pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia cảnh báo về loại khí có khả năng gây ra "cái chết êm dịu" nếu sử dụng sai cách
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí CO
Khí CO (carbon monoxide) là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết thương tâm ở nhiều gia đình trong thời gian gần đây. Hồi cuối tháng 7, 6 người trong một gia đình ở Bình Dương đã tử vong do ngạt khí CO. Lượng khí này được sản sinh ra trong quá trình vận hành máy phát điện của gia đình.
Trước đó, vào tháng 4, 3 người ở Phú Yên cũng bị ngạt khí CO do ngủ quên trong khi đang chạy máy phát điện. Trong đó, một cháu bé 13 tuổi tử vong.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết khí CO sinh ra trong quá trình đốt cháy các nhiên liệu có carbon như than hoa, xăng, dầu…
Sưởi than trong phòng kín có thể gây ngộ độc khí CO, ảnh minh hoạ.
Vậy vì sao ngày xưa người dân cũng dùng than sưởi ấm nhưng ít khi ghi nhận ngộ độc? Trả lời thắc mắc này, TS.BS Nguyên cho biết ngày xưa, người Việt chủ yếu sống trong các căn nhà thoáng khí nên việc ngộ độc khí khó xảy ra. Nhưng hiện nay, cấu trúc nhà ở của người Việt là nhà kín, kiên cố nên khi đốt các nguyên liệu có CO có thể gây ngộ độc.
Hiện nay, cũng gặp không ít trường hợp ngộ độc khí CO do chạy động cơ, chạy roda xe, chạy máy phát điện mùa hè trong nhà kín.
"Chúng tôi cũng từng tiếp nhận vụ mấy mẹ con ngộ độc khí CO trên taxi do rò khí", bác sĩ cho biết.
Ngộ độc khí CO dễ bị nhầm lẫn
Tử vong do ngạt khí CO được ví như "cái chết êm dịu" vì rất khó phát hiện và cảnh báo trước. Người bị ngộ độc khí CO có các triệu chứng cấp tính như nhức đầu, buồn nôn, yếu, đau thắt ngực, khó thở, mất ý thức, co giật và hôn mê.
Theo TS.BS Nguyên, các trường hợp ngộ độc khí CO nhẹ dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác (ví dụ như cúm hay ngộ độc thức ăn) do các bệnh này đều gây đau đầu, buồn nôn, thậm chí có trường hợp đau bụng…
Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận 3 người trong 1 gia đình vào viện nghi bị ngộ độc thức ăn sau khi có các triệu chứng nôn, đau bụng… Nhưng sau khi khai thác bệnh sử và tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện nồng độ CO trong máu bệnh nhân cao, cho thấy họ bị ngộ độc khí CO.
"Sự nhầm lẫn này có thể gây nguy hiểm, gây ra tình trạng ngộ độc nặng do khí CO ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim…
Trường hợp nặng, người bệnh có thể hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan khác… Hít phải lượng lớn khí CO có thể khiến người bệnh bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…", bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Theo TS.BS Nguyên, để phòng ngừa ngộ độc khí CO, người dân nên có dụng cụ cảnh báo khí bất thường trong nhà. Người dân cũng cần phòng ngừa ngộ độc khí CO bằng cách không đốt các nhiên liệu có carbon như củi than, than tổ ong, xăng dầu...; không chạy máy phát điện trong phòng kín.
Nếu sử dụng các nhiên liệu sinh ra khí CO, người dân cần để ngoài phòng kín, ở khu vực thông thoáng. Trường hợp nghi ngờ bị ngộ độc CO, người dân cần nhanh chóng mở cửa, đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí, sau đó chuyển nhanh đến bệnh viện điều trị.