pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện tình yêu như cổ tích của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và vợ là bà Vũ Thị Đậu luôn dành cho nhau tình cảm trân trọng
Sài Gòn chiều muộn, tôi đến thăm ông, nghe ông kể về tình yêu và hạnh phúc của mình mà như chuyện cổ tích với một cái kết ngọt ngào.
Chinh phục chân trời khoa học
Sự khao khát về một thế giới tri thức và khám phá thế giới tri thức ấy đã khiến cậu học trò nhỏ Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vượt qua những nghịch cảnh để năm lớp 7 đạt giải 5 toán toàn miền Bắc.
Học giỏi với một học sinh bình thường đã khó, với một cậu bé với đôi bàn tay không cử động được thì còn khó gấp bội phần. Nhưng với Ký, cậu đã biến nghịch cảnh đó thành sức mạnh phi thường của mình để chiếm lĩnh tri thức. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì sao cậu học trò khuyết tật ngày nào đã thi vào văn khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tôi cứ hình dung ra chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký với khuôn mặt khôi ngô của tuổi 18, 20 tìm đến với những thế giới nhân vật của Pavel trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky. Phải chăng chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký đã xây dựng nguyên mẫu của Paven trong tâm hồn mình.
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký về lại với quê hương và đem những tri thức mà mình đã học tập để đứng trên bục giảng truyền dạy cho các em học sinh. Những thế hệ học sinh của trường cấp 2 của xã Hải Thanh (Hải Hậu, Nam Định) còn nhớ về những bài giảng văn đầy nhiệt huyết và rộng mở tâm hồn của thầy giáo Ký. Với những cống hiến cho sự nghiệp trồng người, năm 1992, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Sự diệu kỳ của tình yêu
Ngước đôi mắt nheo nheo tinh nghịch ông nói: "Đời thầy có những người phụ nữ thật đôn hậu. Người đầu tiên là mẹ thầy và sau đó là hai người phụ nữ yêu thầy, thành vợ thầy. Đó là hai chị em cô Vũ Thị Nhiễu và cô Vũ Thị Đậu".
Kể về 2 người phụ nữ làm vợ trong đời mình, ông dành cho họ một sự trân trọng và đầy yêu thương.
Ngày đó, anh thanh niên Nguyễn Ngọc Ký mới tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng có những băn khoăn khi nghĩ về hạnh phúc lứa đôi vì không muốn người con gái đến với mình phải khổ bởi mình bị tật nguyền. Nhưng qua một lần gặp mặt, cô giáo Nhiễu đã thấy ở người con trai có đôi tay tật nguyền ấy chứa đựng sự quả cảm. Cô đã nhận lời làm vợ thầy giáo Ký. Cho đến bây giờ ở cái tuổi "thất thập", ông bảo đó cũng là nhân duyên!
Tôi cứ nghĩ, trời đã lấy đi của ông đôi bàn tay, nhưng trời cũng cho ông sự tài hoa. Chẳng phải thế, mà cô giáo Nhiễu đẹp nhất nhì của thành phố Nam Định cũng phải mềm lòng chăng, hay cô tin vào tình yêu mà anh giáo Nguyễn Ngọc Ký mang lại cho mình bằng một niềm tin son sắt và tấm lòng nhân hậu.
Cũng vì thế mà tình yêu của họ thật đẹp, đơm hoa kết nụ được 3 người con. Các con ông cũng đã phương trưởng. Hai người con gái là nhà giáo dạy bậc học phổ thông còn người con trai hiện là giảng viên Đại học Kiến trúc. Trầm ngâm một chút, thầy giáo Ký nhớ về những kỷ niệm của người vợ đầu. Năm 1994, khi đang công tác trong Nam, hay tin vợ bị tai biến, ông vội vã trở về Hà Nội chăm sóc vợ. Nhưng sau 7 năm chăm sóc và chữa trị, bà bỏ ông ra đi.
Trước khi mất, bà giáo Vũ Thị Nhiễu nắm tay cô em Vũ Thị Đậu trăng trối: "Chị đi, em thay chị chăm sóc anh Ký". Khi ấy bà Đậu đang ở góa nuôi 2 con. Sự chân tình, yêu thương của ông giáo Ký cùng lời gửi gắm lúc lâm chung của chị gái đã khiến bà Đậu cảm động. Một đám cưới nhỏ đã làm cho căn nhà nhỏ của ông thêm ấm cúng và hạnh phúc khi tối, hôm có bàn tay người phụ nữ chăm sóc đỡ đần. Ông cười bảo: "Gia đình vì thế có bàn tay phụ nữ mà cái bếp cũng gần gũi và thân thương hơn. Chính vì thế mà hiện nay ông có 5 người con, 9 đứa cháu nội, ngoại".
Hôm tôi đến thăm ông, bà Đậu ra mở cửa. Khuôn mặt phúc hậu, bà bảo: "Em ngồi chơi, thầy đang ăn cơm". Hỏi ra tôi mới biết, ông vừa đi chạy thận nhân tạo về và đang dùng cơm trưa.
Qua cung cách nói chuyện có lúc hùng biện, khúc chiết, có lúc tình cảm như suối nguồn, tôi nghĩ: Thảo nào mà hai chị em bà Nhiễu và bà Đậu yêu thương và trân trọng để kết tóc xe duyên cùng ông là vậy.
Nguyễn Ngọc Ký không những là nhà giáo, nhà văn, ông còn là nhà tâm lý với những buổi nói chuyện về tình yêu cuộc sống, về tình bạn, tình yêu đôi lứa đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Đối tượng nghe ông truyền giảng là học sinh, giáo viên, công nhân, doanh nhân. Để rồi qua những buổi nói chuyện của ông đã tiếp thêm cho họ một nghị lực sống, khao khát sống mạnh liệt bằng sự lao động chân chính cho mình và giúp ích cho đời.
Những chuyện của ông viết thấm đẫm tâm hồn nhân hậu của tuổi thơ. Những tác phẩm của ông vẫn được các bạn thiếu nhi tìm đọc như sự trải nghiệm về cuộc sống.