Cô giáo tiểu học với biệt danh 'Người đi xin số 1'

20/11/2019 - 15:40
Sở dĩ cô Huỳnh Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học An Phú 2 (Củ Chi, TPHCM) có biệt danh “Người đi xin số 1” vì mười mấy năm nay, cô ngược xuôi xin sách về mở thư viện cho học trò đọc. Cô còn xin lại những cái ôm của học trò sau mỗi giờ sinh hoạt lớp. Bởi theo cô Phương, khi cả cô trò cùng ôm nhau thì năng lượng tích cực sẽ được lan tỏa.

Mở không gian đọc tại nhà cho trẻ

Từ khi về với học trò ở huyện xa thành phố, cô giáo Huỳnh Thanh Phương thấy học trò của mình thiếu thốn nhiều thứ, không có điểm vui chơi, không có đầy đủ sách báo để đọc. Cô đã tận dụng những mối quan hệ, quyên góp sách cũ với mong muốn lập một tủ sách miễn phí. Cứ cuối tuần, cô lại chạy gần 50km lên thành phố để gom sách cũ. Thậm chí, những dụng cụ học tập, hay áo quần cũ người ta cho cô đều mang về. “Cũ với trẻ em thành phố nhưng sẽ mới với những đứa trẻ ở quê mình”, cô Phương nói.

Sau bao nhiêu cố gắng, thư viện đặc biệt này đã ra đời và được đặt ngay trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng của gia đình cô. Chỉ với gần 3.000 đầu sách nhưng đây đã là một thế giới rộng mở để các em học sinh ở nông thôn thỏa sức vùng vẫy, đưa suy nghĩ và khát khao của mình vượt ra khỏi lũy tre làng.

Cô Phương luôn làm việc thầm lặng và yêu thương học trò bằng trái tim người giáo viên, người mẹ

Giờ đây, sau giờ học, nhiều học sinh lại vào thư viện của cô Phương đọc sách, ngày cuối tuần thì càng đông hơn. Thư viện của cô không đủ bàn ghế, các em có thể đứng, có thể ngồi ké thềm nhà hàng xóm, nhưng các em vẫn thích đến vì ở đây có nhiều bạn và được nói cười cùng nhau. Cô Phương chia sẻ: “Tôi rất muốn nhiều người cùng làm giống mình là đưa sách về cho trẻ em nông thôn. Tôi đã xây dựng thói quen đọc sách cho các bé ở đây, nhưng chưa được số lượng lớn như tôi mong đợi. Tôi mừng là đã có sự tiến triển qua từng năm”.

Để xây dựng được thói quen đọc sách cho trẻ em như ngày hôm nay, thời gian đầu, cô Phương đã gặp nhiều khó khăn. Trẻ em nơi đây chưa có thói quen đọc sách, sau khi mở thư viện, số lượng học sinh đến với cô rất ít. Dân cư ở đây lại thưa thớt, đi lại khá khó khăn, nói đến sách thì trẻ ít khi hào hứng. Vậy là cô Phương đã lên nhiều kế hoạch bài bản để “chiêu dụ” các em. Cô nhờ chồng và một số bạn bè đọc sách cho các em nghe để các em thấy được sự thú vị, hấp dẫn từ sách. Nhiều em  nhỏ chưa biết còn xé rách sách nhưng cô vẫn ân cần chỉ ra điều sai, không mắng mỏ. Biết trẻ ham vui, thích tụ tập, cô Phương tận dụng mọi ngày lễ trong năm như Tết Thiếu nhi, Trung thu... tổ chức ngày hội, phát quà bánh, những món quà nhỏ cho trẻ bằng các nguồn hỗ trợ.

Cô Phương kể: “Tủ sách của tôi lúc trước được mẹ chồng phụ giúp bảo quản, hướng dẫn cho các em tìm kiếm. Nhưng năm nay mẹ đã hơn 80 tuổi, bị tai biến nên không được minh mẫn như xưa. Còn chồng thì cùng tôi đọc sách cho các em nghe mỗi khi có sách mới. Nói chung, phải tìm cách hướng dẫn từ từ. Con nít mà! Đôi khi, phải lôi kéo các em đến với sách từ bánh, kẹo, quà. Trẻ con rất thích được thưởng, được khen, vì vậy mình dựa vào đó mà khuyến khích các cháu đọc”.

Lan tỏa tình yêu bằng những cái ôm chặt

Mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần của lớp cô Phương luôn bắt đầu bằng không khí sôi động, tràn ngập tiếng cười và kết thúc lúc nào cũng bằng những cái ôm hạnh phúc. “Cuối giờ học ngày thường thì tôi phải dặn dò bài vở ngày hôm sau nên không đủ thời gian để thực hiện cái ôm. Tôi thường làm điều này vào cuối tuần, sau giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Giờ sinh hoạt lớp là tổng kết một tuần, em nào tốt thì khen thưởng, em nào vi phạm thì phê bình. Nhưng đến giờ về thì tất cả đều nhận được sự yêu thương của cô”, cô Phương bộc bạch.

Học sinh xếp hàng ôm cô sau giờ sinh hoạt cuối tuần

Cô Phương lý giải: “Khi mình ôm các em thật chặt, sẽ lan tỏa được tình cảm yêu thương như một người mẹ, từ đó đứa trẻ mới dễ gần gũi mình hơn. Cũng nhờ vậy mà có em nào không chịu ôm là mình biết hôm đó em không vui hay không hài lòng chuyện gì, từ đó mình tìm hiểu và giải quyết”.

Kể về điều này, cô Phương nhớ lại: Thông thường, sau mỗi giờ sinh hoạt cuối tuần, các học trò đều ôm cô trước khi ra về nhưng duy nhất, có một bạn nam thì không bao giờ ôm. Lúc đầu, cô cứ tưởng học trò này không vui gì ở mình nhưng khi tìm hiểu thì biết, mẹ em bỏ đi khi em còn rất nhỏ, chưa bao giờ có được vòng tay yêu thương của người mẹ, nên em không quen với việc được yêu thương. “Bất cứ một sự ngỗ nghịch hay hành động nhỏ nào của các em cũng có nguyên nhân cả. Chính vì thế, nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ có những biện pháp để chúng ta giải quyết”, cô Phương tâm sự.

Cô Phương còn kể rằng, những ngày đầu năm học mới, các bé thường có áo mới để đến trường, tuy nhiên có 1 em phải mặc áo cũ. Cô Phương cảm thấy xót xa nên tìm cách xin cho em ấy một chiếc áo mới hơn. Hay mỗi giờ trưa, cô thường hay đi thăm nhà học trò hiểu rõ hoàn cảnh mỗi em.

“Mỗi khi tôi đề nghị đến thăm nhà các em, một số em thì hào hứng mời tôi về nhà ăn cơm nhưng cũng có em bảo rằng nhà em không có cơm. Khi tôi đến nơi thì biết được em mất mẹ từ nhỏ, bà nội tật nguyền nên không nấu được, chị gái đi học 11 giờ mới về mới nấu cơm. Vậy nên tôi hiểu được hoàn cảnh của em đó, tìm cách san sẻ với em. Việc làm của tôi xuất phát từ tình cảm, nhiều lúc làm theo cảm tính nên ít khi được mọi người khen ngợi. Trường hợp nào tôi thấy em ấy không có thì tôi giúp đỡ chứ không chờ đợi xin phép, báo cáo. Vậy nên tôi ít có bằng khen thành tích gì cả. Tôi chỉ dừng lại ở lao động tiên tiến thôi”.

Có lẽ đúng như cô Phương nói, tất cả đều xuất phát từ cái tâm. Chính cái tâm yêu nghề và thương học trò đã giúp cô luôn mang những giờ học hạnh phúc đến cho học trò và cho chính mình trong 11 năm qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm