Chuyện dưới chân núi Pù Lôm - Bài cuối: Tia sáng từ trên đỉnh núi

Minh Châu
18/10/2023 - 09:50
Chuyện dưới chân núi Pù Lôm - Bài cuối: Tia sáng từ trên đỉnh núi

Con đường đến trường gập gềnh của trẻ nhỏ ở bản Cà Moong

Những đứa trẻ đang ở cấp tiểu học đã phải "khăn gói quả mướp" vượt hàng chục cây số xuống núi đi tìm cái chữ. Sự học của các cháu trên những bản làng xa xôi ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) được xem là kỳ tích.

Những nhà giáo "nổi tiếng"

Bản Cà Moong cách UBND xã Lượng Minh khoảng 40km. Do bị hồ thủy điện Bản Vẽ ngăn cách nên từ trung tâm xã muốn vào bản này phải đi mất 3 chặng. Đầu tiên đi xe máy đến bến Thượng Lưu, bến nằm ngay trên lòng hồ thủy điện. Từ đây đi thuyền máy lên bến đò đầu bản và chặng cuối mới thật sự gian nan khi phải leo núi quãng đường 3 km vào trung tâm bản.

Vượt qua những con dốc dựng đứng như "thúc gối vào ngực" mà đi, sau khoảng 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến đỉnh núi, là trung tâm bản Cà Moong, nơi có 166 hộ dân người Khơ Mú ở.

Do địa bàn cách trở, đất sản xuất hầu như không có, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Hầu hết các hộ dân trong bản là hộ nghèo (125 hộ) và cận nghèo. Trong bức tranh nghèo khó ấy, điểm trường Cà Moong thuộc Trường PTDTBT TH Lượng Minh hiện lên như là điểm sáng duy nhất.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 1.

Điểm trường Cà Moong thuộc Trường PTDTBT TH Lượng Minh

Điểm trường Cà Moong có 4 thầy cô giáo, họ đều là những người miền xuôi lên đây "gieo chữ". "Do quy định mới nên hiện điểm trường chỉ có học sinh lớp 1 và 2. Học sinh từ lớp 3 phải xuống trường tại bản Minh Tiến ở bán trú để học", thầy giáo Lương Văn Thành tại điểm trường Cà Moong chia sẻ.

Thầy Thành lên dạy học tại bản Cà Moong vào năm 2019. Trước đó thầy đã nhiều năm công tác ở xã Hữu Khuông, một địa danh cũng "nổi tiếng" ở Tương Dương vì xa xôi, cách trở. Từ xã Hữu Khuông đến trung tâm huyện cũng phải di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện.

"Hữu Khuông cũng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tôi từng dạy ở điểm trường phải đi bộ 6 tiếng mới đến nơi. Tuy nhiên, đường vào đấy không vất vả như vào bản Cà Moong. Mười mấy năm dạy học, đây là địa bàn vất vả nhất mà tôi từng đến", thầy Thành chia sẻ.

Đồng nghiệp của thầy Thành tại điểm trường Cà Moong - thầy Vi Văn Mùi đã dạy học tại đây từ năm 2016. Trước đó, thầy Mùi cũng dạy học tại nơi từng được gọi là "sơn cùng thủy tận", xã Mai Sơn (huyện Tương Dương). Cũng như thầy Thành, theo thầy Mùi "sự vất vả, khó khăn ở Cà Moong hiếm nơi nào bằng".

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 2.

Thầy, cô giáo luôn phải mang theo cuốc , xẻng trên đường đến trường

Ông Moong Văn Hợi, trưởng bản Cà Moong, cho biết: Bản Cà Moong được sáp nhập vào Lượng Minh từ khi nhà máy Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng. Nơi ở trước đây, giờ là lòng hồ. Các hộ dân trong bản được chuyển lên tận tít tắp trên đỉnh núi, giáp với huyện Kỳ Sơn.

"Khi mới lập bản, chính quyền địa phương cũng đã mở con đường xuyên núi từ Bản Côi vào để vận chuyển hàng hóa, vật liệu... Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, đất dốc và liên tục sạt lở nên con đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Con đường đó nếu đi xe máy phải vừa dắt, vừa khiêng", ông Hợi chia sẻ.

Khá bất ngờ khi ông Hợi nói rằng, con đường từ bản Côi lên Cà Moong "chỉ có những giáo viên mới đi được". Theo ông Hợi, đã từ lâu dân bản di chuyển bằng đường lòng hồ. Duy nhất chỉ có thầy Thành, thầy Mùi và 2 cô giáo Vi Thị Thìn, Vi Thị Thiên vẫn đều đặn tuần 2 lần đến trường và về nhà bằng con đường bộ.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 3.

Cô Vi Thị Thìn và thầy giáo Lương Văn Thành trên con đường đến trường

Mặc dù đã nhiều năm đi về trên cung đường dốc dựng đứng, đá lởm chởm nhưng cả 4 thầy cô giáo cũng không biết đường dài bao nhiêu km. "Chúng tôi chỉ tính bằng giờ. Vừa dắt bộ, vừa đi và nhiều khi mấy người phải phối hợp khiêng từng xe một qua đoạn sạt lở nên thường đi mất 3-4 tiếng", thầy Mùi cho hay.

Từ lâu, hình ảnh các thầy cô luôn luôn chở theo quốc, xẻng, dây thừng mỗi khi "xuống núi" đã trở nên quen thuộc với người dân Cà Moong. Vất vả, gian nan là vậy nhưng nguồn động viên lớn nhất đối với 4 thầy cô giáo là các em nhỏ ở bản nghèo này rất hiếu học.

Gia cảnh rất khó khăn, bữa cơm hàng ngày còn chưa no nhưng các em đến tuổi đi học đều đến trường. "Trong tổng số 43 học sinh của điểm trường, chỉ duy nhất 1 em không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo", thầy Mùi chia sẻ mà lòng trĩu nặng.

"Giáo dục sẽ giúp Lượng Minh chuyển mình"

Bản Cà Moong là nơi hiếm hoi ở xã Lượng Minh "nói không với ma túy". Ở đây không có con nghiện, cũng không có ai vướng vòng lao lý vì ma túy. Thế nhưng, do là địa bàn xa xôi, cách trở nên suốt bao năm qua, cái nghèo vẫn ngự trị trên mảnh đất này.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 4.

Bắt đầu từ lớp 3, học sinh phải đi thuyền vượt hồ Bản Vẽ để ra trường ở bán trú đi học

Dù thiếu thốn trăm bề nhưng người dân ở Cà Moong luôn nhận thức được tầm quan trọng của "cái chữ". Gia đình nào cũng "vượt khó" để con em mình được đến trường. Có được điều đó, không thể không nói đến sự tâm huyết của các thầy cô cũng như chính quyền địa phương, đặc biệt sự quan tâm của Nhà nước đối với giáo dục vùng khó.

"Gia đình tôi cũng thuộc diện cận nghèo nhưng hiện một cháu đang theo học trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, một cháu đang học bán trú tại trường PTDTBT THCS Lượng Minh. Chỉ có học hành, có kiến thức, các con mới có cơ hội thoát được cảnh nghèo khó như bố mẹ", trưởng bản Moong Văn Hợi tâm sự.

Hôm chúng tôi lên bản Cà Moong, gặp chị Ốc Thị Khoa tại bến đò Thượng Lưu. Chị Khoa cho biết, vừa xuống trường thăm 2 con Tang Thị Minh, đang học lớp 7 và Tang Văn Vinh đang học lớp 3. Cả hai cháu đều ở bán trú tại trường.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 5.

Chị Khoa trên đường về bản sau khi xuống trường thăm 2 con. Là hộ nghèo nhưng chị Khoa vẫn quyết tâm cho con đi học

"Cháu Vinh lần đầu xa nhà nên gặp mẹ cứ khóc hoài. Thế nhưng sau khi động viên, cháu cũng hiểu và đã vui vẻ ở lại cùng các bạn. Chồng tôi đi làm phụ hồ, tôi hàng ngày lên rừng lấy măng bán. Cuộc sống vất vả nhưng phải cố gắng vì tương lai của các cháu", chị Khoa kể.

Không chỉ có gia đình chị Khoa hay gia đình ông Hợi, ở bản Cà Moong còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nhưng vẫn cố gắng cho con đi học như trường hợp gia đình cháu Cụt Thị C. Cháu C. hiện đang học lớp 9 trường PTDTBT THCS Lượng Minh. Mẹ băng huyết khi vừa sinh cháu C. Không lâu sau đó bố bỏ đi lấy vợ mới, cháu C. được ông bà nội cưu mang. Gia đình rất khốn khó nhưng cháu C. hiện đã học đến lớp 9.

Điều đáng mừng khi Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là thấy Hiệu trưởng Trần Hưng Thái - trường PTDTBT TH Lượng Minh - đã đưa cháu C. vào danh sách những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt cần được giúp đỡ. Ngoài nhà trường, các cấp, ngành ở địa phương cũng rất quan tâm đến giáo dục.

"Chương trình Mẹ đỡ đầu được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và đang được Hội LHPN huyện Tương Dương triển khai rất tốt. chương trình đã giúp nhiều em vững bước đến trường. Đã có hàng trăm cháu trên địa bàn huyện được đỡ đầu, riêng trường chúng tôi có 6 cháu. Đây là những hoàn cảnh rất khó khăn, có 2 em bố đang đi tù"

Thầy Trần Hưng Thái

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 6.

Thầy Trần Hưng Thái - người quyết tâm lấy giáo dục làm thay đổi Lượng Minh

Về phía nhà trường, thầy Thái nói rằng, dưới mái trường bán trú, thầy cô không chỉ mang đến cho các em học sinh kiến thức. Vì đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn, sinh ra và lớn lên ở những bản làng xa xôi, khó khăn nên khi đến trường ở bán trú, thầy cô luôn quan tâm chăm sóc các em như con cái của mình.

Đặc biệt hơn, nhà trường còn có cả kế hoạch dài hơi là tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh sau khi các em kết thúc cấp học THCS tại trường. Cụ thể, nhà trường đã liên kết với trường Cao đẳng Kỹ thuật ông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để hướng nghiệp và đào tạo nghề kết hợp với văn hóa THPT cho các em.

Theo đó, sau khi rời ghế trường PTDTBT THCS Lượng Minh, các em sẽ vào thẳng trường Cao đẳng Kỹ thuật ông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, tại đây các em vừa được học văn hóa, vừa học nghề (hệ trung cấp). Kết thúc khóa học, các em sẽ được đưa sang Hàn Quốc lao động.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm:(Bài cuối) Tia sáng từ trên đỉnh núi - Ảnh 7.

Thầy Thái tin tưởng, trường PTDTBT THCS Lượng Minh là nơi sẽ chắp cánh cho nhiều học sinh ở Lượng Minh bay xa

"Sắp tới sẽ có 15 em đầu tiên bay sang Hàn Quốc làm việc. Chúng tôi rất vui mừng và cũng rất kỳ vọng vào các em, kỳ vọng vào mô hình hợp tác này. Nếu thành công không chỉ giúp bản thân các em có cuộc sống tốt hơn mà gia đình, bản làng và Lượng Minh cũng sẽ tốt lên", thầy Thái chia sẻ.

Ông Vi Hồng Dương - Bí thư đảng ủy xã Lượng Minh - cũng đặt rất nhiều sự tin tưởng về việc "khai sáng" xã nhà nhờ vào giáo dục. "Xã Lương Minh đã bị ma túy "tàn phá" trong thời gian quá dài và chỉ có giáo dục mới giúp Lượng Minh chuyển mình.

Tôi tin tưởng, thế hệ của những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay khoảng 10 đến 15 năm sau sẽ mang đến cho Lượng Minh một bộ mặt khác. "Cái chết trắng" đang dần biến mất khỏi địa phương. Những "vết thương" dai dẳng sẽ trông chờ vào thế hệ các cháu học sinh hôm nay chữa lành", ông Dương kỳ vọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm