pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái khỏa thân ngoài đường để chụp ảnh vi phạm quy định gì?
Cô gái chụp ảnh khỏa thân ngoài đường được công an xác định tại TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP HCM đã trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam về vụ việc này.
PV: Thưa luật sư, việc cô gái khỏa thân ngoài đường để cho một nhóm người chụp ảnh tại Bình Dương đã được công an xác định địa điểm diễn ra tại TP Bến Cát. Vậy, hành động khỏa thân hoặc thực hiện các hành vi gợi dục nơi công cộng có vi phạm luật hay không?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Việc khoả thân hoặc mặc quần áo quá hở hang ở những nơi công cộng là một hành vi gây ảnh hưởng rất lớn đến thuần phong, mỹ tục. Đây được coi là những hành vi gây phản cảm, lệch các chuẩn mực xã hội và bị nhiều người chỉ trích, lên án.
Trước đây có Nghị định cũ là Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (có hiệu lực từ ngày 01/9/2010 đến ngày 28/12/2013) đã có chế tài xử phạt đối với hành vi "Không mặc quần, áo hoặc mặc quần, áo lót ở những nơi hội họp đông người hoặc các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế tổ chức xã hội" với mức xử phạt là từ 60.0000 đồng đến 100.000 đồng (Điều 10). Tuy nhiên sau này thay thế Nghị định 73/2010/NĐ-CP (là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/12/2013 đến ngày 01/01/2022 và văn bản đang có hiệu lực là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) lại loại bỏ quy định xử phạt về hành vi này và chưa có bất kỳ một chế tài nào xử lý đối với hành vi khỏa thân đi dưới lòng đường (nơi công cộng).
Như vậy, hiện nay hành vi chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng chưa có chế tài xử lý, tuy nhiên nếu có hành vi đăng ảnh khỏa thân ở nơi công cộng lên mạng xã hội hoặc dùng những bức ảnh khoả thân có mục đích tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy thì tuỳ theo hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" với mức xử phạt lên đến 10 năm tù.
Tại điểm e khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có thể xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu hành vi khỏa thân được xác định là khiêu dâm hoặc kích dục ở nơi công cộng.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nếu bị xác định có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ hoặc sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung dâm ô, đồi trụy, trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
PV: Theo luật sư, việc đề xuất quy định xử lý đối với hành vi khỏa thân nơi công cộng được nhìn nhận như thế nào?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Hiện nay, những hình ảnh khoe thân mang tính gợi dục, thô tục, phản cảm ở nơi công cộng để câu like, câu view đang có xu hướng gia tăng. Việc này không chỉ xảy ra ở một số những người trẻ tuổi mà còn cả những người trưởng thành, không những gây ảnh hưởng và làm lệch lạc suy nghĩ, nhận thức của một bộ phận theo dõi mà còn dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm khi các du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Điều đáng nói là mỗi khi có một sự việc xảy ra thì các cơ quan chức năng luôn lúng túng trong việc xử lý vì chưa có những quy định, chế tài đầy đủ và cụ thể xử phạt với những hành vi này. Hầu hết, hướng giải quyết của những sự việc này đều theo hình thức "nhắc nhở". Thực tế, hiện nay pháp luật chưa có quy định chi tiết về xử phạt đối với hành vi khỏa thân hay chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng, danh lam thắng cảnh.
Như vậy, có thể thấy đây là một trong những thiếu sót liên quan đến vấn đề điều chỉnh hành vi của con người tại nơi công cộng. Điều này gây khó khăn trong việc xử phạt hành vi vi phạm này.
Đã đến lúc pháp luật cần có quy định chế tài thật mạnh với hành vi này mới có thể đủ sức răn đe và phòng ngừa. Để hạn chế tình trạng này, cần phải nâng cao hơn nữa về việc ý thức tuân thủ các quy định chuẩn mực nơi công cộng của người dân nhưng hơn hết là cần tăng cường công tác tuyên truyền về cách ứng xử, các hành vi văn minh nơi công cộng cần điều chỉnh sửa đổi quy định về xử lý liên đến văn hóa thuần phong mỹ tục nơi công cộng. Như vậy mới có thể ngăn chặn những hành vi phản cảm khác.
PV: Tham khảo ở một số quốc gia khác, theo luật sư, các việc như vậy bị xử lý ra sao?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Liên quan đến hành vi tương tự ở nơi chốn công cộng có một số nước khá tự do. Tuy nhiên cũng có nhiều nước trên thế giới không chấp nhận chuyện khỏa thân nơi công cộng, đặc biệt đối với một số nước dưới đây sẽ có những hình phạt khá khắt khe để giải quyết triệt để vấn đề gây nhức nhối này, đơn cử như:
Đa số tiểu bang của Mỹ, những hành vi không đứng đắn như khỏa thân hoặc quan hệ tình dục nơi công cộng bị coi là trái phép và bị xử lý, hình thức xử phạt thường là phạt tiền hoặc giam vài ngày. Tại TP NewYork (Mỹ) trong Bộ luật Hình sự đã nêu rõ ràng: "Một người cố ý phơi bày những phần riêng tư của cơ thể mình theo hình thức quan hệ tình dục nơi công cộng hoặc khỏa thân để chụp ảnh sẽ có thể bị kết án và phải đối mặt với hình phạt tù 90 ngày".
Tại Singapore, các hành vi nêu trên có thể phạt tù 90 ngày hoặc phạt tiền 2.000 đô la Sing. Theo Điều lệ Singapore, điều 27A trong luật ghi rõ: "Bất cứ ai khỏa thân nơi công cộng, hoặc khỏa thân nơi riêng tư nhưng rồi lại phô ra cho mọi người thấy, đều bị coi là vi phạm pháp luật". Mức phạt với vi phạm này lên tới 2.000 đô la Sing và có thể bị phạt tù lên tới 3 tháng hoặc kết hợp cả hai hình phạt này.
PV: Một xã hội văn minh, chấp nhận sự khác biệt, nhưng không có nghĩa đi quá lằn ranh cả đạo đức và pháp luật. Luật sư nhìn nhận điều này như thế nào?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Một xã hội văn minh là xã hội chấp nhận sự khác biệt và đa dạng, nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Để ngăn chặn những hành vi phản cảm và bảo vệ các giá trị cốt lõi, cần có sự đồng lòng của cả dư luận xã hội và các cơ quan pháp luật.
Tôi xin đưa ra một vài ý kiến cá nhân như sau:
+ Cần nâng cao nhận thức trách nhiệm ý thức của người dân và việc này cần được thực hiện liên tục và phổ biến. Các phương tiện truyền thông, trường học và gia đình đều có trách nhiệm lan tỏa những thông điệp đúng đắn, giúp mọi người nhận ra ranh giới giữa tự do cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng.
+ Những hành vi phản cảm hoặc vi phạm đạo đức cần được công khai và lên án mạnh mẽ, không để trở thành tiền lệ xấu. Truyền thông và các tổ chức xã hội cần phải phản ứng kịp thời, đưa ra những trường hợp có dấu hiệu vi phạm về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục để người dân hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của từng hành vi đặc biệt là hành phản cảm nơi công cộng.
+ Các định chế pháp luật cần phải thực hiện đúng chức năng của mình trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, không có ngoại lệ, để đảm bảo rằng mọi người đều phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Việc này không chỉ là răn đe mà còn là bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cá nhân khác trong xã hội.
+ Mỗi người dân cần thấy mình có trách nhiệm trong việc lên tiếng trước những hành vi sai trái. Việc tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào các chính sách, hay đơn giản là bày tỏ thái độ rõ ràng trên các nền tảng truyền thông xã hội đều có thể tạo nên sự thay đổi tích cực.