Chương trình ‘Đồng hành cùng phụ nữ biên cương’ lan tỏa tính nhân văn

20/10/2018 - 16:20
Đây là đánh giá của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp.
Vững kinh tế, chắc biên cương
Ngày 7/3/2018, TƯ Hội LHPNVN và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức Lễ ra quân “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020. Sau 7 tháng triển khai, Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn, nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo cộng đồng, tạo ra nguồn lực hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới xây dựng kinh tế, bám đất giữ vững biên cương...
 
phu-nu-bien-cuong-3.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, diễn viên Nhã Phương - Đại sứ chương trình - thăm một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Biên Giới (Châu Thành, Tây Ninh). Ảnh: Đình Hưng

 

Là một trong những phụ nữ đầu tiên được thụ hưởng từ chương trình này, chị Hoàng Thị Tào (SN1983), ở thôn Nà Pè, xã Bác Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn, cho biết: "Chúng tôi sống ở vùng biên giới, miền núi vùng sâu vùng xa nên điều kiện tự nhiên rất khó khăn, không thuận lợi cho nuôi trồng, sản xuất hay giao thương buôn bán".
 
Chị Tào tâm sự: “Kế sinh nhai của cả nhà 4 người chỉ biết trông vào 1ha rừng thông lấy nhựa. Thu nhập chỉ khoản 20 triệu đồng/năm, không có nguồn thu nào khác nên đời sống còn rất nhiều khó khăn”. Căn nhà đã cũ nát, mưa xuống là dột; đến cái nhà vệ sinh cũng chưa được xây sửa cho hợp vệ sinh. Tôi biết sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng không có tiền thì... đành chịu. Gia đình chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ cho vay vốn để nuôi thêm lợn, gà, tăng thu nhập, tích góp tiền sửa nhà, mua đồ dùng cần thiết.
 
phu-nu-bien-cuong-1.jpg
Chị Hoàng Thị Tào (trái, thôn Nà Pè, xã Bác Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) tại lễ ra quân “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

 

Cùng sống tại thôn Nà Pè, bà Vương Thị Chung cho biết: Ở địa bàn vùng biên giới xã Bác Xa này không có nghề phụ gì, chăn nuôi cũng hạn hẹp, nhỏ lẻ “tự sản tự tiêu”, không biết kinh doanh buôn bán. Từ khi có chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", phụ nữ nghèo nơi đây được hỗ trợ vốn sản xuất, được tập huấn nâng cao kiến thức làm kinh tế và kỹ năng chăm sóc, xây dựng gia đình, nuôi dạy con; không còn phải tính tới chuyện di cư đến nơi khác làm thuê. Cuộc sống nhờ vậy mà bớt dần khó khăn, chị em người Nùng nơi đây yên tâm bám đất sản xuất, giữ vững từng tấc đất quê hương.
 
Ngay từ những ngày đầu triển khai, chương trình đã trực tiếp khảo sát những khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các xã vùng biên. Trên cơ sở đó, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương.
 
Cụ thể như trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân tại địa phương tự thực hành; tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài như xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, con giống, vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ các công trình dân sinh phục vụ đời sống của hội viên, phụ nữ biên giới...
 
Lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng
 
Theo thống kê, cả nước hiện có 435 xã biên giới đất liền, trong đó có 267 xã đặc biệt khó khăn. Qua 7 tháng triển khai chương trình, phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới khó khăn nhất đã nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo các tầng lớp phụ nữ và người dân, cộng đồng cũng như các ban, ngành, đoàn thể; tạo ra hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội với nhiều cách làm sáng tạo và các kết quả nổi bật.
 
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo, TƯ Hội LHPNVN, cho biết: Thời gian qua đã có nhiều cách làm mới thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, ví dụ như truyền thông rộng rãi để phát động nhắn tin ủng hộ phụ nữ vùng biên có nguồn lực xây dựng mô hình sinh kế.
 
Đây là lần đầu tiên triển khai hình thức nhắn tin ủng hộ, huy động được 1,4 tỷ đồng qua hoạt động này hỗ trợ cho 14 mô hình sinh kế. Ngoài ra, các tỉnh thành cũng có cách làm sáng tạo cùng huy động nguồn lực để hỗ trợ được nhiều mô hình hơn nữa về sinh kế, xây dựng nhà, nước sạch vệ sinh môi trường...

Tính đến hết tháng 9/2018, tổng kinh phí huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được gần 27 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Có 110 xã biên giới, hải đảo khó khăn được nhận hỗ trợ.

 
Chương trình này được đánh giá là có ý nghĩa, giàu tính nhân văn và tính thiết thực rất cao cho phụ nữ nơi biên cương. Theo bà Trương Thu Thủy, trên cơ sở thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương.
 
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN các tỉnh ưu tiên tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cơ sở, truyền thông nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống và được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm như: Di cư lao động an toàn, tham gia bảo vệ đường biên mốc giới; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống mua bán người, ma túy, bạo lực gia đình, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm