Cô giáo tiểu học bật mí phương pháp dạy con biết đọc thành thạo sau 2 tháng

Hiểu Đan
10/08/2023 - 21:55
Cô giáo tiểu học bật mí phương pháp dạy con biết đọc thành thạo sau 2 tháng
Không phải học vẹt hay học thuộc lòng một cách vất vả, nhàm chán. Đây là phương pháp tư duy để con tự đánh vần được tất cả các vần trong Tiếng Việt và biết đọc trong thời gian ngắn.

Khi con chuẩn bị vào lớp 1, bố mẹ vẫn có thể giúp con thuộc bảng chữ cái và một số cách ghép vần đơn giản để con nhanh chóng bắt kịp nhịp học tập với các bạn. Vậy làm sao để dạy con đọc nhanh, nhất là trong giai đoạn "nước rút"?

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội đã áp dụng một phương pháp đọc với rất nhiều học sinh, với cả con gái mình và nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc của các con. Chỉ trong hai tháng, Sushi - con gái cô Ngọc Anh đã biết đánh vần và đọc.

Nhận diện và đánh vần

Phương pháp này áp dụng với các bé đã nhận biết được chữ cái. Cách làm cực kỳ ngắn gọn và đơn giản. Bước đầu, cha mẹ cho con nhận diện hai chữ cái trong vần.

Chẳng hạn với vần "an", cô Ngọc Anh yêu cầu con cho biết âm nào đứng trước, âm nào đứng sau tính từ trái qua phải. Sau khi con gái đã nhận diện được âm a đứng trước, âm n đứng sau, cô chuyển qua bước hai là đánh vần.

"Âm nào đứng trước thì con phát âm ra trước, âm nào đứng sau thì con phát âm sau. Bây giờ đánh vần theo mẹ: “A... n...”. Con đang phát âm chậm đúng không, bây giờ chúng ta sẽ nhanh hơn một chút. Mình sẽ dạy con ghép nhanh, ghép liền hai âm vào như vậy thì mình sẽ được một vần. Tương tự như vậy với tất cả các các vần khác như Om", cô Ngọc Anh hướng dẫn.

Dạy con đọc chữ

Theo cô Ngọc Anh, các con thời gian đầu chưa nhớ và bật ngay ra vần là chuyện bình thường. Bố mẹ cho con nhẩm lại vần nhiều lần. Một thời gian khi con luyện đọc nhiều, con sẽ nhớ được.

Thời điểm học chữ phù hợp là khi nào?

Cô Ngọc Anh cho rằng thời điểm sẵn sàng học chữ ở mỗi đứa trẻ là khác nhau. Bố mẹ nên thử giới thiệu với con, xem con đã muốn tiếp nhận hay chưa. Không nên ép trẻ!

"Ví dụ hồi 3 tuổi rưỡi, Sushi chưa muốn học chữ. Mình chờ đợi thôi. Khi con 4 tuổi, mình thấy con tiếp nhận khá tốt, xem truyện thường hỏi mẹ xem Đây là chữ gì? Nên mình bắt đầu cho con làm quen.

Mỗi chữ cái mình cho con làm quen từ 1 - 2 ngày. Mỗi ngày 15 phút thôi. Thời lượng này có thể tăng dần, tùy vào sự tập trung của con. Sự tập trung cần phải rèn luyện nên chúng ta sẽ làm liên tục và đều đặn với con. Bảo đảm sau 1 tháng, con sẽ tự giác như một thói quen. Các cô giáo ở lớp cũng chỉ rèn các con đều đặn, liên tục và thường xuyên như vậy thôi, không có gì quá phức tạp cả", cô Ngọc Anh nói.

"Mình không yêu cầu cao siêu ở con. Mình chỉ xem học tập là một hoạt động tự nhiên và vui vẻ, mình tôn trọng thời điểm con đón nhận những hoạt động đó. Để không áp lực khi dạy con, mình chỉ có 2 bí quyết thôi. Một là hiểu con, hiểu đúng mức độ nhận thức của con để có phương pháp dạy học phù hợp. Hai là, nếu thay đổi mọi phương pháp mà vẫn chưa thấy con tiến bộ, tốt nhất nên giảm mong cầu ở mình, kiên nhẫn và đón nhận vui vẻ", cô Ngọc Anh nói thêm.

Hãy dạy con bằng tình yêu thương - tình yêu thương thực sự, muốn con khôn lớn, bình an, nên người. Hãy nuôi dưỡng tình yêu thương mỗi ngày. Học cách kiềm chế bản thân, thông cảm và thấu hiểu. Trẻ con không hề muốn chậm hiểu, không hề muốn học kém, không hề muốn bố mẹ chúng buồn. Vậy nên đừng cáu giận với con hay có những lời nói, hành động làm tổn thương chúng.

Nếu bạn quá nóng giận, hãy dừng việc dạy con học lại. Điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Dạy học trong cơn giận chỉ làm tình hình tồi tệ thêm. Đừng giày vò cả mình cả con trong tình trạng đó. Đọc câu thần chú: "Hãy cho con thêm thời gian!", cô Ngọc Anh đưa ra lời khuyên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm