Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2030 đổi mới căn bản, toàn diện

P.V
26/10/2022 - 10:46
Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2030 đổi mới căn bản, toàn diện

Hình minh họa

Bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số các lĩnh vực từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số đã được thảo luận trong Hội nghị - Hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Sáng 26/10/2002, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) với sự tham gia của 120 đại biểu. Chủ trì chương trình là ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu mang đến một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VHTT&DL với tất cả các lĩnh vực từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số.

Phần lớn các đại biểu tham dự chương trình đều có chung nhận định: Trong thời gian qua, những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VHTT&DL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột.

Hay khi thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng của ngành văn hóa biểu diễn trực tuyến; hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao...

Chương trình nghệ thuật online "San sẻ yêu thương – vượt qua đại dịch" được Bộ VHTT&DL thực hiện trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng

Chương trình nghệ thuật online "San sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch" được Bộ VHTT&DL thực hiện trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng

Mặt khác, trên cơ sở Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTT&DL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ.

Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành, đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTT&DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: "Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTT&DL. Ngoài ra, chúng tôi có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam".

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng nhấn mạnh: "Có thể thấy, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì".

Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTT&DL

Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTT&DL

Tại Hội nghị - Hội thảo chuyển đổi số trong ngành VHTT&DL, BTC cũng khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTT&DL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTT&DL một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTT&DL 63 tỉnh, Thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm