Chuyên gia nói gì về bài tập đọc tiếng Việt lớp 1 được cho là "dạy hư trẻ em"?

Hiểu Đan
13/06/2023 - 00:04
Chuyên gia nói gì về bài tập đọc tiếng Việt lớp 1 được cho là "dạy hư trẻ em"?
Nhiều người nhận xét các mẩu truyện trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 (Cánh Diều) dạy trẻ con "sống giả tạo", lươn lẹo.

"Sinh nhật bà, bé Huệ mang tặng bà một món quà. Quà được đựng trong một chiếc hộp nhỏ. Bà mở hộp quà, ngạc nhiên: "Bà không thấy gì ở bên trong, cháu à". Huệ đáp: "Đây không phải là cái hộp rỗng đâu ạ. Cháu đã gửi rất nhiều nụ hôn vào đó, đến khi đầy ắp mới thôi". Bà cảm động, ôm cháu: "Cháu ngoan quá! Quà của cháu là món quà quý nhất!"

Đó là nội dung bài tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 (Cánh Diều) đang là tâm điểm tranh cãi của dư luận. Câu chuyện được khơi mào khi trên trang cá nhân, một chuyên gia giáo dục chia sẻ bài tập đọc và nhận định đây là kiểu "dạy hư trẻ con".

Bài tập đọc tiếng Việt lớp 1 được cho là "dạy hư trẻ em" gây tranh cãi - Ảnh 1.

Vị chuyên gia cho biết, không nói đến vật chất, nhưng dạy trẻ hãy chân thành, giản dị. Bà ở đó thì nên hôn bà, thay vì tặng nụ hôn qua hộp. "Vấn đề ở đây không phải là nụ hôn trong hộp, mà vấn đề ở chỗ người bà đang đứng trước mặt bé", chuyên gia nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, không ai trách trẻ con, bởi trẻ con khó nghĩ được trò "ngây thơ cụ" kiểu này, phải do người lớn dạy. "Dạy trẻ con là việc rất khó, không thể cứ vin vào việc trẻ con trong sáng và ngây thơ rồi nhồi vào đầu óc các em bất cứ cái gì đâu".

"Trường hợp này có thể đưa ra để giáo viên và những người làm giáo dục thảo luận: Giới hạn nào trong việc dạy tưởng tượng cho trẻ em!". Mình nghĩ sẽ là một chủ đề rất hay. Bởi trong trí tưởng người ta có thể làm bất cứ việc gì. Việc dạy tưởng tượng và liên tưởng mà không nghĩ đến giới hạn của nó là việc vô trách nhiệm. Tất nhiên đây là việc khó", chuyên gia nói.

Trẻ con bị dạy "hư" hay người lớn áp đặt suy nghĩ?

Đồng tình với chuyên gia này, nhiều ý kiến cũng cho rằng dạy đạo đức trước là đúng nhưng phải giản dị, chân thật. Nó khác với với dạy kỹ năng tiểu xảo lươn lẹo, dối trá… Nếu được tích tụ dần dần, sau này trẻ sẽ phát triển tư duy ngụy biện.

"Tặng bà mà tặng hộp rỗng thì chẳng đứa trẻ nào tặng đâu, đã vậy còn nói bà cảm động, thật là một tình huống giả tạo, không có chút gì thực tế. Ngày trước thương bà thì nói rằng, "ơi chích chòe ơi, chim đừng hót nữa, bà em ốm rồi… bàn tay bé nhỏ, vẫy quạt thật đều…" đó là thứ tình cảm rất chân thành cụ thể, lay động người đọc và có thể giúp các bạn nhỏ học tập được. Còn bài này thì con nít bắt chước được cái ba hoa chứ không biết học được đạo đức gì ở đây!", một phụ huynh nhận định.

Một số người cũng gợi ý, thay vì tặng "nụ hôn", có thể thay bằng: Trong hộp có có con chim giấy, trên cánh vẽ những nụ hôn. Hái bông hoa dại đẹp, vẽ tranh, hát múa 1 bài... cũng là những món quà không hề vật chất nhưng vô cùng ý nghĩa.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có ý kiến nhận định, trẻ con nhiều khi ngây thơ, ngộ nghĩnh như vậy thật. Tất nhiên lớn lên dần trẻ sẽ hiểu và không làm như vậy nữa. Một phụ huynh chia sẻ, con mình ngày xưa viết thư cho ông già Noel còn bảo: Con không cần quà gì chỉ cần gia đình con bên nhau thôi. Chị vẫn còn giữ lá thư đó đến tận bây giờ đã 10 năm.

Vậy nên, có thể với nhiều người em bé trong câu chuyện trên là "lươn lẹo" nhưng với những người có con nhỏ trong độ tuổi này thì đó là niềm vui. Bé mới 5, 6 tuổi đã biết tặng quà cho bà nói yêu bà và ngồi yên một chỗ để tạo ra món quà thì đó phải là một tình cảm rất lớn. Hãy nghĩ trẻ con ai cũng là 1 tờ giấy trắng để định hướng chứ đừng đưa suy nghĩ của người lớn mình áp đặt nên thì sẽ thấy nó bất bình thường.

"Khi con còn nhỏ, làm bài được điểm cao, mình từng hỏi con thích gì, con trả lời thích được mẹ tặng 1 nghìn nụ hôn. Thật ra đôi khi với trẻ con được ôm hôn nó là món quà thật sự ý nghĩa. Để trẻ tiếp xúc với vật chất sớm thì có khi trẻ sẽ nghĩ là có tiền thì mới là món quà quý giá", một người bày tỏ.

Hiện chủ đề trên vẫn nhận về nhiều tranh luận trái chiều.

Nói về vấn đề trên, cô giáo Lê Trần Diệu Thu - Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ Văn, tác giả sách Từ ngại học đến ham học môn Ngữ Văn cho rằng: Ngữ liệu trong đoạn hoàn toàn mang tính giáo dục trẻ em về tình yêu thương những người thân trong gia đình. Tình yêu thương không đến từ vật chất quá lớn mà đôi khi đến từ những món quà giản đơn, món quà tinh thần. Người bà cũng không cần những món quà xa xỉ, mà chỉ cần người cháu hiếu thuận, yêu thương và nghĩ cho bà.

Món quà bà muốn nhận được nhất đôi khi đến từ cách thể hiện chứ không quá đặt nặng giá trị của nó. Học sinh lớp 1 có suy nghĩ đơn giản, tôi tin các em sẽ có cách nhìn tích cực, vui vẻ hiểu ngữ liệu trên theo hướng: Không nhất thiết phải có vật chất quá lớn vẫn có thể bày tỏ tình cảm với những người thân yêu. Đương nhiên, văn học có nhiều ý hiểu khác nhau chính vì thế giáo viên khi dạy bài này cần định hướng để các em không hiểu sai, hiểu lệch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm