Cố ăn ít tập nhiều để có body ai cũng mê, người phụ nữ bỗng mất kinh, vô sinh

YÊN MINH (DỊCH TỪ NEW YORK POST)
27/08/2022 - 09:34
Cố ăn ít tập nhiều để có body ai cũng mê, người phụ nữ bỗng mất kinh, vô sinh
Một nữ gymer đã chia sẻ lại câu chuyện vô sinh đau lòng của mình, hậu quả từ việc ám ảnh với việc ăn uống và tập luyện quá mức khiến cô mất kinh nguyệt.

Chị Nicola Chan, 39 tuổi, ở Liverpool, Anh, mắc chứng cuồng ăn khi ở tuổi teen. Điều này đẩy chị vào vòng luẩn quẩn: Ănn thật nhiều sau đó lại tập cật lực để đốt mỡ. Tình trạng rối loạn ăn uống này ngày càng tăng khi chị trưởng thành hơn.

Người phụ nữ này kể rằng, chị sợ cả việc trữ đồ ăn trong tủ lạnh và thường đi tập gym tới khi cơ thể đau nhừ. Nicola thậm chí còn từng đi dạy gym ở nhiều lớp, nhiều nơi khác nhau để không ai biết mình tập nhiều đến thế nào. 

Chị Nicola Chan (bên phải) từng luôn ám ảnh về hình thể tới mức tập luyện cật lực và ăn thật ít. 

“Tôi dành tới 95% năng lượng não bộ để ghét bản thân, tập trung vào thức ăn và việc tập luyện”, chị kể với Jam Press. Chị hiện có 2 con gái, 23 tuổi và 10 tuổi. Cô con gái lớn của chị cũng từng bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn ăn uống của mẹ. "Con tôi giờ kể lại về tuổi thơ nhà luôn chẳng có đồ ăn gì trong tủ lạnh nhưng quay lại thời điểm đó, tôi luôn sợ rằng nếu chất đầy đồ ngon trong tủ, tôi sẽ ngốn hết. Đây giống như một vấn đề tinh thần - nếu bạn thiếu thứ gì đó, thì khi có được, bạn sẽ ăn thật nhiều, hơn mức mà đáng lẽ bạn được phép ăn từ trước tới lúc đó”, chị kể lại. 

Bà mẹ này cho biết, nhiều lúc chị còn sợ nếu ngừng tập luyện, chị sẽ phát điên: “Nếu tôi không thích cánh tay mình, tôi sẽ nhìn đống mỡ thừa, cảm thấy tồi tệ và tự nói “Đến lúc phải đến phòng tập rồi”. 

Tuy nhiên, khi có thân hình như mơ ước, trở thành một huấn luyện viên thể hình, chị nhận ra mình lại cần trợ giúp: Chị mắc tình trạng được gọi là chứng vô kinh vùng dưới đồi, gây vô sinh thứ phát tạm thời và khiến chị mất hẳn kinh nguyệt suốt vài năm. 

“Lúc đó, tôi cảm thấy trống rỗng, như thể mình không phải là một người phụ nữ thực sự bởi không thể thụ thai”, chị nói. Chị đi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng các bác sĩ cũng phải khuyên chị cần tập luyện ít lại và ăn nhiều hơn. 

Có giai đoạn, Nicola Chan đi dạy thể hình ở nhiều nơi khác nhau để không ai biết chị tập luyện nhiều tới mức nào. 

Cuối cùng, chị cũng có thai nhờ IVF và bớt tập luyện nhưng khi đi tập lại vào năm 2015, chị lại sa vào lối cũ. “Tôi chỉ định tham gia một chương trình thi thể hình, tôi đã chiến thắng, nhưng từ cuộc thi này lại dẫn tới những chương trình khác, vì vậy, tôi cứ thế miệt mài tập và thi”, Chan nói. Chị được khuyến cáo rằng sau một giai đoạn 12 tuần tập cật lực thì nên để cơ thể và việc ăn uống được trở lại trạng thái “bình thường” - nhưng vì luôn thích gầy, chị bỏ ngoài tai. 

Chị cho biết, có nhiều yếu tố góp phần ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát và nỗi ám ảnh hình thể của chị và có lẽ nguyên nhân sâu xa là việc chị từng bị quấy rối tình dục và cưỡng hiếp khi còn là một cô bé tuổi teen.

Chị cũng nói rằng, văn hóa ăn uống những năm 1990 và chế độ ăn, tập luyện của người mẹ cũng đóng vai trò gây ra tình trạng sợ ăn, cuồng tập của mình. “Giống như hầu hết những phụ nữ ở những năm 1990, vẻ đẹp lý tưởng là gầy, với những hình quảng cáo, hay video mà có hình ảnh những phụ nữ luôn mảnh mai. Tất cả những điều đó gửi tới tôi một thông điệp ngầm rằng chỉ có một cách duy nhất để làm phụ nữ là phải hấp dẫn thì mới được chấp nhận và thành công", Chan chia sẻ. 

Bị vô kinh thứ phát, Nicola Chan phải chật vật chữa trị nhiều năm và nhờ tới IVF mới có cô con gái thứ 2. 

Tuy nhiên, Chan quyết định kết thúc vòng luẩn quẩn này và rèn mình trở thành một huấn luyện tích cực về cơ thể vào năm 2018.

“Là tuýp người với cá tính “không nhất thì bét” tôi luôn muốn đứng đầu khi thực hiện việc gì, vì vậy tôi quyết tâm với việc phục hồi", chị nói về lựa chọn giữa việc trở lại với những chương trình đua hình thể hay hàn gắn tổn thương về hình ảnh bản thân. 

Được truyền cảm hứng bởi những huấn luyện viên cuộc sống đã giúp đỡ những người khác cũng vượt qua nỗi đau như mình, chị đã bắt đầu hành trình phát triển bản thân và nhận ra rằng nỗi xấu hổ và chán ghét bản thân là do những chấn thương trong quá khứ.

Chị tìm được một cộng đồng đang nỗ lực phát triển cái nhìn tích cực về cơ thể mình, và tham gia cùng mọi người, bắt đầu học những khóa về yêu bản thân, tự tin với chính mình. "Tôi muốn lên tiếng rằng chúng ta không đơn độc, luôn có người muốn giúp chúng ta. Chúng ta có thể tìm được sự bình an bên trong và khôi phục mối quan hệ tích cực với thực phẩm của mình", người phụ nữ bày tỏ.

Hiện tại, Nicola Chan đã học được cách cân bằng, yêu cơ thể mình và chị muốn hỗ trợ những phụ nữ khác làm được như vậy. 

Cố ăn ít và tập luyện nhiều để giảm cân ảnh hưởng tới sức khỏe phụ nữ thế nào?

Beat - Tổ chức từ thiện quốc gia hỗ trợ những người bị rối loạn ăn uống ở Vương quốc Anh cho biết, tình trạng phụ nữ đua nhau “nhịn miệng” và tập luyện thật nhiều đang ngày càng tăng ở những người vốn có cân nặng bình thường. Và điều này dẫn tới tình trạng, ngày càng nhiều phụ nữ bỗng dưng không thấy kinh nguyệt xuất hiện.

Theo các nghiên cứu, đột nhiên tăng hoặc giảm cân có thể làm rối loạn mức độ hoóc môn trong cơ thể phụ nữ, từ đó ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.

Trong cơ thể phụ nữ, hoóc môn estrogen đóng vai trò chính trong việc điều hòa kinh nguyệt. Nếu tăng nhiều cân trong thời gian ngắn, cơ thể có thể tiết ra một lượng hormon estrogen lớn, khiến cho lớp nội mạc tử cung không thích nghi kịp, làm chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Ngược lại, nếu cố ăn kiêng, tập luyện để giảm cân nhanh thì hàm lượng estrogen có thể giảm thấp, khiến niêm mạc tử cung bị mỏng và lâu bong ra, dẫn tới chu kỳ kinh bị kéo dài hơn bình thường.

Theo các chuyên gia, để có sức khỏe tốt và giữ gìn vóc dáng, chị em nên ăn uống và tập luyện điều độ, không áp dụng các chế độ ăn kiêng mất cân bằng (thiếu hẳn một nhóm chất nào đó). Nên tham khảo ý kiến bác sĩ và luôn theo dõi, lắng nghe sự thay đổi của cơ thể, nhận biết sớm các bất thường về chu kỳ kinh nguyệt để tư vấn người có chuyên môn khi cần thiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm