Cổ kính làng Phước Tích

02/07/2016 - 10:49
Tọa lạc trên ranh giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nằm cách trung tâm Huế khoảng chừng 45km, làng cổ Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hoà bốn mùa trong xanh.
Làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Ngày 13/6/2009, làng đã được cấp bằng Di tích quốc gia, trở thành làng cổ thứ 2 được nhận bằng sau làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Làng được thành lập vào khoảng thé kỷ 15 cùng với nghề làm gốm nổi tiếng. Lúc đầu làng có tên gọi là Phúc Giang bởi mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc.
Đến thời Tây Sơn, làng đổi thành Hoàng Giang để nhớ đến dòng họ Hoàng đã khai canh lập làng. Đến đời Gia Long, làng đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.
Với ước mong đó, các thế hệ dân cư của làng đã tiếp nối truyền thống, xây dựng lên một làng quê trù phú với những nét văn hóa cổ kính, cảnh quan kiến trúc mang đậm triết lí phương Đông, như văn hóa làng nghề, dòng họ, nhà rường cổ và hệ thống đình, chùa, đền, miếu...

Đầu làng có văn miếu thờ Khổng Tử, các vị hiền nhân, cuối làng có miếu Đôi thờ ngài Khai canh và ngài Bổ nghệ (ông tổ nghề gốm của làng).

Giữa làng là ngôi miếu thờ phụng các vị thần linh, tương truyền đã có từ trước khi lập làng. Bên cạnh vết tích lò gốm cổ còn có bệ tượng yoni cùng những trụ đá của ngôi tháp Chăm...
Hiện nay, trong tổng số 117 nóc nhà của làng Phước Tích vẫn còn 10 nhà thờ họ cổ và 27 ngôi nhà cổ - đa số là nhà rường 3 gian hai chái (còn gọi là nhà bánh ú), có nhà được nối thêm cái “vỏ cua” (hiên thềm) phía trước với những cột, kèo... được chạm khắc công phu - trong đó có 12 nhà rường của các gia đình được xếp vào loại có giá trị đặc biệt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm