Cô dâu Việt trên đất Hàn và gánh nặng hai vai

26/10/2017 - 07:09
Chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1984, quê ở Cần Thơ, đang làm thông dịch viên tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Yeongdeok, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc. Chia sẻ với PNVN ngay trên đất Hàn, về cuộc sống làm dâu xứ người.
Ngày đó, em học về chế biến thủy, hải sản. Sau khi đi làm được một thời gian, có người chị họ rủ em sang đây lấy chồng. Em cũng thích đi du lịch nước ngoài nhưng việc tự đi thì tốn kém, không đi nổi, vì thế em bỏ việc theo chị ấy luôn. Nhờ chị mai mối, em gặp chồng mình.

Hồi ở Việt Nam, em đi học rồi đi làm ở công ty toàn nữ, chỉ có vài nam giới ở quản lý cấp cao, lâu lâu mới gặp nên chưa có cơ hội yêu đương, hẹn hò ai. Chồng em là người đàn ông đầu tiên em tìm hiểu. Em chỉ gặp chồng 1 lần trước khi kết hôn.

ms-hien.JPG
Chị Nguyễn Thị Hiền đang trao đổi với phóng viên Báo PNVN.

PV: Đi làm dâu xứ lạ, cuộc sống hồi mới sang của chị gặp phải những khó khăn gì?

Nguyễn Thị Hiền: Nhiều cô gái Việt vẫn nghĩ lấy chồng Hàn là cuộc sống sẽ giàu có, xã hội tốt đẹp như trên phim… Tuy nhiên, đàn ông bên này nếu có nghề nghiệp ổn định, kinh tế tốt, họ thường không qua mai mối để kết hôn quốc tế.

Những người tìm đến mai mối hôn nhân quốc tế thường là người làm nông nghiệp, công việc không ổn định, phải chăm sóc bố mẹ già và họ đã đến tuổi phải có trách nhiệm lập gia đình, sinh con…
Với em, ngày mới sang, nhiều bữa cơm cũng chan đầy nước mắt. Mấy năm đầu, em sống rất mệt mỏi vì chưa biết gì về chồng, không đến với nhau vì tình yêu, bất đồng ngôn ngữ, không hiểu văn hóa cuộc sống, tính cách khác nhau...
 
Đàn ông ở đây, có thể do vùng miền (gần biển) khiến họ quen nói to, nói nhanh, thái độ cộc cằn, không quen cư xử nhẹ nhàng. Khi chồng lớn giọng, vợ cứ tưởng mình làm sai gì đó, bị chồng quát mắng, chồng không thích mình nên mới đối xử không tốt… thành ra tủi thân, ức chế khiến quan hệ vợ chồng căng thẳng.
bai-2-c.jpg
Trung tâm hỗ trợ gia đình Đa văn hóa quận Yeongdeok nơi chị Hiền đang làm
thông dịch viên

 
Bên cạnh đó, ba mẹ chồng không hiểu con dâu. Họ vẫn sống theo nếp phong kiến cũ thành ra nhiều việc rất khó thông cảm.

PV: Chị đã tìm cách vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Nguyễn Thị Hiền: Thông thường, các cô dâu Việt sang đây, khoảng 3 năm đầu của cuộc hôn nhân đều gặp khó khăn trong việc hòa nhập với gia đình nhà chồng như vậy. Theo em biết thì có thể trong 10 cô dâu Việt sẽ có khoảng 6 người vượt qua được, còn khoảng 4 người bị thất bại.

Nếu không vượt qua được, họ sẽ bỏ trốn khỏi nhà chồng, sống bất hợp pháp hoặc trở về Việt Nam hay ly hôn… Với bản thân em, cách để vượt qua khó khăn là học cách thích nghi. Em tìm đến các văn phòng, Trung tâm hỗ trợ cô dâu nước ngoài (Trung tâm gia đình đa văn hóa) để học tiếng Hàn.

Em nghĩ, chỉ khi giao tiếp được tốt, mình mới có thể hiểu được những người trong gia đình và hòa nhập với cộng đồng sở tại rồi kiếm việc làm, tự chủ. Tại Trung tâm, em chăm chỉ học tiếng Hàn, sau đó được nhận vào làm việc tại Trung tâm để hỗ trợ các cô dâu Việt khác khi họ gặp khó khăn.

Hiện tại, cuộc sống gia đình em yên ấm. Vợ chồng có thu nhập ổn định và sinh được 2 con, một cháu 10 tuổi, một cháu 4 tuổi. Lâu lâu em mới về Việt Nam thăm nhà, phần vì bận rộn, phần vì xa xôi…
bai-2-d.jpg
Báo Phụ nữ Việt Nam và tờ rơi thông tin về trang “Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài” đã có mặt tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa nơi chị Hiền đang làm việc

 
PV: Trong quá trình tiếp xúc và làm việc với các chị em, chị thấy các cô dâu Việt thường cần trợ giúp điều gì nhất?

 
Nguyễn Thị Hiền: Tại quận nơi em ở có 106 cô dâu Việt. Em thường cùng nhân viên tư vấn trong Trung tâm gửi thông tin đến các gia đình có cô dâu Việt để họ biết địa chỉ, điện thoại, các chương trình trợ giúp của Trung tâm.

Khi gia đình các chị có trục trặc, chồng hoặc vợ thường tìm đến văn phòng hoặc gọi điện tư vấn. Cũng có trường hợp, họ gọi điện và tụi em xuống tận nơi để hòa giải.

Em thấy khó khăn lớn nhất của chị em vẫn là bất đồng về ngôn ngữ, vợ chồng không hiểu nhau nói gì… dẫn đến hiểu lầm, xung đột. Ngoài ra, trên địa bàn có vài chị không tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn nên lấy phải những người chồng nghiện rượu, bị thần kinh… hoặc bị chồng bạo hành.

PV: Cuộc sống của những cô dâu Việt bị chồng bạo hành hiện như thế nào?

Nguyễn Thị Hiền: Hiện các chị vẫn sống trong cái vòng luẩn quẩn. Tức là khi chồng say rượu, bất ổn về tâm lý và đánh vợ thì người vợ gọi điện đến Trung tâm nhờ trợ giúp. Em với nhân viên tư vấn sẽ đến nhà họ và có cảnh sát đi cùng để lấy lời khai.

Nếu chị ấy thương tích sẽ được đưa đi điều trị hoặc đưa đến nơi tạm trú. Người chồng bị đưa ra đồn cảnh sát hoặc đi cải tạo… Lúc ấy người chồng thường hối hận, ký giấy cam kết, cải tạo xong rồi về nhưng lâu lâu, họ uống rượu, lại đánh vợ, rồi lại bị đưa đi cải tạo. Việc cứ lặp đi lặp lại như vậy…
bai-2-b.jpg
Chị Hiền gặp gỡ cô dâu Việt tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa

 

PV: Như đã chia sẻ ở trên, cuộc sống hiện tại của chị được gọi là “ổn” nhưng nếu lựa chọn lại trong việc kết hôn, chị sẽ chọn như thế nào?

Nguyễn Thị Hiền: Nhiều khi đi phiên dịch, gặp gỡ các cô dâu Việt, em thường không dám đặt câu hỏi này ra với họ. Với bản thân em, em nghĩ mình sẽ không ra đi. Lý do là bởi cái cảm giác tuổi thanh xuân của mình đã bị trôi qua, bị mất mát…

PV: Chị mong muốn hoặc có lời khuyên gì đối với những cô gái Việt Nam đang có nhu cầu lấy chồng Hàn Quốc?

Nguyễn Thị Hiền: Nhu cầu lấy chồng Hàn Quốc của các cô gái trẻ Việt Nam là nhiều và nhu cầu của nam giới Hàn Quốc thì không dừng lại. Đó là thực tế. Tuy nhiên, theo em, để mọi việc tốt hơn, trước hết em mong muốn  Chính phủ 2 nước cần quy định chặt chẽ hơn về môi giới hôn nhân hợp pháp.

Với các cô gái trẻ, em muốn nói rằng, mọi người đừng nghĩ sang đây là thiên đường. Thực sự là cô dâu Việt sẽ phải mang 3-4 gánh nặng trên vai: Vừa phải chăm sóc gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng, nếu chồng không có thu nhập ổn định, mình còn phải lo cho gia đình bên Hàn vừa phải làm việc để có tiền gửi về cho bố mẹ bên Việt Nam…

Do vậy, chị em cần suy nghĩ thật kỹ, phải biết những khó khăn có thể gặp phải và nếu thấy có thể chấp nhận, có nghị lực để vượt qua thì mới đi.

Xin cảm ơn và chúc chị luôn hạnh phúc!

“Các cô gái trẻ Việt Nam nếu muốn kết hôn với người Hàn Quốc không nên qua con đường môi giới bất hợp pháp. Nhiều bà mối chỉ cần có tiền, họ sẵn sàng lừa cô dâu Việt, họ làm đám cưới thật nhanh và nhiều chị có thể sẽ cưới phải những người chồng có vấn đề thần kinh, dị tật… không đúng như lời quảng cáo. Việc xây dựng vợ chồng rất cần phải có thời gian, có sự chuẩn bị để học ngôn ngữ, hiểu hoàn cảnh của nhau và nảy sinh tình cảm… chứ không phải chỉ 1-2 lần xem mặt là đã sang đây ngay thì 2 bên sẽ sống rất mệt mỏi…”.

                                                                                                                 Chị Nguyễn Thị Hiền

                                                           
                                                           (Bài sau: Yêu nhau 2 năm, khi sống chung vẫn nhiều mâu thuẫn)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm