Có khả năng bị nhiễm COVID-19 và cúm cùng lúc hay không?

An Nhi
08/12/2020 - 16:18
Có khả năng bị nhiễm COVID-19 và cúm cùng lúc hay không?
Dưới đây là những điều cần biết về việc đồng nhiễm bệnh cúm và COVID-19, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào và những người có yếu tố nguy cơ cao mắc cùng lúc hai chủng virus này.

Khi đại dịch COVID-19 tăng cao kỷ lục trên toàn thế giới cũng là lúc diễn biến mùa cúm có dấu hiệu chậm lại. Theo các thống kê, thông thường, vào khoảng giữa tháng 11, bệnh cúm đã bắt đầu bùng phát mạnh, tuy nhiên hiện tại có thể thấy các đợt cúm đang diễn ra khá rải rác. Các chuyên gia y tế đã dự đoán trước được điều này có thể xảy ra nhờ các biện pháp mà nhiều người đang thực hiện để chống lại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mối đe dọa về đại dịch đang ở phía sau chúng ta. Dịch cúm thường không đạt đỉnh cho đến khoảng tháng 2, do đó vẫn có khả năng để virus cúm phát triển và kết hợp cùng COVID-19 lây nhiễm cho con người.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo một đại dịch sẽ gây thêm áp lực lên hệ thống y tế. Theo đó, một phần không nhỏ dân số có thể mắc cả hai loại bệnh truyền nhiễm này trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau đó, số khác có thể không may mắn mắc cả hai bệnh này cùng một lúc.

Hiện tại, một số ít người ở Mỹ, Anh và Trung Quốc đã bị đồng nhiễm COVID-19 và cúm. Mặc dù chưa có nhiều dữ liệu cụ thể về cách các loại virus này tương tác với nhau và mức độ ảnh hưởng của chúng đến cơ thể con người, nhưng các bằng chứng ban đầu đều cho thấy rằng những người cùng lúc mắc cả hai bệnh này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều trị.

Có khả năng bị nhiễm COVID-19 và cúm cùng lúc hay không? - Ảnh 1.

Các bằng chứng ban đầu đều cho thấy rằng những người cùng lúc mắc cả hai bệnh này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều trị. (Ảnh: Internet)

Sự đồng nhiễm hai loại virus lên cơ thể con người diễn ra như thế nào?

Điều đầu tiên cần biết về sự đồng nhiễm COVID-19 và virus cúm là nó có thể xảy ra do hai loại virus này liên kết với các bộ phận khác nhau của cơ thể. Chúng không cạnh tranh với nhau khi lây nhiễm các tế bào của con người.

Theo Dean Winslow - Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Stanford Health Care, một số bằng chứng về các bệnh đồng nhiễm cúm cho thấy có một khả năng nhỏ trong một làn nhiễm virus có thể  giúp hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng ngăn chặn được lần lây nhiễm virus thứ hai tấn công tới các tế bào của chúng ta. Tuy nhiên, khả năng này rất nhỏ và không thể đoán trước được.

Ngoài ra, chuyên gia Winslow cho biết cũng không rõ liệu sự bảo vệ đó chỉ tồn tại giữa các chủng cúm hay liệu nó có khả năng chống lại các chủng virus khác như virus COVID-19 hay không.

  • Tham khảo thêm

    Vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNtech cho hiệu quả phòng ngừa hơn 90%: Các chuyên gia nói gì?

Đồng nhiễm virus cúm và COVID-19 thường gây nguy hiểm hơn

Theo BS Nội khoa điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở Tucson, Arizona – Matthew Heinz, đồng thời là người đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân cùng lúc mắc cả hai virus cúm và COVID-19 cho biết, những bệnh nhân này có nhiều biểu hiện nặng hơn và cũng mất nhiều thời gian để hồi phục hơn so với thông thường.

Các nghiên cứu ban đầu ở Anh, Trung Quốc và Iran cho thấy, những bệnh nhân đồng nhiễm hai chủng virus cúm và COVID-19 thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, đồng thời nguy cơ tử vong cũng cao gấp đôi so với những bệnh nhân chỉ nhiễm COVID-19 và cao gấp 6 lần so với những người không bị nhiễm virus.

Cúm có thể gây hại cho cơ thể tương tự như COVID-19 ở chỗ cả hai loại virus này đều làm giảm nồng độ oxy trong máu, suy giảm miễn dịch và gây ra các vấn đề về hô hấp.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc hai chủng virus này như: người lớn tuổi, người béo phì, ung thư và người mắc bệnh phổi…

Có khả năng bị nhiễm COVID-19 và cúm cùng lúc hay không? - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo nên đi xét nghiệm cả bệnh cúm và COVID-19 và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để ngăn chặn sự lây truyền của các chủng virus này. (Ảnh: huffpost)

Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể không đủ hiệu quả trong việc chống lại cùng lúc hai chủng virus

Theo BS bệnh truyền nhiễm Onyema Ogbuagu, cơ thể có khả năng miễn dịch để chống lại sự lây nhiễm virus. Về lý thuyết, phản ứng miễn dịch đó có thể giúp cơ thể con người chống lại các virus khác ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, đối với một số người, hệ thống miễn dịch chung đó có thể không đủ và thậm chí, ngay cả hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra cho từng loại virus riêng biệt cũng không hiệu quả trong việc chống lại các mầm bệnh do hệ miễn dịch quá kém.

"Hệ thống miễn dịch có thể chống lại được một loại virus, nhưng lại không có hiệu quả với chủng virus còn lại. Do đó việc cần làm là phải tìm ra cách để cùng lúc miễn dịch được cả hai.", BS. Heinz cho biết.

Xét nghiệm cả 2 bệnh trong mùa này là điều cần làm

Lý do là bởi có thể dễ dàng bỏ sót một trong các bệnh nhiễm trùng hoặc chẩn đoán nhầm bệnh này với bệnh khác, nên điều quan trọng là phải thực hiện xét nghiệm cả hai bệnh.

Phương pháp điều trị COVID-19 và bệnh cúm rất khác nhau, do đó bạn cần chắc chắn bản thân mắc bệnh nào để có phương hướng điều trị phù hợp.

Các chuyên gia y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và thu thập dữ liệu về việc đồng nhiễm virus cúm và COVID-19.

Khi thời tiết chuyển lạnh, chúng ta sẽ thấy được sự chuyển biến rõ ràng về cách các bệnh đồng nhiễm đang diễn ra đối với con người. Vì thế, hiện tại các chuyên gia y tế cho biết cách tốt nhất để ngăn ngừa cả hai bệnh có yếu tố lây truyền này là tiếp tục thực hành tốt tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn đã được khuyến nghị.

"Hơn thế, mọi người cũng cần đi tiêm phòng cúm đầy đủ, đồng thời tuân thủ việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn để ngăn ngừa lây nhiễm.". BS. Heinz nói thêm./.

Nguồn: https://www.huffpost.com/entry/covid-19-flu-same-time_l_5fbbdb6dc5b63d1b77057409
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm