Có một trào lưu thách đố trên mạng được phụ huynh khuyến khích

30/01/2018 - 14:31
Thay vì thách thức bản thân làm những điều vô bổ như “đốt trường”, “nhảy lầu”, nhiều bạn trẻ đã hào hứng tham gia trào lưu “thách nhau đọc sách” (Book bucket challenge).
sach.jpg
Book bucket challenge được cộng đồng ủng hộ nhiệt liệt

 

Thử thách ý nghĩa

Bà Phạm Thanh Trà, phụ huynh 1 học sinh cho biết: “Trước đây, tôi cấm con tôi không được lên mạng tham gia các trò thách đố vô bổ, dại dột. Nhưng, nay, tôi lại đang động viên con hãy tham gia phong trào thách đố đọc sách”.

Book bucket challenge xuất hiện cách đây ít năm và được cộng đồng ủng hộ nhiệt liệt. Như năm 2017, mục tiêu của các bạn là phải đọc 15 chủ đề sách cụ thể như: 1 cuốn sách hơn 500 trang, 1 tác phẩm đoạt giải Nobel, 1 sách được chuyển thể thành phim, 1 cuốn sách dựa trên chuyện có thật, 1 cuốn sách lịch sử, 1 cuốn sách tâm lý học, 1 cuốn sách triết học, 1 cuốn sách lấy bối cảnh tương lai, 1 cuốn tự truyện, 1 cuốn được viết bởi tác giả dưới 30 tuổi...

Nhiều bạn trẻ tâm sự: Thách đố nhau đọc sách- tưởng không khó, “nhàn”, nhưng thực ra không dễ thực hiện. Bạn Nguyễn Minh, sinh viên Học viện Ngân hàng TP.HCM tâm sự: Trong thời đại @, internet phát triển, Ipad, điện thoại thông minh sẵn có khiến giới trẻ chỉ say mê công nghệ mà lười đọc sách giấy. Bản thân Minh, bất kỳ lúc nào có thời gian rảnh là theo phản xạ, lại cầm điện thoại lướt facebook. Trong phòng Minh, tivi, máy tính, đầu nghe nhạc đều có, nhưng số sách, truyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một bạn trẻ ở Đà Nẵng trần tình: “Từ lâu rồi, mình quên mất khái niệm đọc sách. Cần tìm hiểu về tác phẩm văn học nào, mình thường tìm xem tác phẩm đó đã được chuyển thể thành phim hay có audio không để xem và nghe cho nhanh”. Bạn trẻ này tuy hiểu rằng, đọc sách sẽ hấp thụ sâu sắc và cảm nhận được vẻ đẹp ngôn từ của tác phẩm, nhưng vẫn bị tính lười đọc chi phối.

Đó là lý do vì sao, thử thách đọc sách đang được hy vọng sẽ góp phần tạo nên thay đổi thói quen, cổ vũ văn hóa đọc trong giới trẻ. “Có thể mình sẽ tham gia thử thách, nhưng hạ chuẩn mục tiêu xuống thấp hơn một chút như đọc hết 10 cuốn sách thay vì 15 cuốn. Dù gì thì đọc ít rồi dần dần tiến tới đọc nhiều còn hơn là không bao giờ bắt đầu đọc”- bạn Nguyễn Thu Huyền, cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội tâm sự.

Kết thúc năm 2017, nhiều bạn trẻ đã hào hứng khoe số sách mình đã đọc được trong năm. Trong số đó, Trần Ngọc Huy, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đọc 45 cuốn, đủ các thể loại.  Huy hào hứng chia sẻ: “Đầu năm 2017, thấy các bạn chia sẻ rầm rộ reading challenge nên mình cũng cũng muốn tạo thói quen đọc sách hàng ngày trong suốt 365 ngày của năm và cuối cùng đây là một trong số ít những lời hứa mình giữ được trong năm nay”.

Đáng mừng hơn cả là các bạn đã có một nơi để chia sẻ về những cuốn sách mình đọc, giới thiệu sách hay cho mọi người…

doc-sach.jpg
Thử thách đọc sách năm 2018 


Cú hích từ gia đình

Căn nhà ở Trần Khát Chân (Hà Nội) của gia đình bạn trẻ Nguyễn Hồng Anh, trường THPT Hà Nội - Amsterdam tuy nhỏ, nhưng luôn có không gian trân trọng đặt tủ sách. Anh Nguyễn Anh Tuấn, bố của Hồng Anh chia sẻ: “Bố mẹ có thể thiếu cơm, nhưng không bao giờ tiếc tiền mua sách cho con. Trong nhà chúng tôi, sách là một tài sản quý”.

Nhờ được nuôi dưỡng trong môi trường như vậy nên từ nhỏ, Hồng Anh đã rất thích đọc sách và biết trân trọng sách. Những chuyến đi chơi thú vị với Hồng Anh chính là được cùng bố mẹ đến hiệu sách. Cũng nhờ đọc sách mà kiến thức, hiểu biết của Hồng Anh khá rộng. Tuy học chuyên về khoa học tự nhiên, nhưng Hồng Anh viết văn, cảm thụ văn học cũng rất tốt.

Thách thức đọc sách chỉ hoàn thành nếu bạn trẻ cảm thấy việc đọc sách là một nhu cầu và đem lại lợi ích cho chính mình. Bạn Linh Lan, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Để việc đọc sách mang lại hiệu quả, sau khi đọc xong, bạn trẻ nên tập thói quen viết lại suy nghĩ, cảm xúc hay những bài học mình nhận được từ cuốn sách đó. “Các bạn hãy thử chinh phục thử thách đọc sách ngay từ bây giờ và đến cuối năm bạn sẽ thấy bản thân mình thay đổi”.

* Anh Nguyễn Anh Tuấn: Muốn trẻ say mê đọc sách thì người lớn phải kiên trì và phải tạo được môi trường cho con. Đặc biệt, nếu người lớn không thích sách, không thường xuyên đọc sách thì không thể làm gương cho trẻ được.

* Chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: Thói quen đọc sách được xây dựng từ khi trẻ còn nhỏ và theo cả một quá trình, tạo thành thói quen. Bạn trẻ ban đầu hãy tìm đọc những cuốn sách theo thể loại mình yêu thích, bởi có thích thì mới cảm thấy hứng thú đọc. Bạn trẻ đừng vội ép mình đọc những cuốn sách khó, quá dày. Các bạn cứ bình tĩnh, khi đã không còn ngại đọc sách sẽ dần dần chuyển qua những thể loại khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm