Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của các cấp Hội phụ nữ năm 2022

H.Y
29/12/2021 - 16:15
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của các cấp Hội phụ nữ năm 2022

Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam lần thứ 12, khóa XII, ngày 29/12, các đại biểu đã nghe chuyên đề "Chuyển đổi số" do ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, trình bày.

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế như tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm...

Đặc biệt, chuyển đổi số là 1 trong 9 nhiệm vụ được Hội LHPN Việt Nam xác định là phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Theo đó, các cấp Hội nghiên cứu thực hiện thí điểm hệ thống thương mại điện tử/hệ thống bán lẻ; thí điểm phát hành Thẻ hội viên thông minh; hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.

Ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của các cấp Hội phụ nữ năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo đó, triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu kép của Việt Nam là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Tần nhìn đến năm 2030 là Việt Nam có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết 12 vấn đề lớn phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể: Phổ cập smartphone, danh tính số; Môi trường an toàn, lành mạnh; Thúc đẩy y tế số; Thúc đẩy giáo dục số; Phát triển nông nghiệp số; Phổ cập kỹ năng; Thúc đẩy giao thông thông minh; Quản lý xuất nhập cảnh; Cải thiện năng lực logistics; Hỗ trợ SME chuyển đổi số; Thúc đẩy hóa đơn điện tử; Di sản số.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang vận dụng chuyển đổi số rất thành công trong đời sống xã hội. Tiêu biểu như cô giáo người dân tộc Mường Hà Ánh Phượng - Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.

Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, cô giáo 9X này đã đưa học sinh của mình tham gia các tiết học xuyên biên giới. Những học sinh miền núi vốn rụt rè, từng "cúi gằm mặt xuống khi nhìn thấy một thầy giáo Tây xuất hiện trên màn hình; đùn đẩy nhau nói chuyện và chỉ dám vẫy tay chào "Hello", giờ đây đã có thể tự tin giao tiếp với những người bạn ngoại quốc.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trong tâm trong hoạt động của các cấp Hội trong thời gian tới, chuyên đề "Chuyển đổi số" đã nhận được sự quan tâm, lắng nghe của các đại biểu là cán bộ, lãnh đạo Hội LHPN tại hội trường và nhiều điểm cầu trên cả nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm