pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán tìm đường xuất ngoại
VNG tìm đường xuất ngoại
Trước đó, trong một thời gian dài khoảng 5 tháng, mã cổ phiếu VNZ (Công ty CP VNG, UPCOM) luôn duy trì giao dịch với thị giá dưới 800.000 đồng/cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ ngày mã cổ phiếu "kỳ lân" công nghệ VNG sẽ giảm. Tuy nhiên, ngược lại, từ đầu tháng 8 đến nay, VNZ lại có động thái tăng đột biến, vượt mốc 1 triệu đồng.
Thời điểm đánh dấu cho đà tăng của VNZ bắt đầu từ phiên ngày 7/8, từ mức 740.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên hôm nay, VNZ cán mốc 1.240.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới 10,7% so với phiên hôm qua.
Đây chưa phải là thời điểm "đỉnh cao" của mã cổ phiếu này. Bởi, vào giữa tháng 2/2023, VNZ đã chạm ngưỡng 1.300.000 đồng/cổ phiếu trước khi thị trường điều chỉnh và duy trì ở mức khoảng 800.000 đồng.
Sự bùng nổ trở lại của VNZ cùng với thời điểm VNG công bố thông tin đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký lên sàn chứng khoán Mỹ. Như vậy, "theo chân" Vinfast, VNG trở thành doanh nghiệp Việt Nam tiếp theo mang ước mơ vươn ra quốc tế.
Cụ thể, VNG Limited (cổ đông của VNG) dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq, với mã giao dịch là VNG. Các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt mở bán này gồm có: Citigroup Global Market Inc., UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc., Morgan Stanlet & Co.LLC. Hiện tại, quy mô giao dịch cũng như khoảng giá chào bán chưa được xác định.
Hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh và chưa được Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) công bố hiệu lực. Song, đây vẫn là một tác động không hề nhỏ tới VNG cũng như cổ phiếu VNZ sau thành công vang dội của Vinfast khi đưa cổ phiếu VFS lên niêm yết trên Nasdaq.
Thành lập năm 2004, VNG hiện là công ty công nghệ dẫn đầu thị trường Việt Nam, hay còn gọi là "kỳ lân" công nghệ. Danh mục sản phẩm và dịch vụ của VNG đa dạng thuộc 4 nhóm chính: Nền tảng kết nối, Trò chơi trực tuyến, Thanh toán điện tử và Chuyển đổi số. Một số sản phẩm tiêu biểu của VNG: Zalo, ZaloPay, Zing MP3,...
Với ước mơ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán quốc tế của chủ tịch HĐQT VNG, ông Lê Hồng Minh, năm 2017, VNG đã ký kết bản ghi nhớ với Sàn Giao dịch Chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Theo đó, Nasdaq sẽ tư vấn, đồng thời, hỗ trợ VNG niêm yết trên sàn, quá trình được cho là mất khoảng 2-3 năm.
Năm 2021, theo Bloomberg, VNG đã chọn hướng niêm yết thông qua việc sát nhập với một công ty SPAC (công ty rỗng) nhằm giúp rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp Việt, cũng như được pháp luật Mỹ cho phép. Phương thức này khá tương đồng với cách Vinfast đưa cổ phiếu VFS lên sàn Nasdaq ngày 15/8 vừa qua.