pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới nhắm vào học sinh, sinh viên

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà. (Ảnh: NVCC)
Những ngày qua, nhiều người đã lo lắng dõi theo vụ việc một bé gái 13 tuổi ở Hà Nội bỏ nhà đi, một mình vào tận Long An và nghi bị lừa để bán sang Campuchia, một nữ sinh cũng ở Hà Nội bị bắt cóc qua mạng, ép tự quay clip nhạy cảm và tống tiền. May mắn là cả hai trường hợp này đã được cộng đồng, gia đình phối hợp với lực lượng chức năng giải cứu thành công.
Theo Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, vụ việc cho thấy các đối tượng lừa đảo đã nhắm đến đối tượng mới là trẻ em, học sinh, sinh viên, những người ít kỹ năng và kinh nghiệm sống hơn.
Các đòn tâm lý chuyên nghiệp
Từ góc độ tâm lý học, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà đã có phân tích cụ thể các bước, chiêu thức lừa đảo của các đối tượng lừa đảo sử dụng để “bẻ khóa” tâm lý của trẻ.
Trước hết là đòn tâm lý tội phạm hóa: Giả danh và vu khống.
Lời lẽ dẫn dụ: "Chào cháu, chú là cán bộ điều tra. Tên của cháu đang nằm trong một đường dây buôn ma túy/rửa tiền xuyên quốc gia. Chúng tôi cần cháu hợp tác bí mật để chứng minh mình vô tội."
Cách chúng thao túng: Ngay lập tức tạo ra một kịch bản đáng sợ, khoác lên mình "uy quyền" giả mạo. Đứa trẻ bị đẩy vào thế bị động, hoảng loạn và tin rằng mình đã dính líu đến một việc kinh khủng.
Đòn tâm lý "tách biệt và cô lập": Cấm nói với bố mẹ.
Lời lẽ dẫn dụ: "Việc này phải tuyệt đối bí mật! Bố mẹ cháu cũng có thể đang bị theo dõi. Nếu cháu nói ra, cả gia đình sẽ gặp nguy hiểm. Chỉ có chú mới giúp được cháu thôi."
Cách chúng thao túng: Đây là bước đi hiểm độc nhất. Bằng cách cắt đứt sợi dây liên kết an toàn nhất của trẻ là gia đình, chúng biến mình thành "vị cứu tinh" duy nhất. Trẻ sẽ cảm thấy cô độc và hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ lừa đảo.
Đòn tâm lý "tình thế khẩn cấp": Không cho thời gian suy nghĩ.
Lời lẽ dẫn dụ: "Bọn tội phạm sắp hành động rồi, cháu phải làm ngay! Cởi đồ ra và quay một clip gửi cho chú để xác minh cháu không có hình xăm của băng đảng. Nhanh lên, không còn thời gian đâu!"
Cách chúng thao túng: Tạo ra một áp lực thời gian cực lớn, khiến não bộ của trẻ không kịp phân tích đúng sai. Trong cơn hoảng loạn, trẻ sẽ chỉ biết làm theo một cách máy móc.
Đòn tâm lý "bằng chứng vô tội": Bình thường hóa yêu sách vô lý.
Lời lẽ dẫn dụ: "Chỉ cần một tấm ảnh/clip này thôi là đủ bằng chứng cháu trong sạch. Sẽ không ai thấy đâu, chú xem xong sẽ xóa ngay. Đây là thủ tục nghiệp vụ bắt buộc."
Cách chúng thao túng: Biến một yêu cầu vô lý và bệnh hoạn thành một "thủ tục" bình thường để "chứng minh vô tội", khiến trẻ nghĩ rằng đây là hành động cần thiết để tự cứu mình.
Hành động, cảnh giác thay vì chỉ trích
“Chúng ta cùng nhìn nhận một sự thật đau lòng: khi một đứa trẻ bị lừa, phản ứng đầu tiên của nhiều người là trách trẻ ngây thơ, thiếu kỹ năng sống hay thậm chí quay sang chỉ trích bố mẹ không biết cách dạy con. Lối suy nghĩ đó cần phải dừng lại ngay lập tức. Hãy ngừng đổ lỗi cho nạn nhân,” Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, tội phạm hiện nay không hoạt động đơn lẻ với các trò lừa đảo vặt vãnh như trước mà có tổ chức, có lớp lang, có hệ thống và thành thục kỹ thuật thao túng tâm lý. Với những kịch bản được thiết kế tinh vi, với những đòn thao túng tâm lý được tính toán từng câu chữ của những tội phạm chuyên nghiệp, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân, dù là học sinh giỏi hay được trang bị kỹ năng sống đầy đủ.
Vì vậy, không thể trách trẻ hay gia đình. Bài học là tinh thần cảnh giác phải được đưa lên hàng đầu. Phụ huynh cần luôn đồng hành cùng con, cập nhật các thông tin, thủ đoạn lừa đảo, chia sẻ với con để cùng phòng ngừa và thực sự quan tâm đến mọi biến động trong cuộc sống của con, cả về tâm lý, thái độ và hành động.
“Tội phạm tâm lý luôn nâng cấp chiêu trò, và việc của chúng ta là phải đi trước một bước. Thay vì dạy con một cách sáo rỗng, hãy dạy con cách nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, trang bị các ‘vaccine tinh thần’ ngay hôm nay,” Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà nói.
Thông tin cụ thể hơn, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà khuyên phụ huynh dạy con:
Nếu bất kỳ ai, dù tự xưng là công an, yêu cầu con giữ bí mật với bố mẹ, đó 100% chắc chắn là lừa đảo. Con phải tắt máy và nói với bố mẹ ngay lập tức.
Nếu ai đó yêu cầu con gửi ảnh/video riêng tư của cơ thể, dù với bất kỳ lý do gì, đó là kẻ xấu, tuyệt đối không làm theo.
Vũ khí lớn nhất của con chính là bố mẹ. Không có bí mật nào đáng để đánh đổi sự an toàn của con và sự tin tưởng dành cho gia đình.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý phụ huynh quan tâm đến con không đồng nghĩa với việc xâm phạm không gian riêng tư cá nhân của con như giám sát tài khoản mạng xã hội, tin nhắn hay nhật ký.