pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc (bài 1): Nỗ lực tìm hạnh phúc trên quê hương thứ hai
Nguyễn Thị Tuyết Hoa (trái) cùng chồng mở cửa hàng tại Hàn Quốc
Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên dải đất hình chữ S, người quê Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội; người từ TPHCM, người từ Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Tháp. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, song giữa những người phụ nữ này có một điểm chung: Họ đều là những cô dâu Việt bén duyên và kết duyên cùng với người chồng Hàn Quốc.
Trong chuyến hành trình thăm các gia đình cô dâu Việt trên xứ sở kim chi này, chúng tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện của những nàng dâu Việt tại xứ Hàn. Vượt qua nhiều khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, những cô dâu 8x, 9x đang hòa nhập dần với cuộc sống xa xứ và nỗ lực tìm kiếm một cuộc sống tươi đẹp hơn cho chính bản thân và gia đình tại Hàn Quốc - quê hương thứ hai của các em.
Chủ động hành trang hòa nhập cuộc sống mới
Tính đến nay, cô gái quê Đồng Tháp Nguyễn Thị Tuyết Hoa sống tại Hàn Quốc đã 10 năm có lẻ. Chị gái của Hoa lấy chồng Hàn Quốc. Năm 2002, Hoa được chị gái bảo lãnh sang để phụ chị trông cháu. Không biết tiếng, không biết nói chuyện, giao tiếp với người bản xứ thế nào, cuộc sống những ngày đầu xa quê buồn và cô đơn lắm.
Ráng học để có thể hòa nhập với nền văn hóa mới, dần dần, Hoa có thể làm các các công việc tay chân như phụ việc, chạy bàn cho quán ăn, vất vả từ sáng đến tối muộn… Đến nay, Tuyết Hoa đã lấy chồng người bản xứ và có hai con đang độ tổi mẫu giáo, trở thành "bà chủ" của cửa hiệu tạp hóa Asia Mart tại huyện ChungCheong, tỉnh Chungbuk, Hàn Quốc.
Tay thoăn thoắt cùng chồng chọn hàng, gói hàng để giao cho khách, Hoa kể lại những ngày đầu mở cửa tiệm, cô loay hoay không biết người tiêu dùng muốn mua gì, nên mỗi thứ lấy về một ít. Cửa hàng không có khách, hàng bán không được, phải bỏ đi rất nhiều. Có những ngày, Hoa chỉ bán được vẻn vẹn 10.000 won (tương đương 200.000 đồng), nhưng cứ nỗ lực từng ngày, tìm hiểu thị trường và khách hàng, Asia Mart trở nên đa dạng các sản phẩm từ châu Á được Tuyết Hoa nhập về bán. Khách quen của Hoa bây giờ không chỉ có người Việt, mà còn có cả người Thái Lan, Campuchia…
Từ một quán nhỏ, cửa hàng được phát triển thành một siêu thị mini. Hàng ngày có chồng phụ bán hàng, Hoa có nhiều thời gian hơn để đi học thêm tiếng Hàn, chăm sóc hai con nhỏ. Ông xã của Hoa, anh Kim Ho Jung cũng bập bẹ nói được vài câu tiếng Việt để giao tiếp với vợ và khách hàng. Anh tâm sự: Khó khăn nhất của hai vợ chồng là về ngôn ngữ và văn hóa, vì vậy phải dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe và chia sẻ với nhau.
Trong số những cô dâu Việt tại Hàn Quốc, Ngọc Quý là cô gái mang đến nhiều ấn tượng đẹp với người đối diện, không chỉ bởi cái tên hay, gương mặt sáng mà còn bởi phong thái tự tin, năng động.
Có được như ngày hôm nay, Quý tâm sự, cô cũng đã phải trải qua những ngày ban đầu đầy cơ cực. Ngôn ngữ không chỉ là rào cản lớn để Quý hòa nhập vào cuộc sống cùng những người thân trong gia đình nhà chồng, mà sâu xa hơn cả là những bất đồng trong suy nghĩ, quan điểm sống, bất đồng văn hóa. Ôm đứa con đỏ hỏn mới sinh trong tay, nước mắt nuốt vào trong, nhưng đó chính là động lực để Quý quyết tâm sống, làm việc để thay đổi cách nhìn nhận, suy nghĩ của gia đình chồng.
Rồi những hiểu lầm, mâu thuẫn trong gia đình cũng qua, mọi người hiểu nhau hơn và Quý cũng đã có một công việc, một vị trí trong một công ty tại Hàn Quốc.
Với một số cô dâu Việt Nam, rào cản đôi khi không đến từ phía người chồng Hàn Quốc hay gia đình nhà chồng, mà đến từ chính những người ruột thịt tại Việt Nam. Nguyễn Phương Nga là một trường hợp như vậy. Năm 2017, 2018, Phương Nga đến Hàn Quốc với mong muốn và quyết tâm trở thành giáo viên.
Phương Nga kể: "Người phản đối cô nhiều nhất lại chính là bố của mình, vì thời gian học tập lâu, mà tương lai thì không biết thế nào, còn đi làm công ty thì sẽ có thu nhập ngay, tiền lương cao. Chính ông xã là người luôn động viên vợ cố gắng học tập để theo đuổi ước mơ của mình, trở thành người có vị trí, được tôn trọng trong xã hội".
Bây giờ, Nga là cô giáo dạy tiếng Việt cho người Hàn và dạy tiếng Hàn cho người Việt. Luôn bận rộn với lịch dày đặc của các lớp học, nhưng Nga hạnh phúc lắm vì được tự chủ kinh tế, được tôn trọng trong gia đình.
Không chỉ có Tuyết Hoa, Ngọc Quý, Phương Nga, mà chúng tôi còn được dịp gặp và nghe câu chuyện của rất nhiều cô dâu Việt tại Hàn Quốc. Đó là Thu Thủy (quê Hải Phòng) đang yên ổn với công việc nấu ăn ở viện dưỡng lão, đó là Dung (quê Hải Dương) đang làm công việc dạy học, là Mỹ Liên (quê Tây Ninh) đang ngày ngày làm các công việc tại trung tâm đa văn hóa để hỗ trợ các cô dâu Việt Nam hòa nhập với cuộc sống mới…
Gắn bó với Hàn Quốc bằng nhiều cách khác nhau, nhưng những cô dâu Việt đã thực sự coi nơi đây là gia đình. Họ ngày càng chủ động, tự tin hòa nhập và tìm thấy hạnh phúc, sự tự chủ trên quê hương thứ 2 của mình.
(còn tiếp)