pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chương trình truyền hình có cảnh hành động, mạo hiểm phải cảnh báo người xem
Nhiều quy định mới về lĩnh vực phát thanh truyền hình
Chiều 4/8, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT (Thông tư 05) và Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT (Thông tư 06) vừa được Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành. Hai Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023.
Trong đó, Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-BTTTT quy định các biểu mẫu tờ khai đăng ký, đơn đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận, giấy phép và báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP.
Thông tư số 05 sẽ sửa đổi 7 biểu mẫu và bổ sung 4 biểu mẫu nhằm phù hợp với công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình. Bên cạnh các biểu mẫu, Thông tư số 05 cũng bổ sung quy định chế độ báo cáo về nội dung cung cấp trên dịch vụ của doanh nghiệp và chế độ báo cáo về hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu của các cơ quan báo chí.
Với Thông tư 06, nội dung văn bản này bao gồm nhiều nguyên tắc biên tập và tiêu chí phân loại các chương trình thể thao, giải trí trên dịch vụ phát thanh truyền hình. Trên cơ sở 7 tiêu chí, sẽ có 6 mức phân loại chương trình, gồm:
Loại P - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi.
Loại K - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ, người giám hộ.
Loại T13 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên.
Loại T16 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên.
Loại T18 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên.
Loại C - Chương trình không được phép phổ biến.
Theo Thông tư 06, các chương trình giải trí, thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm là các chương trình phải được thực hiện phân loại và dán nhãn mức phân loại.
Về nguyên tắc, các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18, các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích, các chương trình truyền hình giả tưởng, dàn dựng lại từ vụ việc có thật thực tế, các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, các chương trình thể thao có tính bạo lực, nguy hiểm đều sẽ phải thực hiện cảnh báo nội dung tới người xem.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, với việc ban hành 2 Thông tư nêu trên, Bộ TT&TT đã hoàn chỉnh hành lang pháp lý quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Cơ hội phát triển của doanh nghiệp nội dung số Việt Nam
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, 2 Thông tư mới có những điểm thay đổi cơ bản so với thể chế trước đây, đặc biệt trong việc trao quyền chủ động, tự chủ vào tay các doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp nội dung.
Cùng với xu thế chung của thị trường, Bộ TT&TT có quan điểm và chủ trương quản lý các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và doanh nghiệp trong nước trên cùng một mặt bằng pháp lý.
Nhiều chính sách quản lý mới đã cập nhật, thay đổi theo hướng cởi mở và tiến bộ, chuyển từ hình thức Nhà nước làm tất sang đặt trách nhiệm cuối vào người sử dụng dịch vụ, giúp người xem được cảnh báo đầy đủ và có lựa chọn trong việc tiếp cận các dịch vụ.
Chia sẻ với các đại diện ngành công nghiệp phát thanh, truyền hình trả tiền, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đang thay đổi cả trong chính sách và cách làm để giành lại những lợi thế chính đáng cho các doanh nghiệp nội trong việc cạnh tranh với các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới.
Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu TV vào Việt Nam, đề nghị họ đưa ra thị trường những mẫu TV thông minh cài sẵn ứng dụng truyền hình số VTVGo và có nút bấm tắt tích hợp trên điều khiển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng được đề nghị không chủ động cài đặt, tích hợp nút bấm tắt trên điều khiển TV với các dịch vụ chưa tuân thủ đầy đủ luật pháp Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, đang có những chuyển biến mới về thói quen người dùng, cho phép các doanh nghiệp phát thanh truyền hình cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu có thể hy vọng vào một dư địa phát triển lớn hơn.
Người dân, đặc biệt là giới trẻ, đang dần hình thành thói quen tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ nội dung số. Nhiều ngân hàng thương mại cũng sẵn sàng tích hợp thêm các sản phẩm nội dung số vào hệ sinh thái thanh toán hoặc đổi điểm thưởng của họ.
Đây là lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần kết hợp với các nền tảng số để khai thác tiềm năng của một thế hệ người tiêu dùng mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành phát thanh truyền hình.