Chuyện giờ mới kể của cán bộ Hội đi chợ hộ

Phạm Thương
20/10/2021 - 13:00
Chuyện giờ mới kể của cán bộ Hội đi chợ hộ

Chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội LHPN phường 6 (quận Tân Bình, TPHCM), đi chợ giúp dân trong mùa dịch

"Trong suốt mấy tháng qua, hầu như ngày nào tôi cũng ăn trưa lúc 13h30 và ăn tối lúc 22 giờ. Có hôm, 22 giờ vẫn còn đi giao hàng cho người dân. Việc ăn vội hoặc uống tạm hộp sữa đậu nành để công việc không bị gián đoạn là chuyện thường xuyên" - chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội LHPN phường 6 (quận Tân Bình, TPHCM), Tổ trưởng Tổ đi chợ giúp dân của phường, nhớ lại những ngày đi chợ hộ giúp dân vừa qua.
Từ những chuyến giao hàng con thoi...

Trước khi dịch bùng phát mạnh ở TPHCM, việc đi chợ hộ được triển khai nhằm hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa, khu cách ly, người già, người khuyết tật... Sau khi thành phố siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó" thì đối tượng đi chợ hộ được mở rộng. "Từ khoảng 20 đơn hàng/ngày, lúc cao điểm, chúng tôi đi giao cả ngàn đơn hàng theo combo, chưa kể các đơn nhờ mua lẻ. Từ sáng đến tối, tôi nhận điện thoại liên tục. Trên địa bàn phường chỉ có 2 siêu thị nhỏ nên thường xuyên bị "cháy hàng". Nhiều khi kem đánh răng, giấy vệ sinh cũng hết. Người dân nhờ mua đủ thứ hàng hóa chứ không chỉ thực phẩm. Thậm chí, nhiều hộ còn tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản của tôi nhờ đi rút tiền hộ nữa", chị Chu Thị Thư cho biết.

Để phục vụ nhu cầu đi chợ của người dân. Phường 6 liên kết với công ty cung cấp thực phẩm bán hàng theo combo. Theo đó, người dân sẽ đăng ký mua hàng theo combo định sẵn và nộp lại theo từng tổ dân phố. Sau đó, tổ dân phố gửi lên phường để nhập máy tính, chốt số lượng combo. Phía công ty sẽ nhận danh sách và tự đóng gói gửi xuống Hội. Hội LHPN phường phối hợp cùng các đoàn thể khác vận chuyển đến từng nhà dân. Việc đặt hàng theo hình thức này sẽ vất vả hơn so với việc đặt qua app nhưng nó hạn chế được tình trạng "bom" hàng.

"Thực tế, trong quá trình thực hiện có nhiều phát sinh. Việc đặt theo combo chỉ có thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau, củ, quả nên chúng tôi vẫn phải kết hợp đi mua đơn lẻ, mua những món không có trong combo, từ thuốc men, dầu gió đến băng vệ sinh, bỉm, tã... Cái gì tiện đường thì chúng tôi sẽ đi mua ngay. Nói chung là "chiều" dân hết cỡ", chị Thư chia sẻ.

Chuyện giờ mới kể của cán bộ Hội đi chợ hộ - Ảnh 1.

Chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội LHPN phường 6 (quận Tân Bình, TPHCM) và lực lượng quân đội đi giao hàng phục vụ người dân Ảnh: NVCC

... Đến những cú "bom" hàng rơi nước mắt

Cũng theo chị Thư, phía công ty cung cấp hàng theo combo thường giao hàng lúc 11 giờ, nhiều hôm 13 giờ mới giao. Vì đơn hàng là thực phẩm tươi sống nên lực lượng đi giao hàng phải tìm cách giao đến nhà người dân một cách nhanh chóng, đảm bảo độ tươi ngon. Số lượng người đi giao hàng lúc nhiều nhất là 50 người, trong khi có hàng ngàn đơn cần giao. Áp lực dồn lên rất lớn. Công việc đi chợ hộ gặp không ít sóng gió. Quá trình giao hàng phải đi song song giữa lực lượng của phường và quân đội. Vì địa chỉ rất khó tìm, nhiều con hẻm đi lòng vòng trong khi các anh bộ đội không rành đường nên phải đi tìm rất lâu. Các combo hàng đóng thành từng thùng to, mọi người khuân vác rất vất vả. "Có trường hợp người dân "bom" hàng, khi chúng tôi gọi đến số điện thoại đã đặt hàng thì không nghe máy hoặc nói "không mua nữa". Một số trường hợp khi nhận hàng còn bảo "tưởng miễn phí", nếu có phí thì không mua đâu. Những trường hợp như thế khiến chúng tôi rất giận. Hoặc nhiều gia đình khi mở hàng đặt theo combo, cảm thấy không ưng ý, họ trả lại. Chúng tôi phải tìm cách bán cho nhà nào có nhu cầu hoặc mang về trả lại cho công ty, rất tốn công và thời gian", chị Thư nhớ lại.

Và sợi dây gắn kết bền chặt hơn

Khó khăn là vậy nhưng những cán bộ Hội đi chợ hộ giúp dân như chị Chu Thị Thư nhận lại được rất nhiều tình cảm của chị em hội viên, người dân trên địa bàn. Chị Thư cho biết: "Tôi nhớ, có một em tên Hồng Hạnh. Em ấy đặt mua sữa cho con khắp nơi nhưng không được. Sau đó, Hạnh gọi đến tôi nhờ đi mua hộ. Hôm tôi đi giao sữa là vào buổi tối, mưa rất lớn. Có lẽ cảm động trước sự nhiệt tình của tôi, Hạnh đã đăng lên facebook cá nhân cảm ơn rối rít. Tự nhiên tôi cảm thấy rất ấm lòng. Hoặc có nhiều người dân dúi tiền ship vào tay để cảm ơn nhưng chúng tôi không nhận. Mình cực một xíu không sao, người dân vui và có đầy đủ nhu yếu phẩm là được. Qua những ngày giãn cách, tôi đã quen thêm nhiều bạn hơn, nắm rõ địa chỉ của nhau, cảm giác thân thiết với mọi người hơn xưa. Đi chợ hộ đã tạo ra mối liên kết bền chặt. Sau này, cán bộ Hội có đi vận động, tuyên truyền thì người dân cũng sẽ quan tâm hơn".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm