Chuyên gia Viện Bỏng khuyến cáo khi dùng miếng dán giữ nhiệt: "Dễ bị bỏng dù ở nhiệt độ thấp"

Minh Ngọc
13/01/2021 - 07:50
Chuyên gia Viện Bỏng khuyến cáo khi dùng miếng dán giữ nhiệt: "Dễ bị bỏng dù ở nhiệt độ thấp"
Miếng dán giữ nhiệt được coi là cứu cánh đối với nhiều chị em trong mùa lạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng thật sự hiểu và sử dụng đúng miếng dán này, thậm chí có nhiều trường hợp đã bị bỏng dù ở nhiệt độ thấp.

Miếng dán giữ nhiệt là sản phẩm được dùng để giữ ấm trong mùa Đông. Miếng dán giữ nhiệt có hai loại, một loại dán và một loại bỏ túi, trong đó loại dùng để dán thông dụng và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu như không biết sử dụng đúng cách.

1. Thành phần và cơ chế hoạt động của miếng dán giữ nhiệt

Thành phần của miếng dán giữ nhiệt chủ yếu gồm muối, than hoạt tính, nước và có cả bột sắn. Cơ chế hoạt động của miếng dán đó là theo cách thức phản ứng oxy hóa kim loại để sinh nhiệt, sau đó sưởi ấm.

Tùy vào sự thay đổi của lượng nguyên liệu, phản ứng nhiệt sẽ ở những cấp độ khác nhau, do vậy nó có thể làm ấm cơ thể khi trời lạnh nhờ nhiệt lượng cao từ phản ứng. Tuy nhiên, việc tiềm ẩn những nguy cơ gây hại là không thể tránh khỏi.

2. Nguy cơ tiềm ẩn trong miếng dán giữ nhiệt

Không phải ai cũng phù hợp sử dụng miếng dán giữ nhiệt, đặc biệt là đối với những người có làn da nhạy cảm. Thông thường, những người có cơ địa dị ứng hoặc da có kết cấu mỏng sẽ có phản ứng khó chịu với miếng dán giữ nhiệt, có thể bị ngứa, nổi mẩn đỏ, thậm chí có thể lan sang các vùng da bình thường khác. Do vậy, nhóm đối tượng này cần cẩn trọng khi trước khi sử dụng miếng dán giữ nhiệt.

Một nguy cơ đáng báo động hơn đó là tình trạng bỏng da khi sử dụng miếng dán giữ nhiệt, đặc biệt là khi chúng ta dán thời gian dài, nhiệt độ tiếp xúc cao sẽ gây bỏng và tổn thương vùng da quanh đó.

Thông thường, người khỏe mạnh có nhiệt độ cơ thể là 37 độ C và chỉ chịu được nhiệt độ tiếp xúc trên da là 40 độ, trong khi đó miếng dán giữ nhiệt có nhiệt độ tối thiểu dao động khoảng 53 độ C, cao hơn nhiều so với quy chuẩn và mức chịu đựng của cơ thể. Do vậy, càng dán lâu càng có nguy cơ bị bỏng và mức độ bỏng nặng nhẹ phụ thuộc vào thời gian của miếng dán.

Mặc dù không thể phủ nhận những ưu điểm của miếng dán giữ nhiệt, tuy nhiên cần cẩn trọng khi dùng cho người già, đặc biệt là trẻ em.

BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn – Hà Nội) cho biết, khoa đã từng gặp trường hợp sử dụng miếng sưởi ấm không đúng cách gây bỏng ở nhiệt độ thấp. Trước đó đã có nhiều ca bỏng do rò chảy nước ở túi chườm nóng. Một số trường hợp bị bỏng do sử dụng miếng dán giữ nhiệt quá lâu ở lòng bàn chân, loại bỏng này gọi là bỏng ở nhiệt độ thấp.

Chuyên gia Viện Bỏng khuyến cáo khi dùng miếng dán giữ nhiệt: "Dễ bị bỏng dù ở nhiệt độ thấp" - Ảnh 3.

Dễ bị bỏng khi sử dụng miếng dán trong thời gian dài - Ảnh internet

Bác sĩ Thống cũng giải thích thêm, thông thường khi da tiếp xúc với nhiệt độ 70 độ C trong 1 phút sẽ bị bỏng, còn nhiệt độ trên 50 độ cũng sẽ gây bỏng nếu dán trong thời gian khoảng 5 phút. Bỏng ở nhiệt độ thấp là chỉ nhiệt độ trong khoảng 50 độ, chủ yếu do nhiệt năng thẩm thấu vào trong mô mềm và gây ra bỏng.

3. Khuyến cáo khi dùng miếng dán giữ nhiệt

Theo Bác sĩ Thống, nếu tiếp xúc với miếng dán giữ nhiệt ở mức nhiệt 44 độ C thì không có nguy cơ bị tổn thương, tuy nhiên nếu để lâu trên da cũng sẽ gây hiện tượng tấy đỏ, phỏng rộp, tróc da hoặc vùng da bị thay đổi màu sắc.

Bác sĩ Thống khuyến cáo, da tiếp xúc với miếng dán giữ nhiệt ở nhiệt độ dưới 44oC thì không bị tổn thương nhưng nếu tiếp xúc lâu cũng dễ bị bỏng. Da sẽ xuất hiện tấy đỏ, phồng rộp, tróc da hoặc nhợt nhạt.

Do vậy, trước khi sử dụng miếng dán giữ nhiệt, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như thời gian tối đa được sử dụng miếng dán trên da. Không nên dán trực tiếp vào da, tốt nhất nên qua một lớp áo.

Chuyên gia Viện Bỏng khuyến cáo khi dùng miếng dán giữ nhiệt: "Dễ bị bỏng dù ở nhiệt độ thấp" - Ảnh 4.

Không nên dán trực tiếp miếng dán giữ nhiệt lên da - Ảnh: Internet

Đối với miếng dán giữ nhiệt, cần tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài, luôn chú ý tình trạng da trong quá trình sử dụng, kịp thời bỏ miếng dán trên da nếu có hiện tượng nóng rát và bỏng.

Ngoài ra, có một số lưu ý quan trọng khi sử dụng miếng dán giữ nhiệt:

- Tránh dán liên tục trong thời gian dài hoặc tại cùng một vị trí, nên đảo dán ở những vị trí khác nhau, tránh gây tổn thương cục bộ.

- Đối với những người có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc đang bị tổn thương da, nên tránh sử dụng. Hoặc nếu bắt buộc phải dùng, cần sử dụng qua một lớp quần áo dày, bỏ miếng dán nếu cảm thấy khó chịu.

- Không nên dùng miếng dán trong lúc ngủ.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm