Chuyên gia chỉ cách thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ Tết

Anh Đào
14/02/2024 - 18:14
Chuyên gia chỉ cách thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ Tết

Mệt mỏi, buồn phiền, chán ăn, lo âu, trống rỗng... là những triệu chứng phổ biến của "Hội chứng hậu nghỉ lễ". Ảnh minh hoạ

Chuỗi ngày nghỉ Tết kết thúc, không ít người rơi vào cảm giác buồn chán, hụt hẫng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần trong công việc. Đó gọi là "Hội chứng hậu nghỉ lễ" có tên tiếng Anh là "Post-holiday blues".

Trần Anh Ngọc, sinh năm 1995, quê ở Thái Bình, là nhân viên một văn phòng luật có tiếng ở Hà Nội, cho biết: "Công việc bình thường của mình vốn dĩ phải đối diện với rất nhiều áp lực, vì vậy những kỳ nghỉ lễ dài như nghỉ Tết là điều mình trông đợi. Đến ngày nghỉ chỉ muốn ở nhà quây quần bên người thân và nghỉ ngơi. Thế nhưng kỳ nghỉ thường trôi qua quá nhanh. Nghĩ đến ngày đi làm lại, đối diện với khối lượng công việc lại thấy uể oải."

Cũng có tâm trạng giống Ngọc, Phạm Quỳnh Trang, 26 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ, sau tết cô từng có lúc muốn được nghỉ làm luôn: "Mặc dù Tết ở nhà áp lực chuyện bố mẹ giục lấy chồng nhưng được nghỉ vẫn thích hơn. Như năm ngoái khi đi làm lại, em cũng phải mất cả tuần mới dần bắt nhịp lại được công việc. Có những ngày em đến công ty chỉ để chơi, nói chuyện phiếm với mọi người, không hoàn thành nổi một đầu việc nào ra hồn. Cả ngày chỉ tính xem đến giờ để được về".

Không riêng chị em mà cánh mày râu nhiều người cũng rơi vào trạng thái này sau kỳ nghỉ lễ, thậm chí có người tinh thần còn tệ hơn vì cả tuần tết nhất, tiệc tùng, họ cũng chưa có thời gian để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Anh Phan Ngọc Hoàng, ở Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Lướt facebook, zalo thấy bạn bè vẫn đang còn vi vu, đi du lịch, đi chơi khắp nơi mà mình đã phải lao đầu vào công việc thực sự thấy chẳng có chút tinh thần nào, chỉ ước mình vẫn còn được nghỉ, vẫn còn được đi chơi. Cả kỳ nghỉ lễ loanh quanh cỗ bàn, rượu chè, trong khi cả năm mong chờ mấy ngày Tết để được xả hơi".

Hội chứng hậu nghỉ lễ là dạng muộn phiền về tinh thần. Mặc dù hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng nếu kéo dài thì sẽ được xếp vào dạng trầm cảm nghiêm trọng. Tưởng rằng một kỳ nghỉ sẽ cho cảm giác nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng, thế nhưng trên thực tế, với một số người, việc trở lại công việc sau nghỉ lễ chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân cũng rơi vào Hội chứng hậu nghỉ lễ sau các kỳ nghỉ dài:

Tương tự Việt Nam, đối với người dân Trung Quốc, hội chứng này thường xảy ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mạng xã hội phản ánh rất rõ hiện tượng khá phổ biến này.

Tại Hàn Quốc, nhiều người trải qua hội chứng này sau kỳ nghỉ Tết Trung Thu. Để khắc phục, Hàn Quốc còn từng có những gói dịch vụ nhằm giải tỏa tâm lý cho người dân.

Ở Nhật Bản, thời điểm người dân hay xuất hiện hội chứng này là vào khoảng tháng 5 vì đây là thời điểm quốc gia này có rất nhiều kỳ nghỉ và lễ hội dài ngày.

Sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, hội chứng này cũng xuất hiện ở người dân Mỹ và các nước phương Tây. Theo nghiên cứu tại Mỹ của Hiệp hội tâm lý học nước này, có tới 68% người dân được hỏi cho biết họ từng có hội chứng hậu nghỉ lễ.

Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức cho biết, điều đáng nói ở đây, Post-holiday blues có những dấu hiệu giống chứng lo âu, ngoài ra, còn có những biểu hiện giống chứng rối loạn lưỡng cực: "Sau Tết và sau các kỳ nghỉ lễ dài, có nhiều bệnh nhân tìm đến tôi để than phiền về việc họ có cảm giác chán nản, căng thẳng, cô đơn, trống rỗng, khó ngủ, chán ăn, mất kết nối với xung quanh, không thiết tha với công việc, học tập, thậm chí có người còn không rõ được mục đích sống của mình hiện tại là gì, hoài nghi tất cả."

Chuyên gia này cũng phân tích, tâm lý vui chơi thả ga trong kỳ nghỉ Tết khiến nhiều người sẽ thức khuya hơn, dậy muộn hơn, ăn uống thất thường, sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích và các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo, chất đạm, đồ ngọt. Chính vì thế, đồng hồ sinh học thường ngày của cơ thể bị thay đổi. Điều này khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, Trần Anh Ngọc cho biết, việc xem các kênh vlog nhẹ nhàng, hướng thiện, nhân văn ở trên youtube đã giúp cô dần lấy lại tinh thần: "Mình đã lên lại lịch hoạt động, làm việc, phân chia thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Ưu tiên những công việc quan trọng cần làm trước, làm sao để giảm bớt áp lực, không khiến bản thân bị choáng ngợp trước khối lượng công việc quá lớn."

Chuyên gia chỉ cách thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ Tết - Ảnh 1.

Tăng cường vận động thể lực được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp khắc phục tâm trạng mệt mỏi, uể oải sau kỳ nghỉ Tết dài ngày. Ảnh minh họa

Còn với Quỳnh Trang, rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ trước, năm nay, để lấy lại tinh thần nhanh nhất, cô đã đăng ký tham gia một khóa học nhảy hiện đại ngay sau khi hết thời gian nghỉ: "Tập nhảy sẽ giúp bản thân mình rèn luyện sức khoẻ, tinh thần cũng được thoải mái hơn. Bên cạnh đó, đi tập thì huấn luyện viên cũng sẽ kèm cặp cho mình chế độ ăn nữa, như vậy mình sẽ bớt căng thẳng, phải lo nghĩ xem hôm nay làm gì, ăn gì sau giờ làm việc.

Để khắc phục "Hội chứng hậu nghỉ lễ", các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, trước hết mỗi người cần thiết lập và thực hiện ngay lại thời gian biểu hợp lý mỗi ngày. Bắt đầu bằng việc ngủ đủ giấc, đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Nếu khó ngủ trong quá trình điều chỉnh, người dân có thể thử các bài tập như ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ, thở bằng bụng và thư giãn trước khi đi ngủ để giúp bạn đi vào giấc ngủ. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể sử dụng thuốc giúp ngủ tạm thời. Việc này không chỉ giúp sớm lấy lại được tinh thần mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh như suy nhược thần kinh, huyết áp cao, đột quỵ.

Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa rượu bia và chất kích thích. Hãy cố gắng thêm vào khẩu phần ăn các loại thực phẩm như trái cây và rau xanh. Những thực phẩm này có thể khắc phục đầy bụng, kiểm soát cân nặng và tốt cho tim mạch. Bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể để tái tạo và phục hồi sức sống.

Tăng cường vận động thể lực cũng chính là một cách hữu hiệu giúp đào thải những chất dư thừa tích tụ trong cơ thể, giúp chúng ta lấy lại trạng thái tinh thần một cách tốt nhất. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm