Chuyện tình cổ tích lay động lòng người ở làng phong Quy Hòa

21/09/2018 - 08:10
Từng là cô gái xinh đẹp ở làng, thế nhưng bệnh phong bất ngờ ập đến khiến đôi bàn tay, đôi chân của bà co quắp, cơ thể đau đớn kéo dài. Dân làng xa lánh, bà rơi vào trầm cảm, buồn tuyệt vọng mặc cho tuổi xuân trôi theo thời gian. Năm 1995, bàn chân ngày càng lở loét, bà quyết định rời nhà đón xe vào nơi này chữa bệnh, rồi gặp ông.
Quãng đời nghiệt ngã
 
Dọc theo con đường bê tông nhỏ chạy giữa những dãy nhà cũ kỹ ở làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chúng tôi dễ dàng quan sát được cuộc sống thường nhật của dân làng. Vì đều bị bệnh phong, hầu hết mọi người bị khuyết tật và chuyện “người thật chân giả” ở đây cũng quá đỗi bình thường.
aaa.jpg

Ông Phạm Văn Lem (63 tuổi, dân tộc Hrê, quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).

 

Trước mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông nghễnh ngãng tai, đập đập bàn tay trụi ngón vào chiếc radio cũ kỹ, rồi ngước nhìn người vợ phía trước bảo: “Bà này, vào mà nghe bài chòi. Hay lắm!”. Giữa trưa, chiếc radio cũ kỹ đang phát bài “Bình Định quê hương tôi”, đôi vợ chồng ngồi cạnh nhau, đôi mắt hấp háy nhìn nhau trìu mến. Ông là Phạm Văn Lem (63 tuổi, dân tộc Hrê, quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), bà là Phan Thị Hà (60 tuổi, dân tộc Kinh, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
 
Nhìn đôi vợ chồng này, ít ai nghĩ rằng, trước đây ông Lem từng là một chàng trai khỏe mạnh, đào hoa; bà Hà từng là một cô gái xinh đẹp như bông hoa của núi rừng cho đến khi họ bị gọi là... “đồ hủi”. Ông bảo, hồi mới đến làng phong này, tay ông còn... 1 ngón, còn cầm đũa gắp thức ăn được nhưng về sau thì chẳng còn ngón nào. Hai chân của ông bị con vi khuẩn hansen (vi khuẩn gây ra bệnh phong) “quậy” đau đến tột cùng. Đến nay, sau nhiều lần cắt bỏ, giờ hai chân chỉ còn từ đầu gối trở lên, đủ để lắp chân giả.
 
Ngước nhìn vào khoảng không vô định phía trước, ông Lem bảo, trước kia ông cũng là người đàn ông khỏe mạnh, sống như con thú trong rừng mạnh mẽ và cũng có một thời yêu đương với những cô thôn nữ cùng trang lứa. Nào ngờ đâu năm 20 tuổi, đang trong lúc làm nương rẫy, ông cảm thấy trong người nóng bừng, da bắt đầu nứt nẻ, tê nhức khôn cùng. Mọi người trong gia đình hết sức hoảng hốt đưa về nhà để thuốc thang. Nhưng thời gian, căn bệnh vẫn không hề thuyên giảm, mà ngược lại da thịt ngày càng thối rữa, các đốt ngón tay cứ rụng dần.
 
Nghĩ con mắc phải căn bệnh lạ nên cha mẹ ông Lem đã chạy vạy vay mượn tiền bạc mua lợn, mua rượu về để mời thầy cúng đến giải hạn. Nhưng rồi, khi các “thầy” cao tay lần lượt đến rồi lại đi trong ánh mắt sợ hãi thì cũng là lúc tiền bạc trong gia đình cũng đội nón đi theo. Khoảng một tháng sau đó, người làng cho rằng ông Lem bị “con ma rừng” làm cho ra như thế. Mà “con ma rừng” ở trong người ông thì sẽ lây sang những người khác, làm nguy hại đến dân làng. Mặc dù cha mẹ đã cố nài nỉ để ông được ở nhà cho gia đình chăm sóc nhưng lệ làng không cho phép nên cuối cùng ông bị đuổi ra khỏi làng.
 
Sau 5 năm sống một mình trong rừng, đến năm 1980, một đoàn bác sĩ đến làng khám chữa bệnh thì phát hiện ông Lem bị bệnh phong, sau đó đưa đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa chữa trị. “Lúc đó, trong suy nghĩ của tôi, không có con ma nào ám cả, chẳng qua đó là một căn bệnh kỳ lạ mà mọi người trong làng chưa gặp. Tin tưởng vào cuộc đời nên tôi cố gắng bám lấy cuộc sống và tồn tại trong rừng đến 5 năm. Khi về đây, tôi được mọi người cưu mang như anh em trong nhà và điều này đã tiếp thêm nguồn sống mới cho tôi.
 
Yêu thương lấp đầy khiếm khuyết
 
Người đàn ông nở nụ cười chân chất nhìn về người vợ hiền của mình. Bà Hà nhìn chồng, tươi cười bảo: “Những ngày tháng ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, tôi nghe người ta kể nhiều chuyện cảm động về người đàn ông hiền lành, tốt bụng, dù tật nguyền nhưng hay giúp đỡ người khác. Thoạt đầu, tôi giúp ông giặt quần áo, lâu ngày cảm mến thương nhau khi nào cũng không biết”.
 
Hoàn cảnh của bà Hà cũng chẳng khác người chồng của mình. Từng là cô gái xinh đẹp ở làng, thế nhưng bệnh phong bất ngờ ập đến khiến đôi bàn tay, đôi chân của bà co quắp, cơ thể đau đớn kéo dài. Dân làng xa lánh, bà rơi vào trầm cảm, buồn tuyệt vọng mặc cho tuổi xuân trôi theo thời gian. Năm 1995, bàn chân ngày càng lở loét, bà quyết định rời nhà đón xe vào nơi này chữa bệnh, rồi gặp ông.
b2.JPG
 Vợ chồng ông Lem bà Hà và những phút giây hạnh phúc bên nhau.
Quyết định gắn bó với nhau, hai người cùng báo tin cho người thân ở quê biết. Thế nhưng ngày mẹ bà Hà lặn lội vào Quy Hòa, ông Lem vì mặc cảm mình là người bị tàn phế nên trốn biệt tăm. Bà Hà biết chuyện nên đi tìm mãi mới đưa được ông về để gặp mẹ vợ tương lai. Nhìn chàng thanh niên tay chân ngủn ngẳn, người mẹ thấu hiểu mọi chuyện, liền bảo: “Các con đều bệnh tật. Nếu đã có tình cảm thì hãy thương nhau trọn đời”. Câu nói ấy khiến ông Lem cảm động khóc sụt sùi. Được người mẹ chứng giám, hai người nên vợ nên chồng.
 
Khi bà Hà xuất viện, hai vợ chồng cùng xin một ngôi nhà nhỏ trong làng phong để ở. Sống được 3 năm thì bà Hà sinh ra cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Phạm Hà Linh, niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội. Càng vui hơn khi cha mẹ đều mắc bệnh nhưng cậu con trai lớn lên mạnh khỏe, thông minh.
 
Để có tiền nuôi con ăn học, mua thêm thuốc men chữa bệnh cho hai vợ chồng, bà Hà tích góp số tiền các tổ chức, cá nhân từ thiện giúp đỡ gầy dựng đàn gà, mở quán tạp hóa nhỏ ở làng phong Quy Hòa để cải thiện thu nhập. Thương cha mẹ vất vả vượt qua tật nguyền, suốt 12 năm học, năm nào Linh cũng nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập.
 
Bây giờ, em đang là sinh viên năm 2 ngành điều dưỡng của trường Đại học Đông Á (TP.Đà Nẵng). “Cơ cực mấy tôi cũng chịu được, miễn sao con học nên người, sau này trở thành người có ích cho xã hội. Con bảo, học xong sẽ quay về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, có thể góp phần chữa trị cho bà con bệnh phong nơi đây”, bà Hà chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm