Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7

Ngọc Linh
27/07/2023 - 18:29
Phùng Quang Trung (28 tuổi, Hải Dương) cùng nhóm bạn của mình đã khởi xướng và thực hiện ý tưởng phục dựng những bức ảnh liệt sĩ miễn phí nhằm tri ân những anh hùng đã ngã xuống vi hoà bình Tổ quốc.

Có rất nhiều cách để ta lưu giữ những kỉ niệm của mình, những bức ảnh cũng là một trong số những cách đó. Tuy chỉ là những tấm ảnh giản đơn, nhưng không phải ai cũng may mắn kịp lưu giữ lại những kỉ niệm, kí ức về những người thân yêu của mình, đặc biệt là thân nhân của những người đã khuất, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.

Chiến tranh, tai nạn rủi ro,... đã lấy đi người thân yêu của họ khi chưa có cơ hội chụp hình lưu giữ kỉ niệm. Cảm thông và thấu hiểu điều này, một thanh niên trẻ đã tổ chức thực hiện phục dựng lại những bức ảnh nhằm giúp cho những gia đình có hoàn cảnh như vậy thoả mãn ước mong gặp lại người thân qua những tấm ảnh- tâm nguyện nhỏ bé mà họ hằng mong ước.

Chàng trai trẻ 9x và công việc phục dựng hình ảnh những liệt sĩ đã hy sinh:

Là một người con, người dân Việt Nam, anh Phùng Quang Trung (SN 1995, Sóc Sơn, Hà Nội) đang sinh sống và làm việc tại Hải Dương, luôn tự hào và nhớ về những sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, huyền thoại thế hệ trước.

 Anh Trung hiện tại là một thợ phục chế ảnh. Vào những ngày cuối tháng 6/2022, anh và thầy của mình là Lê Quyết Thắng đã bắt đầu có ý tưởng thành lập một nhóm chuyên phục dựng ảnh cho các liệt sĩ. Trung chia sẻ trước kia anh từng là nhân viên marketing cho một công ty, nhưng vì bén duyên với công việc này nên anh quyết định nghỉ hẳn để theo đuổi nghề ảnh, tính đến nay đã gần 3 năm.

Chàng trai 9x và công việc phục dựng hình ảnh những liệt sĩ đã hi sinh - Ảnh 1.

Anh Phùng Quang Trung (thứ 2 từ bên phải sang) cùng những thành viên trong nhóm phục chế ảnh.

Ban đầu, anh nảy ra ý tưởng phục dựng ảnh cho các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước. Mỗi lần nghĩ về những người liệt sĩ, hy sinh vì tổ quốc, anh Trung lại lặng người, xúc động không nói nên lời. Và rồi anh quyết tâm thực hiện ý tưởng phục dựng ảnh ấy vì tình yêu Tổ quốc, lòng biết ơn với các liệt sĩ. Rồi dần dần, nó trở thành công việc chính của anh.

Anh Trung chia sẻ: "Thời gian đầu khi biết tôi nghỉ việc ở công ty để theo đuổi công việc này, gia đình tôi cũng có phần khá lo lắng. Bởi vì công việc này có những lúc đòi hỏi mình phải thường xuyên thức khuya, cũng vất vả. Vì thế mà gia đình sợ tôi bị ảnh hưởng sức khoẻ, ảnh hưởng đến tâm sinh lí và cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, về sau càng nhiều người biết đến thì gia đình lại rất ủng hộ công việc mà tôi đang làm!"

Anh rủ thêm nhóm bạn bè, đồng nghiệp của mình để cùng tham gia vào nhóm phục dựng ảnh có tên Leephotoshop. Ban đầu, nhóm có 5 người, đến hiện tại nhóm đã có 8 thành viên hoạt động. Các thành viên trong nhóm mỗi người một công việc khác nhau vào ban ngày. Đa phần mọi người dành thời gian phục dựng ảnh các liệt sĩ vào ban đêm. Bởi lẽ khi ấy không gian yên tĩnh sẽ dễ tập trung làm việc hơn.

"Làm những tấm ảnh cũ rất khó, không phải ai cũng có thể làm toát lên được hồn của bức ảnh. Những thành viên trong nhóm phải làm sao tả được rõ thần thái của các liệt sĩ và làm bức ảnh đó sống lại. Những bức ảnh đều được chúng tôi phục chế một cách hoàn hảo nhất, vì các anh hùng  xứng đáng", anh Trung tâm sự.

 Chúng tôi rất hạnh phúc khi làm công việc này

Từ khi bắt đầu, anh Trung đã phục chế được một số lượng lớn ảnh do các gia đình yêu cầu, nhiều đến nỗi anh không thể nhớ chính xác là bao nhiêu bức ảnh.

Nhớ lại những ngày tận tay đi trao những bức ảnh liệt sĩ, anh Trung xúc động nhớ về lần gần nhất anh cùng nhóm trao cho một gia đình của một người vợ liệt sĩ đã ngoài 80. Anh nghẹn ngào kể về ngày hôm đó: "Khi được thân nhân liệt sĩ yêu cầu phục chế hình ảnh của liệt sĩ đã mất nhưng không có bất kỳ tư liệu nào, chúng tôi cũng rất khó khăn. Bằng sự miêu tả của gia đình, mắt giống người bác, miệng giống người chú,... chúng tôi lên ý tưởng và mất 2 ngày để phục chế bức ảnh. Đến ngày hoàn thiện, bức ảnh được mang trao tận tay cho thân nhân liệt sĩ, vợ của liệt sĩ xúc động ngồi khuỵ xuống và gào khóc: "Ông ơi, ông về với tôi rồi à,...". Chứng kiến hình ảnh như vậy, chúng tôi không khỏi cầm lòng, đôi mắt ai cũng đỏ hoe mang đầy lòng tự hào dân tộc."

Chàng trai 9x và công việc phục dựng hình ảnh những liệt sĩ đã hi sinh - Ảnh 2.

Anh Trung và các thành viên thực hiện phục chế ảnh những liệt sĩ đã hy sinh

Được biết, anh Trung cũng thành lập một nhóm trên Mạng xã hội chia sẻ về công việc chỉnh sửa ảnh và những điều ý nghĩa. Nhóm đã nhận được đông đảo sự quan tâm của nhiều người và đã lên đến hơn 50.000 thành viên.

Các thành viên trong nhóm mỗi người một nơi, một tỉnh thành khác nhau nên nhóm phối hợp làm việc bằng cách gọi điện video vào mỗi tối. Chính vì vậy, các thành viên trong nhóm đã tranh luận, thậm chí cãi vã rất nhiều khi làm việc. Thế nhưng, vì mục tiêu, công việc chung nên mọi người đã tìm lại được tiếng nói để hoàn thiện những bức ảnh một cách hoàn hảo nhất có thể. Thành viên trong nhóm với nhiều nghề khác nhau: Từ tài xế lái xe, đến học sinh, sinh viên rồi cảnh sát,.. họ đều rất yêu thích công việc này. Họ nói rằng khi mang lại niềm vui cho những gia đình có hoàn cảnh éo le như thế, dù có làm không công họ cũng cảm thấy rất hạnh phúc.

Khi được hỏi về khó khăn khi làm nên những tấm ảnh chân thực và có hồn như vậy, anh cho rằng: "Những bức ảnh mà các gia đình gửi với mong muốn phục chế thường là những bức ảnh cũ, có ảnh thì mờ, nhoè, mất góc, hay thậm chí có những gia đình còn không có bất cứ tấm ảnh nào về người thân của họ. Do đó mà chúng tôi phải dựa vào những lời miêu tả của gia đình, cố gắng hoàn thiện sao cho bức ảnh chân thực nhất có thể."

"Phục dựng cũng khó vì ảnh gốc được vẽ bằng chì, tỉ lệ họ vẽ cũng khó cân xứng. Thế nhưng, tiêu chí nhóm đặt ra hàng đầu là phải làm hoàn hảo nhất có thể nên mất khá nhiều thời gian", anh Trung tâm sự.

Chàng trai 9x và công việc phục dựng hình ảnh những liệt sĩ đã hi sinh - Ảnh 3.

Anh Trung trong một lần tận tay trao ảnh liệt sĩ thời bình cho thân nhân liệt sĩ

Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7 - Ảnh 4.

Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7 - Ảnh 5.

Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7 - Ảnh 6.

Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7 - Ảnh 7.

Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7 - Ảnh 8.

Những bức ảnh liệt sĩ được nhóm của anh Trung trao tặng gia đình thân nhân liệt sĩ

Chàng trai trẻ Phùng Quang Trung cũng lập riêng một kênh TikTok để chia sẻ những câu chuyện đầy cảm động và nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng. Giúp nhiều người chỉnh ảnh, anh chỉ thu phí rẻ hoặc miễn phí cho những ai có hoàn cảnh khó khăn hoặc câu chuyện đặc biệt. 

Bên cạnh những bình luận động viên tích cực, cũng có một số ít người cho rằng anh "bao đồng", rồi "rảnh rỗi" nhưng không hề làm anh vơi đi niềm say mê với công việc ý nghĩa này. Anh khẳng định sẽ vẫn tiếp tục làm điều mình cảm thấy ý nghĩa và "bỏ ngoài tai" những lời lẽ không hay về mình.

Trước khi đến với công việc đầy ý nghĩa như vậy, anh Trung là một nhân viên kinh doanh của một công ty tại Hà Nội với mức lương nhiều người mơ ước. Nhưng anh luôn tâm niệm, khao khát làm được công việc ý nghĩa cho xã hội nên anh quyết định nghỉ để thực hiện.

Khi được chúng tôi đề cập về sự tiếc nuối khi đánh đổi một công việc có thu nhập cao để làm công việc không đem lại thu nhập ổn định như hiện tại. Anh Trung trả lời rằng những nụ cười, hay những giọt nước mắt hạnh phúc của các gia đình có hoàn cảnh éo le khi cầm trên tay tấm ảnh anh làm ra chính là động lực lớn nhất để anh tiếp tục con đường của mình. Hơn nữa những điều anh làm được ủng hộ và lan toả ý nghĩa đến nhiều người, đồng thời nó cũng xuất phát bởi cái tâm của chính mình nên anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc.

50 bức ảnh miễn phí tri ân ngày 27/7

Chia sẻ với phóng viên, anh xúc động nói: "Công việc này đem đến cho tôi nhiều cảm xúc, khiến tôi cảm thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Có những câu chuyện khiến mình thấy thương quá, vừa làm ảnh vừa nghĩ đến mà rưng rưng xúc động. Vì mình hiểu được câu chuyện của họ, hoà mình vào câu chuyện và đồng cảm với hoàn cảnh của họ. Cho nên tôi và các thành viên trong nhóm chỉ muốn làm sao cố gắng hết sức để phục chế những bức ảnh cho hoàn thiện nhất có thể".

Chuyện chàng nhân viên marketing trở thành thợ phục chế ảnh và 50 bức ảnh tri ân miễn phí ngày 27/7 - Ảnh 9.

Dự án 50 bức ảnh miễn phí tri ân ngày 27/7

Anh tiết lộ thêm: “Nhân dịp ngày 27/7- ngày thương binh liệt sĩ, nhóm chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện dự án phục dựng 50 bức ảnh miễn phí nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ, giúp người thân họ xoa dịu phần nào nỗi đau buồn, mất mát. Hơn nữa đây cũng là tâm huyết của chúng tôi nhằm gửi gắm sự biết ơn đến các vị anh hùng, liệt sĩ đã đóng góp công lao to lớn của mình đối với đất nước".

Có thể thấy, bằng tất cả sự cảm thông, thấu hiểu và bằng cả sự tử tế của mình, anh Phùng Quang Trung đã đem đến những điều vô cùng ý nghĩa cho cộng đồng. Đồng thời, anh còn là người lan toả, truyền cảm hứng tích cực cho nhiều người. Mong rằng anh sẽ luôn giữ được niềm say mê với công việc và đào tạo ra được thế hệ thợ chỉnh ảnh mới vừa có tâm, vừa có tầm để lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm