều vô cùng nhàm chán.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề xuất của các em học sinh là rất thiết thực và đáng quý, ban lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã phản hồi nhiều thông tin, giải đáp các thắc mắc, trăn trở  về chương trình, sách giáo khoa cải tiến mới; các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng trong nhà trường...

Ngoài những giải đáp, chia sẻ của lãnh đạo Sở GD&ĐT từ các câu hỏi của học sinh, nét mới của cuộc gặp gỡ năm nay chính là cho các em học sinh đưa ra những giải pháp thiết thực xoay quanh 3 chủ đề: Thực hiện nội quy nhà trường, Luật an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; Trang bị tri thức để hoàn thiện bản thân và hội nhập quốc tế; Tham gia rèn luyện thể chất, văn hóa văn nghệ và trang bị kỹ năng sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm