Trong khi trước đó, ở giai đoạn năm 2005, nhờ thúc đẩy và phổ biến về việc sử dụng muối iốt, tỉ lệ bướu cổ của trẻ em xuống dưới 5%, mức trung vị iốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl. Còn hiện nay, tỉ lệ các hộ gia đình sử dụng muối iốt chỉ còn khoảng 6% và các công ty sản xuất cũng không còn mặn mà với mặt hàng này.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của mạng lưới iốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước có tình trạng thiếu iốt tồi tệ nhất trên thế giới.
GS.TS Lê Danh Tuyên cho biết, iốt là một loại vi chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sức khỏe, là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng, giúp phát triển não bộ và tăng trưởng thể chất của trẻ em, tham gia quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng mỗi ngày con người đều cần được cung cấp iốt.
Việc thiếu iốt sẽ ảnh hưởng đến đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động… của con người. Phụ nữ mang thai bị thiếu iốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu... Trẻ sơ sinh nếu thiếu iốt sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và tử vong.Trẻ nhỏ bị thiếu iốt sẽ làm tăng nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ và tâm thần, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng...
Các rối loạn do thiếu iốt hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách bổ sung trong bữa ăn hàng ngày. Nhu cầu iốt ở trẻ em theo khuyến nghị từ 90 đến 120 mcg/ngày, người lớn từ 150cmg/ngày.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương giai đoạn 2000-2010 cũng chỉ rõ các thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền trong nước đều có hàm lượng iốt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu cơ thể. Do đó, iốt hóa muối ăn là giải pháp chiến lược của toàn cầu cũng như giải pháp của Việt Nam.
Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là biện pháp có giá thành thấp nhất, chỉ 0,06 đô la Mỹ/người/năm nhưng lại có nhiều ưu điểm như thuận tiện, dễ áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Hiện nay, trên thế giới đã có 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung iốt, trong đó có 69 nước yêu cầu sử dụng muối iốt cho thực phẩm chế biến.
Tuy nhiên, để biện pháp này đạt hiệu quả thì doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần thực hiện trách nhiệm xã hội cùng với nhà nước trong việc đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.