Làm gì để giảm tải chương trình?
Đang trong quá trình nộp hồ sơ dự thi chương trình đào tạo song bằng trong nước và Cambridge cấp THCS, lo lắng lớn nhất của phụ huynh là áp lực học tập đối với con khi phải học một lúc hai chương trình song song. Nỗi băn khoăn này đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ những thông tin ban đầu.
Nói về điều này, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thừa nhận rằng, nếu gộp một cách cơ học để dạy song song cả hai chương trình này sẽ mất rất nhiều thời gian cho học sinh, có nhiều lượng kiến thức chồng chéo. Vì vậy, giải pháp đưa ra là phải tích hợp để làm sao học sinh có thể học cùng một lúc hai chương trình mà không bị quá tải, chồng chéo.
“Chúng tôi tiến hành tích hợp kiến thức, lược bỏ những phần nội dung kiến thức chung có trong cả hai chương trình, đảm bảo làm sao khi các em học xong chương trình THPT (hoặc THCS) thì việc thi lấy bằng tốt nghiệp THPT (hoặc THCS) vẫn đảm bảo như học sinh học chương trình Việt Nam; mặt khác vẫn đảm bảo để đạt đủ điều kiện nhận chứng chỉ A-level (hoặc IGCSE)”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, để làm được như vậy là điều không hề đơn giản. Bởi một số môn học tuy chương bài có tiêu đề có vẻ giống nhau giữa hai chương trình, song thực tế nội dung lại không giống nhau. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận kiến thức, phương pháp giảng dạy khác nhau.
Để giải quyết tình trạng này, Sở GD&ĐT phải nghiên cứu, lên một sơ đồ rõ ràng giữa hai chương trình nhằm giảm thiểu sự chồng chéo để học sinh vẫn đảm bảo đủ kiến thức, năng lực dù chỉ học nội dung tương tự ở một chương trình. Theo đó, những phần kiến thức giao nhau thì sẽ chọn dạy ở chương trình Cambridge để tăng cường hơn việc học tập ngôn ngữ tiếng Anh cho học sinh.
“Thực tế cho thấy, cách làm này phù hợp. Học sinh học khoảng trên dưới 40 tiết/tuần cả hai chương trình, học 6 ngày/tuần và mỗi ngày không quá 7 tiết”, ông Dũng lạc quan.
Ông Chử Xuân Dũng cũng chia sẻ thêm những khó khăn ban đầu nếu áp dụng chương trình này. Theo đó, phương pháp học của chương trình này đòi hỏi thí nghiệm, thực hành rất nhiều, cách tiếp cận cũng khác khi yêu cầu học sinh phải chủ động, tích cực hơn.
Thực tế sau thí điểm khóa học đầu tiên ở THPT Chu Văn An vào năm ngoái cho thấy, giáo viên đã phải dành 3 tháng đầu để giúp bổ trợ kiến thức, kỹ năng học tập cho học sinh, trang bị cho các em một số khái niệm, thuật ngữ về mặt ngôn ngữ để có thể học được chương trình khi chính thức chuyển sang học chương trình A-level.
“Nhìn chung, sau 1 học kỳ thì đã thấy sự thích ứng rất tốt từ phía học sinh và các nhà trường. Chúng tôi đánh giá, việc tuyển chọn học sinh đầu vào là khâu rất quan trọng để các em có thể “theo” được một “chặng đường” dài”, ông Chử Xuân Dũng nói.
Đại diện các trường nói gì?
Ngày 22/5, liên hệ với 2 trong số 7 hiệu trưởng của 7 trường THCS được chọn thí điểm đào tạo chương trình này, phóng viên không nhận được nhiều chia sẻ thông tin, mặc dù đã khẳng định phụ huynh thiết tha muốn có được càng nhiều thông tin về chương trình càng tốt. Lý do được đưa ra là bởi đây là kỳ thi chung, hơn nữa lại rất mới nên Sở GD&ĐT mới là cơ quan nắm rõ nhất.
Khi được hỏi về đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy là người nước ngoài hay giáo viên trong nước, bà Ngô Thị Diệp Lan - Hiệu trưởng THCS Thanh Xuân (Hà Nội) - thông tin rất ngắn gọn rằng, chắc chắn đội ngũ này phải có chứng chỉ của Cambridge, có bằng cấp quốc tế thì mới đủ điều kiện đảm đương chương trình, đây là điều đương nhiên. “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị mọi công việc theo tinh thần chỉ đạo chung của sở và chưa có nhiều thông tin để cung cấp”, bà Diệp Lan nói thêm.
Nhận định về chương trình đào tạo này, nữ hiệu trưởng của một trường tiểu học dân lập “hot” tại Hà Nội cũng đang đào tạo chương trình quốc tế, cho biết, đây là việc làm rất đáng hoan nghênh của ngành gáo dục Hà Nội, bởi việc đưa chương trình quốc tế vào trường học trong nước là con đường ngắn nhất để tiếp cận những tinh hoa của giáo dục thế giới.
Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh sẽ gặp không ít trở ngại nếu chương trình không được giảm tải. “Trường chúng tôi phải dành 11-12 tiết tiếng Anh/tuần cho học sinh chưa kể các môn học khác, chương trình rất nặng. Vì vậy, nếu không thể tích hợp được 2 chương trình này thì sẽ rất áp lực cho học sinh để có thể theo được chương trình đó”, nữ hiệu trưởng này cho biết.
UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ phần lớn học phí Theo Sở GD&ĐT, UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ rất lớn kinh phí cho các trường công lập khi thực hiện chương trình này. UBND giao Sở GD&ĐT xây dựng các đề án và có hỗ trợ rất nhiều trong những nội dung này. Vì thế mức học phí của học sinh theo học chương trình này chênh rất lớn so với các trường quốc tế theo học Cambridge. Ví dụ, học phí để học 5 môn chương trình Cambridge hiện nay của các trường THPT (như THPT Chu Văn An) thu 7,5 triệu đồng/tháng và khóa học trong 3 năm học (kể cả 3 tháng học bổ trợ kiến thức năm đầu) là 24 tháng, tổng số tiền học phí khoảng 180 triệu đồng thì có thể lấy được chứng chỉ A-level. Trong khi các trường quốc tế, trường ngoài công lập đang dạy chương trình này thì học phí dao động 320 - 400 triệu đồng/năm. Với cấp THCS, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng đề án, trong đó dự tính học phí cho 1 tháng là khoảng 5,6 triệu đồng với 4 năm học ở THCS là 36 tháng. Số tiền này chủ yếu chi trả lương giáo viên, phí bản quyền, tài liệu học liệu học chương trình Cambridge. Còn tất cả trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chi trả lương giáo viên dạy các môn học của Việt Nam,… đều do ngân sách của thành phố đầu tư để đảm bảo cho các em được học thực hành, thí nghiệm theo đúng yêu cầu đặt ra. |