Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, diễn viên có hưởng lợi?

14/05/2016 - 18:48
‘Đại gia lái tàu’ VIVASO được xem là đã trúng một món hời khi mua được Hãng phim với giá rẻ như thanh lý. Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc mua bán‘ ngôi đền thiêng’ nghệ thuật này.

Sự vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sẽ không xôn xao dư luận đến vậy nếu người mua nó không phải là Tổng công ty vận tải thủy VIVASO và nơi Hãng phim tọa lạc không phải là gần 5 ngàn rưỡi mét vuông sát Hồ Tây.

Một lo ngại của giới chuyên môn là VIVASO chưa từng làm phim, hoàn toàn ngoại đạo với điện ảnh. Trong khi đó, Hãng phim truyện Việt Nam với nhiều dân trong nghề là một “ngôi đền thiêng”. NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, khẳng định không phản đối việc cổ phần hóa nhưng không đồng tình bán hãng phim cho VIVASO. “Không phải họ có tiền là họ nhảy xổ được vào điện ảnh” - đạo diễn Đời cát bức xúc.

Nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Bùi Cường, NSƯT Minh Châu… cũng hoang mang trước số phận của hãng phim khi bị trao vào tay doanh nghiệp vận tải đường thủy. Với cùng một lí giải như NSND Nguyễn Thanh Vân, thương hiệu “anh cả đỏ” của Điện ảnh cách mạng Việt Nam sẽ ra sao, một doanh nghiệp lái tàu sẽ lèo lái con thuyền điện ảnh như thế nào, đó là điều mà những người trong cuộc lo lắng.

vi-tuyen-17.jpg
Bộ phim 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm' là một trong những bộ phim kinh điển của Hãng phim truyện Việt Nam

Từ góc nhìn ngoài cuộc, đạo diễn Khải Hưng cho rằng nỗi lo lắng trên có gì đó không đúng. “Họ (các thành viên của Hãng phim truyện Việt Nam - PV) đang luyến tiếc thì đúng hơn. Họ đã không lo từ hơn 20 năm nay rồi. Ông nào cũng bận rộn cả nhưng toàn việc ở ngoài chứ có phải việc của hãng đâu.” - đạo diễn Khải Hưng nói.

Cá nhân ông cho biết mình cũng luyến tiếc trước việc cổ phần hóa hãng phim mặc dù chưa bao giờ làm ở đây. “Mỗi khi đi qua số 4 Thụy Khuê, tôi lại nhớ về thời trẻ của mình, luôn nhìn vào đó bằng sự ngưỡng vọng, mong được về đây làm chứ không phải về đài truyền hình. Nhưng đó là quá khứ rồi. Họ có quyền tự kiêu, tự hào về truyền thống của hãng, nhưng cũng phải nhìn nhận xem truyền thống đó do ai làm ra. Những người làm ra truyền thống ấy đã hầu như về cõi vĩnh hằng. Người hôm nay phải tạo ra những tự kiêu mới chứ. Nhưng hơn 20 năm nay họ làm gì?”

Về việc đơn vị mua lại hãng là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy, đạo diễn Khải Hưng cho rằng “được mua là tốt rồi. Ai mua mà chẳng được”. Điều đáng quan tâm không phải là doanh nghiệp kia trong ngành hay ngoài ngành, mà là họ sẽ quản trị hãng phim như thế nào sau khi mua lại.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc cũng ngạc nhiên trước  ý kiến không thể trao hãng phim vào tay một doanh nghiệp ngoài ngành như VIVASO. “Nếu không phải VIVASO mà là Vinamilk hay Vietnam Airlines thì cũng chê họ chỉ biết sản xuất sữa và lái máy bay chứ không biết làm phim hay sao? Họ không cần biết làm phim, bởi vì họ sẽ thuê những người giỏi về làm phim làm cho họ”.

Đồng quan điểm, đạo diễn - diễn viên Quốc Tuấn thẳng thắn: “Hãy chỉ cho tôi một cái tên nếu không phải là VIVASO. Nếu không phải doanh nghiệp này thì là ai?”

Theo nam diễn viên của Những người sống bên tôi, rất nhiều nghệ sĩ kêu ca việc VIVASO mua lại hãng phim. Ít người chấp nhận thực tế là không có doanh nghiệp đang hoạt động điện ảnh nào có thể mua lại hãng. “Các doanh nghiệp điện ảnh ở Việt Nam không có ai đủ mạnh. Kể cả thị trường phía Nam, họ cũng đang hoạt động rất khó khăn”.

Là “người trong cuộc”, đạo diễn Quốc Tuấn ủng hộ hoàn toàn việc cổ phần hóa hãng phim. Cá nhân anh cũng không có gì luyến tiếc. “Người ta cứ nhìn vào quá khứ rồi nghĩ hãng phim nó giá trị lắm. Thử lên hãng phim một lần xem còn gì đáng giá. Hãng chết hẳn rồi, tê liệt hẳn rồi. Mấy năm nay, anh em chỉ được hưởng 75% lương cơ bản rồi trông chờ nhà nước đặt hàng. Phim làm ra cả trăm tỉ nhưng chỉ chiếu được vài suất miễn phí cho sinh viên xem rồi cất kho. Việc cổ phần hóa sẽ chấm dứt tình trạng này. Anh em nghệ sĩ chắc chắn sẽ được lợi. Cái lợi đầu tiên là được quyền chọn người lãnh đạo, sau đó là được chọn đạo diễn, chọn diễn viên, chứ không phải chờ ai đó chỉ định. Nhờ thế anh em sẽ được tạo điều kiện để được làm nghề, được sáng tạo nghệ thuật”.

nsnd-minh-chau.jpg
NSND Minh Châu về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam từ khi ra trường vào năm 1977 đến khi về hưu, với gần 40 năm gắn bó. Nữ diễn viên ghi dấu ấn trong lòng khán giả với nhiều vai diễn như Nguyệt trong Cô gái trên sông và Liên trong Người đàn bà nghịch cát

Trước nghi vấn bản chất của phi vụ VIVASO mua lại hãng phim là vì mảnh đất vàng số 4 Thụy Khuê, đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng đã có những cam kết ràng buộc để VIVASO phải đầu tư lợi nhuận vào điện ảnh nên không lo lắng. “Ai cũng biết số 4 Thụy Khuê là đất vàng, nhiều người nhòm ngó. Chính vì thế nên hãng phim chưa bao giờ có được sổ đỏ trong tay dù đã đề nghị nhiều lần. Đó là đất thuê nên không phải VIVASO muốn làm gì cũng được”.

Đạo diễn Khải Hưng thì lạc quan: “Đất hãng phim tọa lạc là đất thuê nên VIVASO muốn sử dụng gì cũng đều phải thông qua nhà nước. Kể cả VIVASO có sử dụng mảnh đất này để đầu tư thêm ngoài điện ảnh, cũng là cái tốt. Họ phải có vốn thì mới đầu tư cho điện ảnh được chứ. Đấy là lấy ngắn nuôi dài”. Ông cũng kì vọng vào sự thay đổi tích cực của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi hoàn thành cổ phần hóa. “Nói là hãng sẽ có những bộ phim thành công trong thời gian tới thì khó. Nhất là trong bối cảnh hiện nay. Song chắc chắn khán giả sẽ không còn phải nghe thấy tin tức về những bộ phim trăm tỉ cất kho của hãng. Có thể sẽ là những bộ phim nghìn tỉ ra đời, nhưng xứng với giá trị của nghìn tỉ đó”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm