Chuyên gia chỉ cách ứng dụng công nghệ AI trong báo chí

Phạm Thương
16/03/2024 - 21:16
Chuyên gia chỉ cách ứng dụng công nghệ AI trong báo chí

Tại Hội báo toàn quốc 2024, mọi người được trải nghiệm nhiều công nghệ hiện đại. Ảnh: HTV

Trong kỷ nguyên số, báo chí không thể tách rời khỏi công nghệ. Các tòa soạn đã có nhiều thay đổi, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm, tăng cường ứng dụng công nghệ AI để báo chí không mất đi vai trò của mình.

Ngày 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề "Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn".

Tại đây, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi về cách thức để các tòa soạn có thể sản xuất được những tác phẩm báo chí ấn tượng; các giải pháp đầu tư công nghệ và đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí; định hướng đầu tư về trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn và sản xuất nội dung số.

Chuyên gia chỉ cách ứng dụng công nghệ AI trong báo chí - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ tại chương trình.

Các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, báo chí hiện nay không còn là nơi độc quyền để đăng tải thông tin. Mỗi cá nhân, tập thể sử dụng các công cụ trong tay đều có thể đăng tải lên các nền tảng khác. Công nghệ phát triển, người ta tự sản xuất những nội dung mà thiếu kiểm chứng. Người dùng bị chìm trong cơn lốc thông tin. Một người bất kỳ cũng có thể ứng dụng công nghệ để làm những video, những công cụ tạo hình ảnh thuyết phục… Vậy nên ứng dụng công nghệ là giải pháp sống còn giúp tòa soạn tồn tại, phát triển và bắt kịp xu thế hiện đại.

Chuyên gia chỉ cách ứng dụng công nghệ AI trong báo chí - Ảnh 2.

Ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS, cho biết, đa số các cơ quan báo chí tại Việt Nam chia sẻ tại chương trình.

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS, cho biết, đa số các cơ quan báo chí tại Việt Nam đều có đồng thời nhiều loại hình báo chí: In, điện tử, video clip, podcast… Nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn phân phối nội dung của mình trên các nền tảng mạng xã hội… Tuy nhiên, mỗi loại hình báo chí lại sử dụng các phần mềm quản lý nội dung (CMS) riêng rẽ hoặc chưa có CMS quản lý, thậm chí còn chưa có các phần mềm phục vụ hành chính trị sự như: Quản lý công việc, trang thiết bị, văn bản... Một số cơ quan báo chí dù đã ứng dụng công nghệ số, nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất nhanh các tác phẩm báo chí đa phương tiện như eMagazine, longform, megastory; thiếu công cụ quản lý nội dung tập trung trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok, YouTube, Zalo... ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của tòa soạn còn hạn chế... Để khắc phục các tồn tại trên, cơ quan báo chí cần phát triển theo hướng tòa soạn hội tụ.

"Giải pháp tòa soạn hội tụ ở đây trước tiên phải được tích hợp nhiều tiện ích hiện đại như cho phép thiết kế trực tiếp các ấn phẩm đặc biệt (eMagazine, longform...); quản trị song song cả báo in và báo điện tử; gợi ý từ khóa, kiểm tra lỗi chính tả...; cho phép điều hướng một bài viết đi các ấn phẩm khác nhau, loại hình khác nhau", ông Bùi Công Duyến cho biết thêm.

Chuyên gia chỉ cách ứng dụng công nghệ AI trong báo chí - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên gia chương trình Google News Initiative (GNI), Tập đoàn Google, trình bày tham luận của mình.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên gia chương trình Google News Initiative (GNI), Tập đoàn Google, cũng có nhiều ý kiến chia sẻ về các giải pháp mà Google có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển tệp độc giả của mình. Hiểu hành vi và phân loại độc giả là các bước quan trọng để phát triển độc giả. "Google có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển độc giả thông qua 3 bước: phân tích; tối ưu; tương tác hiệu quả. Cụ thể, phân tích hành vi đọc, tương quan giữa nội dung và hành vi đọc để từ đó phân loại độc giả theo hành vi, xác định các tệp độc giả có giá trị cao (tệp độc giả giúp tăng doanh thu quảng cáo hay doanh thu bạn đọc, thu phí độc giả, thu phí thành viên). Trên cơ sở dữ liệu phân tích có được, các cơ quan báo chí có thể tùy chỉnh trải nghiệm cho từng tệp độc giả khác nhau, khảo sát độc giả và tiếp nhận phản hồi.

Chuyên gia chỉ cách ứng dụng công nghệ AI trong báo chí - Ảnh 4.

Nhà báo Thi Uyên, Báo Nhân Dân, chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch hội nhà báo Việt Nam, cho biết: Trước những thách thức của công nghệ, báo chí bị cạnh tranh về nguồn thông tin, nguồn thu khó khăn không kém. Vậy nên báo chí phải nắm bắt được công nghệ từ đơn giản đến hiện đại, chúng ta có thể áp dụng như: Sửa lỗi chính tả, máy có thể làm tốt hơn con người hay máy có thể viết những tiêu đề thu hút người dùng hơn. Trí tuệ nhân tạo có thể chọn ra những bức ảnh mà hút người xem nhiều hơn. Hoặc việc dịch bài, trong khi con người dịch rất lâu nhưng máy dịch rất nhanh và chuyển thành nhiều ngôn ngữ chứ không chỉ dừng lại ở các ngôn ngữ cơ bản. Ở thiết bị, bây giờ có các máy quay 360, Plycam nên tận dụng…

"Công nghệ thay đổi rất nhanh và cuộc sống cũng thay đổi. Chúng ta đi chậm đã là thụt lùi rồi chứ đừng nói dừng lại. Chúng tôi khuyến nghị các cơ quan báo chí nên hành động ngay, đã có dự định là phải làm, phải thử nghiệm, phải dám chấp nhận rủi ro, kể cả những sai lầm, có như vậy mới biết con đường nào là con đường đúng đắn cho mình. Ngay lúc này, cần tranh thủ công nghệ, đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, không bị phụ thuộc vào nền tảng khác thì chúng ta mới hy vọng phát triển bền vững. Đối với một cơ quan báo chí, không chuyển đổi số sẽ mất độc giả, khán thính giả. Khi mất độc giả, mất khán thính giả thì báo chí sẽ mất vai trò của mình", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm