Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn: Bác sĩ chỉ ra những lưu ý tránh biến chứng nguy hiểm

Tuấn Minh
26/05/2023 - 10:26
Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn: Bác sĩ chỉ ra những lưu ý tránh biến chứng nguy hiểm
2 ngày sau khi nhổ xong, cô gái trẻ quay lại phòng khám phàn nàn về cơn đau dữ dội tại vị trí nhổ răng khôn.

Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn khiến nhiều người lo lắng

Mới đây, News Week đưa tin, một cô gái 23 tuổi ở São Paulo (Brazil) tử vong vì nhiễm trùng sau nhổ răng khôn. Cụ thể, nạn nhân là cô Marina Mesquita Silva, trải qua ca phẫu thuật nhổ răng vào ngày 10/5. 2 ngày sau khi nhổ xong, cô gái trẻ quay lại phòng khám phàn nàn về cơn đau dữ dội tại vị trí nhổ răng.

Sau khi được bác sĩ thăm khám, cô trở về nhà. Tuy nhiên, đến ngày 13/5, cơn đau vẫn rất dữ dội, cô phải đến phòng cấp cứu thành phố. Tại đây, cô được chẩn đoán nhiễm trùng cấp tính và áp xe ở vị trí nhổ răng. Sau khi được bác sĩ điều trị, cô trở về nhà.

Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn: Bác sĩ chỉ ra những lưu ý sống còn - Ảnh 1.

Đến ngày 15/5, cơn đau lại tiếp tục hành hạ. Cô đến phòng khám và được chuyển qua bệnh viện Santa Casa trong tình trạng nhiễm trùng mặt cấp tính và áp xe răng tại vị trí nhổ răng khôn. Được điều trị tích cực nhưng chỉ sau 2 ngày, Silva bị ngừng tim 2 lần và qua đời.

Nhiễm trùng răng vốn không hiếm gặp. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, tại Hoa Kỳ, có khoảng 2 triệu người đến các khoa cấp cứu của bệnh viện vì đau răng mỗi năm.

Theo nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, nhiễm trùng răng có liên quan đến nguy cơ tử vong từ 10 - 40%. Nhờ thuốc kháng sinh và vệ sinh răng miệng được cải thiện, tử vong do nhiễm trùng răng miệng hiện nay cực kỳ hiếm gặp.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nhiễm trùng răng miệng có thể lan sang các vùng khác của cơ thể. Chúng bắt đầu từ hàm, cổ, lên đến não. Đó là lúc các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể phát sinh. Trong quá trình nhổ răng khôn, những vi khuẩn gây hại này có nhiều cơ hội xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng.

Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn: Bác sĩ chỉ ra những lưu ý sống còn - Ảnh 2.

Lưu ý nhổ răng khôn, tránh biến chứng nguy hiểm gây tử vong

Theo BS Nguyễn Thanh Tuấn (chuyên khoa Răng Hàm Mặt, làm việc tại Hà Nội), răng khôn hay còn gọi là răng số 8. Đây là răng nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm, không có nhiều chức năng ăn nhai. Răng khôn chỉ xuất hiện ở người trưởng thành từ 16-30 tuổi.

Vì là chiếc răng mọc cuối cùng trong vòm miệng nên thường không có đủ không gian để răng khôn có thể phát triển bình thường. Răng khôn thường mọc lệch, mọc chen và xô lệch vào răng khác. Chính vì thế, nó thường gây nhiều đau nhức, khó chịu và có thể hình thành các biến chứng nguy hiểm.

Khi nhổ răng khôn cũng có rủi ro biến chứng cao hơn so với các răng bình thường. Một trong những biến chứng phổ biến nhất là viêm ổ răng và nhiễm trùng, nhiễm trùng máu, tổn thương dây thần kinh...

Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn: Bác sĩ chỉ ra những lưu ý sống còn - Ảnh 3.

BS Nguyễn Thanh Tuấn.

"Tiểu phẫu nhổ răng khôn liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu xoang hàm, dây thần kinh… nên không thể thực hiện các phương pháp giải phẫu chuyên biệt", BS Tuấn nói.

Do đó, với những người mắc các bệnh lý toàn thân như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông máu… răng khôn sẽ được giữ lại. Vì vậy, để tránh những biến chứng hậu phẫu, hãy trao đổi rõ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh lý của mình trước đó.

Bác sĩ Tuấn cho rằng, để giảm thiểu và ngăn ngừa nguy cơ gặp biến chứng sau khi nhổ bỏ răng khôn, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng trước khi tiến hành phẫu thuật. Sau khi nhổ, cần thực hiện theo chỉ định của nha sĩ về việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng.

"Nhổ răng khôn không được tiến hành tùy ý mà cần có chỉ định của bác sĩ", BS Tuấn nhấn mạnh.

Sau khi nhổ răng khôn, để vết thương mau lành và không bị nhiễm trùng, BS Tuấn lưu ý, người bệnh nên đợi hết thuốc tê mới bắt đầu ăn. Đồng thời, bệnh nhân tuân thủ nguyên tắc sau:

Cô gái 23 tuổi tử vong sau nhổ răng khôn: Bác sĩ chỉ ra những lưu ý sống còn - Ảnh 4.

- Đối với hiện tượng chảy máu sau nhổ răng khôn: Máu sẽ rỉ ra từ vết thương trong ngày đầu nhổ răng khôn. Bạn cần hạn chế nhổ quá nhiều để tránh làm bật cục máu đông từ vết nhổ. Hãy thay gạc nhiều lần theo sự hướng dẫn, dặn dò của nha sĩ.

- Dùng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, tylenol, aspirin và các thuốc giảm đau khác được kê theo toa của nha sĩ sẽ góp phần giúp bạn giảm đau. Sử dụng túi chườm lạnh là một trong những phương pháp đơn giản cho việc giải quyết những cơn đau kéo dài.

- Vệ sinh răng miệng và ăn uống: Sau khi nhổ răng khôn, bạn có thể làm vệ sinh răng miệng bình thường nhưng hãy nhẹ nhàng với khu vực vừa nhổ răng xong. Đánh răng và súc miệng nhẹ nhàng, tránh việc làm tổn thương vùng mới nhổ.

- Chế độ ăn uống: Bạn cần chuyển đổi sang sử dụng những loại thực phẩm dạng lỏng và mềm, dạng nguội, tránh các loại quá cứng. Nên ăn cháo, súp, nước hầm… Tránh những thực phẩm giòn, cứng, dai vì sẽ làm tổn thương đến vết nhổ.

- Tuyệt đối không dùng ống hút vì có nguy cơ cao làm bật cục máu đông ra ngoài lợi. Đồng thời cần tránh các sản phẩm có chứa caffeine, cồn, các loại nước ngọt. Đặc biệt không được hút thuốc lá ít nhất 24 tiếng sau khi nhổ răng khôn.

"Hãy tuân thủ những lưu ý trên để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng. Đồng thời hạn chế được những biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn", BS Tuấn lưu ý thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm