Chuyện về một điều tra viên tận tụy

Hà Khê - Đoàn Tiến
19/08/2020 - 11:41
Chuyện về một điều tra viên tận tụy
Với lực lượng điều tra hình sự Công an Hà Nội và cả nhiều tay tội phạm cộm cán, thì điều tra viên Ngô Văn Đáp không phải là cái tên "bình thường". Gần 20 năm làm cảnh sát điều tra, làm Đội phó Đội Điều tra trọng án, Thượng tá Đáp cùng với đồng đội đã phá rất nhiều vụ trọng án, bắt hàng chục ổ nhóm giang hồ cộm cán.

Chúng tôi có mặt tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội vào lúc chiều muộn một ngày đầu hạ. Dù rằng ngoài kia mọi người đang hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc, thì tại đây hàng chục con người vẫn đang ngồi cắm cúi, trước mắt là hàng tập hồ sơ dày cả gang tay.

Với lực lượng điều tra hình sự Công an Hà Nội và cả nhiều tay tội phạm cộm cán, thì điều tra viên Ngô Văn Đáp không phải là cái tên "bình thường". Gần 20 năm làm cảnh sát điều tra, làm Đội phó Đội Điều tra trọng án, Thượng tá Đáp cùng với đồng đội đã phá rất nhiều vụ trọng án, bắt hàng chục ổ nhóm giang hồ cộm cán.

Thượng tá Ngô Văn Ðáp đang nghiên cứu hồ sơ một vụ án (ảnh Đoàn Tiến)

Thượng tá Ngô Văn Ðáp đang nghiên cứu hồ sơ một vụ án (ảnh Đoàn Tiến)

Năm 2011, Thượng tá Đáp được cấp trên điều chuyển sang Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, làm Đội trưởng Đội 2. Cùng với các đồng đội tại đây, Thượng tá Đáp đã truy tìm, bắt giữ được không ít những đối tượng truy nã nguy hiểm, luôn thủ sẵn vũ khí nóng trong người. Nhưng cuộc đời khó ai nói trước được chữ ngờ, trong một lần đi bắt các đối tượng truy nã tại địa bàn tỉnh Lai Châu, Thượng tá Đáp đã bị thương nặng. Đó là vào tối ngày 8/1/2013, anh được lãnh đạo Phòng phân công cùng tổ công tác có mặt tại địa bàn Lai Châu để truy bắt 2 đối tượng Đào Thuỳ Linh và Lê Văn Khu.

Khi đến địa bàn bản Che Bó, xã Phúc Than, huyện Than Uyên chiếc xe ô tô của đơn vị bị hỏng. Do đang ở xa trung tâm không thể chờ xe cứu hộ, trong khi đối tượng Linh, Khu liên tục thay đổi nơi ở để đối phó với cơ quan Công an, nếu không kịp thời đến để phối hợp với Công an Lai Châu thì không thể truy bắt được đối tượng.

Tổ công tác đã dừng xe tại phần đường bên phải để kiểm tra và quyết định sẽ tự sửa chữa khắc phục để nhanh nhất có mặt tại địa bàn các đối tượng đang lẩn trốn. Khi tổ công tác đang tập trung sửa chữa thì bất ngờ một thanh niên đi xe máy đã lao thẳng vào tổ công tác, khiến Thượng tá Đáp bị gãy xương đùi.

Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện huyện Than Uyên, anh đã được đưa về Bệnh viện Việt Đức điều trị. Còn 2 đồng chí thuộc tổ công tác Phòng Cảnh sát truy nã vẫn tiếp tục phối hợp với Công an Lai Châu, tổ chức truy bắt các đối tượng truy nã. Và đối tượng Linh đã sa lưới pháp luật sau đó ít ngày.

Phá vụ siêu trộm người nước ngoài

Năm 2014, Thượng tá Ngô Văn Đáp được điều chuyển về lại Phòng CSHS, làm Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án có yếu tố nước ngoài (Đội 10). Tại đây anh cùng đồng đội đã phá nhiều chuyên án, bắt nhiều tên tội phạm đầu sỏ có quốc tịch nước ngoài. Một trong số đó là vụ phá băng nhóm người Colombia chuyên dàn cảnh để trộm cắp tài sản. Chỉ trong vòng 2 tháng băng nhóm này đã trộm cắp số tài sản lên tới nhiều tỷ đồng của người dân.

Gần 100 CBCS thuộc Đội 10, Đội Chống tội phạm trên tuyến, địa bàn (Đội 5), Đội CSHS Công an quận Hoàn Kiếm… đã được huy động để tham gia truy bắt nhóm siêu trộm này. Ban chuyên án nhanh chóng phát hiện một nhóm đối tượng mang quốc tịch Colombia có mặt tại tòa nhà E1 khu đô thị Ciputra (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Chỉ trong vài ngày, nhóm siêu trộm đang lẩn trốn tại Hà Nội và nhiều địa phương khác đã bị tóm gọn.

Thượng tá Ðáp trao trả tài sản cho một người nước ngoài bị mất trộm tại Hà Nội (ảnh Đoàn Tiến)

Thượng tá Ðáp trao trả tài sản cho một người nước ngoài bị mất trộm tại Hà Nội (ảnh Đoàn Tiến)

Ngoài vụ việc trên, mỗi năm thượng tá Đáp cùng đồng đội xử lý hàng chục các vụ án trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến người nước ngoài một cách khẩn trương, đúng pháp luật; được sứ quán nước ngoài đánh giá cao.

Đặc biệt, bên cạnh việc điều tra phá án có liên quan đến người nước ngoài, thì mỗi năm Thượng tá Đáp và đồng đội còn phải tiến hành lo "hậu sự" cho vài chục người nước ngoài bị chết tại Hà Nội.

Theo đó, mỗi khi nhận được tin báo từ nhân dân hoặc Công an phường về việc có người nước ngoài tử vong, Đội đều phải cử điều tra viên khẩn trương có mặt để phối hợp với phía đại sứ quán và các lực lượng chức năng khác để giải quyết.

Thông qua đại sứ quán, Cơ quan Công an sẽ liên lạc với người thân của nạn nhân và thống nhất các phương án xử lý. Còn nhớ năm 2017, một thanh niên Trung Quốc tên là Shao W.D. (24 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã dùng dây để tự kết liễu cuộc sống. Sau khi vụ việc xảy ra, rất đông người nhà nạn nhân đã có mặt tại Việt Nam, gây sức ép với Cơ quan Công an và có những hành vi thiếu chuẩn mực. Vì vậy, một tổ công tác của Phòng CSHS phải nhanh chóng có mặt điều tra, xử lý...

Shao W.D. vốn đã sang Việt Nam được một vài năm và từng có tình cảm với một cô gái Việt Nam là Hoàng T.N. (thường trú tại tỉnh Lạng Sơn). Cuối năm 2017, chị N. cảm thấy cuộc sống với Shao không có tương lai nên đã chủ động chia tay. Do làm ăn thất bát, lại mất người yêu nên Shao nghĩ quẩn và đã dùng dây treo cổ.

Cơ quan Công an đã tổ chức khám nghiệm và làm rõ nguyên nhân cái chết của Shao; đồng thời thông báo cho gia đình phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, phía gia đình nạn nhân không những không thèm vào nhà lạnh để kiểm tra xác nhận tình trạng của con em mình, mà chỉ một mực đòi Cơ quan Công an phải làm rõ số tiền mấy trăm ngàn tệ (vài tỷ đồng) của Shao hiện đang ở đâu. Và họ nhăm nhăm định dùng vũ lực với chị N. để đòi lại tiền.

Về phía chị N. cho biết, trong khoảng thời gian yêu nhau, Shao có mua tặng chị một vài món quà, tổng số tiền khoảng hơn 20 triệu đồng. Còn số tiền như gia đình Shao nói thì chị không hề biết. Có thể do Shao kinh doanh bị thua lỗ hoặc tiêu xài cá nhân. Về phía gia đình nạn nhân cũng không đưa ra được bằng chứng gì về việc Shao mang hàng tỷ đồng sang Việt Nam.

Cán bộ của Đội 10 đã tiến hành vận động, giải thích rất nhiều lần cho thân nhân của Shao hiểu. Đồng thời, cũng vận động chị N. có những ứng xử hợp lý hợp tình. Mặc dù đang phải nuôi con nhỏ, bản thân cũng không phải người giàu có gì, nhưng sau khi được Cơ quan Công an vận động, chị N. cũng cố vay mượn, xoay xở được gần 100 triệu đồng để lo các chi phí hỏa táng và đưa Shao về quê hương.

"Có một điều khiến anh em trong Đội vẫn trăn trở là việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng vẫn còn khá lỏng lẻo. Có những trường hợp người nước ngoài gây án, hoặc tử vong khi cán bộ Phòng CSHS thụ lý giải quyết mới phát hiện ra họ chưa hề đăng ký tạm trú tạm vắng ở địa phương - mặc dù họ đã ở Hà Nội cả tháng trời. Điều này khiến cho công tác phòng ngừa cũng như đấu tranh với tội phạm bị giảm đi đáng kể" - Thượng tá Đáp chia sẻ.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm