pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia hướng dẫn cách đối phó với đau họng ở trẻ
Để có cách đối phó với đau họng ở trẻ thì trước tiên cha mẹ cần hiểu được nguyên nhân con bị đau họng là do đâu.
- Viêm amidan: Viêm amidan hoặc nhiễm trùng có thể do liên cầu khuẩn và nhiều bệnh nhiễm virus gây ra. Do vậy trong khi viêm họng liên cầu khuẩn là một dạng viêm amidan thì các bệnh nhiễm trùng do virus khác cũng gây đau họng.
- Viêm nhiễm vùng hầu họng: Viêm nhiễm vùng hầu họng, miệng gần amidan cũng gây ra đau họng.
- Chảy nước mũi sau: Chảy nước mũi xuống phía sau họng do cảm lạnh, nhiễm trùng xoang hoặc dị ứng có thể gây đau họng mà không phải bị viêm amidan hay viêm họng.
- Không khí khô: Độ ẩm và nhiệt độ đều có thể ảnh hưởng tới màng nhầy ở cổ họng. Không khí khô, nóng có thể gây khó chịu, đặc biệt là vào buổi sáng với người sử dụng máy sưởi không được bù ẩm vào những ngày mùa đông. Tương tự điều này cũng có thể xảy ra với điều hòa nhiệt độ vào mùa hè.
- Căng cơ: La hét cũng có thể trở thành nguyên nhân gây đau họng do cổ họng bị tổn thương.
- GERB - trào ngược axit dạ dày thực quản: Đau họng là một triệu chứng phổ biến của trào ngược axit dạ dày thực quản. Axit từ dạ dày trào lên thực quản và đôi khi lên cả cổ họng, các triệu chứng đau họng có thể trầm trọng hơn sau một bữa ăn lớn kèm theo chứng khó tiêu.
1. Triệu chứng đau họng ở trẻ
Nhận biết sớm bất kì triệu chứng nào của con bạn cũng có thể xác định được nguyên nhân gây đau họng ở trẻ là gì. Ví dụ như với bệnh viêm họng do khuẩn liên cầu trẻ có thể gặp các triệu chứng phổ biến như:
- Sốt
- Đau khi nuốt
- Amidan sưng đỏ có thể mưng mủ bên trên
- Sưng hạch bạch huyết
- Phát ban giống như bệnh ban đỏ
- Nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa.
Mặt khác, trẻ bị nhiễm virus gây viêm đau họng sẽ thường bị ho, tiêu chảy, đau mắt đỏ, loét miệng, khàn giọng hoặc chảy nước mũi. Hoặc với trẻ bị cúm, cảm giác khô, ngứa và rát ở phía sau cổ họng thường là dấu hiệu phổ biến nhất.
Với trẻ sơ sinh, bệnh tay chân miệng bao gồm sốt, đau họng và đau miệng có thể là biểu hiện phổ biến cùng với các nốt phồng rộp, lở loét trong miệng và không thoải mái, cáu kỉnh khi bú nuốt.
2. Làm gì để đối phó với đau họng ở trẻ?
Việc nhận biết điều gì có thể gây ra đau họng cho con bạn có thể khó khăn, ngay cả sau khi đi khám, đó là lý do tại sao bác sĩ nhi khoa của bạn thường làm xét nghiệm liên cầu khuẩn khi con bạn kêu đau họng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn cho rằng viêm họng liên cầu là một trong số ít nguyên nhân gây đau họng mà bạn có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng khác sẽ không được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh hoặc cần các loại phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như thuốc kháng histamine để chữa dị ứng hoặc thuốc giảm axit cho trào ngược dạ dày.
Điều trị đau họng có triệu chứng
Tốt nhất thì bác sĩ điều trị nguyên nhân gây đau họng cho bạn để triệt để. Tuy nhiên, có một số việc bạn có thể làm để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn:
- Sử dụng thuốc giảm đau chẳng hạn acetaminophen hay ibuprofen theo độ tuổi và khuyến nghị được tham vấn với bác sĩ
- Khuyến khích trẻ uống đồ mát và tránh các loại đồ uống có tính axit như nước cam, nước chanh,... bởi chúng có thể gây kích ứng cổ họng khiến triệu chứng thêm trầm trọng
- Cho trẻ lớn bị đau họng sử dụng kẹo ngậm
- Khuyến khích trẻ súc miệng bằng nước muối ấm
- Sử dụng thuốc dạng xịt dành cho trẻ em nhưng tuyệt đối không được lạm dụng
- Súp: Một chế độ dinh dưỡng với cháo hay súp có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn khi bị đau họng khó nuốt
- Nghỉ ngơi: Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi là cách tốt nhất bạn có thể làm giúp chống lại nhiễm trùng gây ra đau họng cho những ngày đầu tiên do phần lớn viêm đau họng là do cảm lạnh gây ra
- Rửa mũi: Chảy dịch mũi sau gây kích ứng cổ họng nên xịt rửa xoang mũi bằng nước muối với bình rửa chuyên dụng có thể giảm bớt triệu chứng
- Máy tạo ẩm: Nếu trẻ bị đau họng, việc hít thở trong không khí khô có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn. Bạn nên bù ẩm cho phòng trẻ nhưng cần kiểm soát nên từ 40 - 50%.
Nhiều người sử dụng nước mật ong ấm cho trẻ khi bị viêm đau họng giúp giảm kích ứng tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp đối với trẻ dưới 1 tuổi bởi nó có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh.
Nhìn chung khi trẻ bị đau họng và có các biểu hiện bất thường như đau họng kéo dài từ vài tuần tới vài tháng thì tốt nhất bạn nên cho trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám xem nguyên nhân là gì để có phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc lá không có tham vấn bác sĩ tránh nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.