Chính trị - Xã hội

Cô giáo của trẻ khiếm thính: 'Nếu mình bỏ cuộc thì ai sẽ dạy các con biết đọc, biết viết?'

22/07/2019 - 11:50 AM
Tôi gặp cô giáo Nguyễn Bích Hảo lúc cô đang tranh thủ cuối giờ để giảng bài thêm cho một số học sinh khiếm thính chậm tiếp thu. Người phụ nữ có nụ cười nhân hậu ấy thoạt nhìn đã cho chúng tôi cảm giác ấm áp, tin tưởng.

Mọi nhọc nhằn biến thành niềm vui 

Nói về quãng thời gian hơn 30 năm gắn bó với những học sinh khiếm thính, cô nhẹ nhàng chia sẻ: “Nghề giáo đã cho tôi rất nhiều, đó là sự yêu thương, sự học hỏi, kiên trì nhẫn nại và cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt học sinh và sự tin tưởng của phụ huynh khi trao gửi những đứa con của họ cho chúng tôi”.

 

img_3760_1600x1067.jpg
Cô Nguyễn Bích Hảo với học trò

 

Cô giáo Bích Hảo với trái tim yêu nghề, yêu người đã khiến mọi nhọc nhằn biến thành niềm vui, những thứ mất lại hóa thành được. Có lẽ, cái cô được nhiều nhất là niềm hạnh phúc khi những đứa trẻ khiếm thính có thể hòa nhập và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời.

 

Cô kể, vào năm 1988 khi cầm tấm bằng Cao đẳng Sư phạm trong tay, cô được phân công giảng dạy tại trường dạy trẻ Điếc Xã Đàn (Q.Đống Đa, Hà Nội). Đây là ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em câm điếc học theo chương trình tiểu học. Tuy may mắn hơn nhiều giáo viên khác là được dạy ở nội thành nhưng cô Hảo cũng không khỏi bỡ ngỡ bởi vào thời của cô chưa có lớp đào đào tạo giáo viên dạy trẻ khiếm thính như bây giờ, nên khi mới đi dạy, cô và nhiều đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và giảng dạy.

 

“Nhiều lúc, cảm thấy lực bất tòng tâm và thấy mình kém cỏi khi không thể giúp các con những kiến thức cơ bản như những đứa trẻ bình thường. Nhưng rồi lại nghĩ nếu mình bỏ cuộc thì ai sẽ là người dạy các con biết đọc, biết viết? Rồi những người con ấy, những cuộc đời ấy sẽ ra sao khi chúng không thể hòa nhập với xã hội? Nếu mình chán nản thì cũng sẽ có nhiều đồng nghiệp khác buông xuôi, nản lòng. Nhưng nếu mình quyết tâm thì nhiều người khác cũng có thêm động lực. Vì thế, tôi đã cố gắng dạy nhiều môn học từ tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội, khoa học, lịch sử, địa lý, đạo đức cho các em”, cô Hảo nhớ lại.

 

Giai đoạn đầu trẻ không nói được hoặc giáo viên nói mà trẻ không hiểu thì bản thân cả giáo viên và cả trẻ đều bị ức chế. Những lúc như vậy đòi hỏi giáo viên phải thực sự kiên trì, tìm cách hiểu trẻ cũng như giải thích cho các con hiểu...

 

img_1842_1600x1067.jpg
 

Chăm chút cho giáo án  

Không phụ công cô, dần dần, cùng với thời gian và với quyết tâm của mình, cô đã tìm cách sưu tầm tài liệu, tự làm các đồ dùng dạy học, và học ngay từ chính những học sinh của cô dạy, quan sát xem chúng giao tiếp như thế nào, từ đó tìm ra cách giao tiếp và phương pháp giảng dạy cho trẻ khiếm thính. Khi ấy, tài liệu dạy học cho trẻ khiếm thính rất hiếm hoi và khó tìm chứ không dễ như bây giờ, còn đồ dùng dạy học cho trẻ bình thường còn rất hiếm, nói gì đến đồ dùng dạy học cho trẻ khiếm thính.

 

img_1766_1600x1067.jpg
Cô giáo Bích Hảo với trái tim yêu nghề, yêu người đã khiến mọi nhọc nhằn biến thành niềm vui, những thứ mất lại hóa thành được

 

Hiểu được tâm huyết của cô, từ năm 1996 đến 1998, cô được nhà trường cử đi học lớp đào tạo giáo viên sư phạm giáo dục đặc biệt chuyên ngành khiếm thính. Đây là khóa đầu tiên ở Việt Nam do Ủy ban II Hà Lan kết hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức. Từ đó, cô càng tự tin hơn trong công tác giáo dục trẻ khiếm thính.

 

Có được kiến thức trong tay, nhưng vận dụng thế nào cũng là cả một quãng đường dài gian khó. Nhiều đêm thức trắng, trăn trở bên những trang giáo án, cô giáo Bích Hảo đã tìm mọi cách để giảm tải về nội dung cho trẻ khiếm thính trong khi chương trình học được thiết kế dựa trên chương trình của học sinh bình thường. Khác với giáo án của các giáo viên dạy trẻ bình thường, sự phát triển về nhận thức của trẻ khiếm thính không giống trẻ bình thường cùng độ tuổi mà phụ thuộc rất nhiều vào mức độ khiếm thính, khả năng ngôn ngữ, sự can thiệp sớm cũng như kì vọng và tác động của mỗi gia đình trẻ.

 

Vì vậy mỗi năm, giáo viên dạy trẻ khiếm thính phải soạn lại giáo án, phải điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy... Ngay cả việc chuẩn bị đồ dùng cũng phải thay đổi mỗi năm... Vậy mà năm này qua năm khác, cô Bích Hảo vẫn không ngừng nghiên cứu, mày mò để làm sao có thể truyền tải được nhiều nhất lượng kiến thức cho học sinh.

 

img_3750_1600x1067.jpg
 

Hiểu được nỗi vất vả của cô, gia đình đã động viên và tạo mọi điều kiện giúp cô yên tâm công tác. Nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như các cơ hội để cô và những giáo viên yêu nghề, yêu người có thể tham gia các buổi hội thảo học hỏi chuyên môn. Phụ huynh đã đồng hành cùng giáo viên trong quá trình chăm sóc giáo dục... Đặc biệt là Nhà nước đã có những chính sách động viên cho cán bộ giáo viên dạy trẻ khuyết tật để các giáo viên dạy trẻ khiếm thính có thời gian học hỏi, tìm tòi tài liệu, soạn giáo án, đồ dùng dạy học...

 

Không chỉ dạy kiến thức 

Không chỉ dạy học sinh kiến thức, cô còn dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu tâm lý từng trẻ để giúp các em tự tin chia sẻ suy nghĩ, động viên các em học tập và hướng đến tương lai. Cô hầu như không quên gương mặt học sinh nào mà mình đã chuyên tâm dạy dỗ, thậm chí cô còn nhớ cả hoàn cảnh gia đình của chúng, dõi theo chúng cho đến khi trưởng thành. Khi dạy học, cô vừa phải nắm bắt tâm lý, để các con lệch tuổi nhiều hơn chúng bạn không bị tự ti và tự cô lập.

 

Vào năm 1998, nhà trường thực hiện nhiệm vụ chính trị là giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính, phát triển trường thành trường mẫu về “Can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính” đồng thời thu hút học sinh bình thường ở các bậc học Mầm non - Tiểu học - Trung học Cơ sở. “Sự thay đổi đó giúp cho các trẻ khiếm thính tự tin hơn trong môi trường hòa nhập bởi lẽ tại đây trẻ không những được ở trong một môi trường giao tiếp hòa đồng mà còn được hỗ trợ kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn mà trẻ gặp phải trong quá trình học hòa nhập”, cô xúc động chia sẻ.

 

img_1792_1600x1067.jpg
Cô Hảo dự định sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục gắn bó với các em học sinh khuyết tật

 

Dẫu chỉ còn một năm đứng lớp nhưng với trái tim yêu nghề và mong muốn tiếp tục được cống hiến cho xã hội, giúp đỡ những đứa trẻ thiếu may mắn, cô có dự định sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục gắn bó với các em học sinh khuyết tật. Bởi lẽ, đối với cô, “cho đi là nhận”, cô hy vọng mình sẽ truyền đạt lại những kiến thức và kinh nghiệm thông qua các buổi tư vấn, tập huấn nhằm giúp phụ huynh và giáo viên mới vào nghề có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ khiếm thính.

 

Hơn 30 năm dạy trẻ khiếm thính là hơn 30 năm cô phải hy sinh rất nhiều, thế nhưng, cô khẳng định rằng những người “kĩ sư tâm hồn” như cô có những khó khăn và áp lực lớn bởi sản phẩm mà cô tạo ra là tâm hồn con người chứ không phải là sản phẩm đồ vật. Cô không được phép tạo ra sản phẩm hỏng, vì thế mà cô phải làm bằng cả trái tim và khối óc.

* Hiện tại cô Nguyễn Bích Hảo là chủ nhiệm lớp chuyên biệt 4B22 Trường Tiểu học Xã Đàn (Hà Nội) và phụ trách chuyên môn của trung tâm khiếm thính Hướng Dương.

* Bên cạnh đó, cô còn tham gia các hoạt động thiện nguyện vì trẻ khuyết tật như quyên góp từ các tổ chức và cá nhân hỗ trợ cho các con khiếm thính máy trợ thính, hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa cho trẻ khiếm thính, hỗ trợ kinh phí cho một số học sinh khiếm thính khó khăn...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn