Cô gái khiếm thị lái máy bay xuyên Mỹ

Phương Thanh (dịch)
15/10/2022 - 23:07
Cô gái khiếm thị lái máy bay xuyên Mỹ

Kaiya Armstrong - cô gái lái máy bay xuyên Mỹ. Ảnh: express.co.uk

Cô gái không may bị khiếm thị đã hoàn thành chuyến phiêu lưu xuyên Mỹ kéo dài 5 ngày trong sự cổ vũ của đám đông người ủng hộ.

Khi chiếc phi cơ hạng nhẹ hạ cánh, Kaiya Armstrong (22 tuổi) rời buồng lái, cùng chiếc gậy dò đường tiến về những người ủng hộ. Đám đông hò reo, chúc mừng kỳ tích đáng kinh ngạc của cô gái trẻ không may bị khiếm thị: "Làm tốt lắm, Kaiya! Làm tốt lắm!".

Chuyến hạ cánh xuống sân bay College Park (bang Maryland) đánh dấu kết thúc tốt đẹp của chuyến hành trình 5 ngày xuyên Mỹ của Kaiya. Cô đã lái chiếc Cessna xuất phát từ quê nhà Arizona ở tây nam Mỹ đến New Mexico và đi qua miền trung tây Mỹ. Ở chặng cuối, Kaiya bay từ bang Kentucky ở đông nam Mỹ đến sân bay College Park. Chuyến hành trình kéo dài hơn 3.200 km.

Đồng hành cùng Kaiya là một phi công phụ, giúp cô cập nhật những thông tin quan trọng theo thời gian thực và hỗ trợ giao tiếp trong suốt các chặng bay. Theo Tổ chức Quốc tế về Phòng chống mù lòa (IAPB), Kaiya đã đẩy nhanh tiến độ của chuyến bay sớm hơn 1 ngày vì dự báo bão. Dự tính, Kaiya sẽ hạ cánh và kết thúc chuyến hành trình vào ngày 13/10 - ngày Thị giác Thế giới.

imrs.webp

Khoảnh khắc Kaiya bước xuống từ chiếc phi cơ hạng nhẹ Cessna. Ảnh: The Washington Post

Ông Marc Ashton, Giám đốc điều hành IAPB, thông tin, chuyến hành trình của Kaiya được tài trợ bởi Tổ chức vì Trẻ em khiếm thị. Tổ chức có trụ sở tại bang Arizona (Mỹ). Trong suốt 70 năm hoạt động, tổ chức đã và đang giảng dạy khoảng 2.000 học sinh ở mọi độ tuổi, định hướng, hỗ trợ trẻ em khiếm thị trong cách sinh hoạt và sống chung với các bệnh về thị giác. Tổ chức cũng đưa một số thanh thiếu niên đến tham gia buổi hạ cánh của Kaiya trong không khí hồi hộp chờ đợi "kỳ tích".

Ông Ashton chia sẻ: "Khoảnh khắc Kaiya hạ cánh và vinh quang tiến về phía chúng tôi đã thực sự gieo lên niềm tin cho những đứa trẻ". Ngoài ra, ông cũng tiết lộ, chuyến hành trình được thiết kế để truyền cảm hứng, cho thấy nếu một cô gái khiếm thị có thể lái máy bay xuyên Mỹ thì những người dù có hạn chế về thị lực đều có thể trở thành bất cứ ai họ muốn.

Thông điệp cổ vũ trên đã lan tỏa đến các em trong tổ chức khi cả nhóm hồi hộp đợi chờ khoảnh khắc Kaiya hạ cánh. Marilin Huinac, học sinh 16 tuổi, cho biết: "Kaiya thực hiện chuyến bay này vì chúng tôi để cho thấy chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì, giống như Kaiya vẫn thường nói - không gì là không thể".

Thị lực của Kaiya giảm sút kể từ năm cô 14 tuổi. Nhiều lần khi lái xe đạp, Kaiya cảm thấy cảnh vật trở nên mờ nhạt trong vòng vài phút. Bà Kamla Armstrong, mẹ Kaiya, lúc ấy chỉ đơn giản nghĩ con gái đang bị dị ứng với thứ gì đó.

Trải qua 3 cuộc phẫu thuật, tình trạng của Kaiya không tiến triển tốt. Phải qua nhiều năm, các bác sĩ mới có thể đi đến kết luận một căn bệnh tự miễn dịch đã khiến cô gái trở thành người khiếm thị.

Những năm khi thị lực dần suy giảm, Kaiya đã trải qua thời trung học mà không có hỗ trợ về y tế hay về học tập. Cha mẹ Kaiya cho biết cô thường xuyên bị ngã, liên tục va vào các đồ vật. Đến năm cuối cấp, gia đình đã mua cho cô một cây gậy dò đường và học cách sử dụng trên mạng xã hội YouTube.

1665713595008.jpg

Kaiya Armstrong, cô gái khiếm thị lái máy bay xuyên Mỹ. Ảnh: Stuff.co.nz

Tuy nhiên, cuộc đời của Kaiya đã rẻ hướng vào năm 19 tuổi, khi cô biết đến Tổ chức vì Trẻ em khiếm thị. Tổ chức đã hỗ trợ Kaiya học chữ nổi Braille và theo học ngành tội phạm học tại một trường đại học cộng đồng. Ngoài ra, tổ chức đã tạo cơ hội học bay cho Kaiya, điều mà trước đây cô chưa từng tin bản thân có thể làm được. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình, Kaiya đã tham gia một khóa học chuyên sâu kéo dài nhiều tháng.

Trong suốt khóa học, Kaiya được hướng dẫn bởi Tyler Sinclair, người đã giúp cô hiểu tất cả những thao tác trong buồng lái và là phi công phụ trong chuyến hành trình. Tyler chia sẻ: "Kaiya điều khiển chiếc phi cơ suốt các chặng đường, tôi chỉ ở bên cạnh để trò chuyện và điều hướng".

"Bầu trời rất yên bình! Thật thú vị khi có thể nhìn thấy những thứ bạn không ngờ sẽ được nhìn thấy", chia sẻ từ Kaiya sau khi hạ cánh. Kaiya mô tả thị lực của mình như một "tầm nhìn đường hầm" khi ở trên bầu trời. Tuy nhiên, cô vẫn có thể lờ mờ thấy phong cảnh phía dưới, có thể nhận ra mảng màu xanh của những khu rừng và những hồ nước, khác với những vùng đất cát màu be ở quê nhà Arizona.

Kaiya hy vọng hành trình của mình sẽ đọng lại trong tâm trí những người không may khiếm thị hệt như cảnh sắc rực rỡ từ bầu trời đã đọng lại trong tâm hồn cô gái phi công trẻ. "Đây là một chuyến hành trình tuyệt vời, không chỉ với tôi mà còn với gia đình tôi và cả cộng đồng những người khiếm thị. Đó là điều tôi muốn mọi người nhỡ mãi", Kaiya chia sẻ.

Nguồn: The Washington Post
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm