Những câu chuyện xoay quay vấn đề tình dục, mang thai thường chiếm ưu thế trong các cuộc nói chuyện ở những người trưởng thành.
Tại Úc, người ta ước tính rằng cứ 6 người thì lại có 1 người khó thụ thai, dẫn đến ngày càng nhiều người tìm đến các phương pháp tăng khả năng sinh sản.
Mới đây, Tiến sĩ Sonya Jessup, một chuyên gia về sinh sản tại bang New South Wales, Úc, đã đưa ra những lời giải thích khoa học cho một loạt quan niệm truyền miệng phổ biến nhất về mang thai.
“Tuổi tác không còn là vấn đề”
Với thực tế, ngày càng có nhiều người nổi tiếng như Rachel Weisz, Janet Jackson và Brigitte Nielsen công bố mang thai khỏe mạnh khi ở tuổi 40, thậm chí là 50 tuổi, một số phụ nữ tin rằng giờ đây tuổi tác thật sự chỉ là một con số trong việc thụ thai.
Tuy nhiên, tiến sĩ Jessup cảnh báo, mặc cho một danh sách dài các ngôi sao hạng A mang thai khi đã đứng tuổi, khoa học đã chỉ ra rằng, hầu hết phụ nữ ở độ tuổi 40 không có khả năng mang thai, đơn giản là vì họ không còn rụng những tế bào trứng chất lượng cao thường xuyên như 20 năm qua.
Các bác sĩ cũng cho biết, trung bình, một người phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 43 sẽ chỉ sản xuất được một tế bào trứng có khả năng tạo ra sự sống mỗi năm.
Việc cố gắng thụ thai trong độ tuổi từ 20 đến 30 sẽ làm tăng cơ hội thụ thai tự nhiên, đồng thời tăng tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhưng ngay cả khi bạn rơi vào khung tuổi này, tiến sĩ Jessup cho biết, nhiều yếu tố lối sống cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Vì vậy cần chú ý đến việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, uống rượu bia có chừng mực và không hút thuốc để cải thiện khả năng sinh sản.
Với nam giới trong vấn đề này, tiến sĩ Jessup cũng cho biết, khả năng sinh sản bắt đầu giảm từ độ tuổi 40 đến 45 khi chất lượng tinh trùng giảm.
“Sử dụng thuốc tránh thai quá lâu khiến khó thụ thai hơn”
Theo tiến sĩ Jessup, quan niệm được phổ biến rộng rãi này là “hoàn toàn không chính xác. Tùy thuộc vào cách kiểm soát khả năng mang thai mà bạn đã sử dụng trước khi cố gắng thụ thai, tốc độ chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ có thay đổi nhưng không nhiều”, tiến sĩ Jessup chia sẻ.
Trong hầu hết các trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường gần như ngay lập tức sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai và trứng có thể rụng trong vòng một vài tuần sau đó.
Các nghiên cứu đã chỉ ra trong vòng 1 năm ngừng thuốc, 80% phụ nữ cố gắng mang thai đều thành công.
“Phải đạt cực khoái để có thai”
Tiến sĩ Jessup giải thích: “Trong khi cơn cực khoái giúp tinh trùng di chuyển nhanh hơn tới các ống dẫn trứng, thì việc mang thai thực sự không phụ thuộc vào cực khoái”.
Tương tự, tư thế quan hệ tình dục cũng không liên quan đến việc tăng khả năng thụ thai.
Ngoài ra, việc sử dụng chất bôi trơn cũng không giúp cho tinh trùng dễ dàng đi vào bên trong tử cung hơn như một số quan niệm truyền miệng khác. Theo tiến sĩ Jessup, hầu hết các chất bôi trơn thay đổi độ pH và sự cân bằng axit của âm đạo và điều này thực sự có thể ngăn hoặc ít nhất là làm giảm tỷ lệ thụ thai.
“Quan hệ tình dục vào ngày rụng trứng là thời gian tối ưu”
Nhiều người nhầm lẫn khi tin rằng quan hệ vào ngày rụng trứng là chìa khóa để tăng tỷ lệ thụ thai. Theo tiến sĩ Jessup, quan hệ tình dục vào ngày trước ngày rụng trứng mang đến cơ hội thụ thai lớn nhất. 2 ngày trước ngày rụng trứng cũng là cơ hội tốt bởi tinh trùng có thể tồn tại đến 72 giờ bên trong cơ thể phụ nữ.
“Thực phẩm không giúp ích cho việc thụ thai”
Trước lời bác bỏ phương pháp tự nhiên trên, tiến sĩ Jessup cho biết, khoa học đã chứng minh được một số loại thực phẩm có khả năng kích thích môi trường, cũng như thúc đẩy sự phát triển phôi thai và bào thai khỏe mạnh trong tử cung. Thực phẩm như trái cây tươi, ví dụ bưởi, dưa cải bắp, cam; hay đậu nành hoặc sữa đậu nành đều chứa lượng polyamit và isoflavones phong phú (cả 2 chất này đều đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng sinh sản).
Các nghiên cứu gần đây cho thấy tiêu thụ từ 20-40mg đậu nành/ngày giúp tăng gấp đôi tỷ lệ mang thai.