pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cổ phiếu VHC của "bà trùm" thủy sản Vĩnh Hoàn bật tăng lại vùng cao nhất 16 tháng
Cổ phiếu VHC của “bà trùm” ngành thủy sản bật tăng lại vùng đỉnh sau 16 tháng. Ảnh minh hoạ
Ngay từ phiên sáng đầu tuần 26/2, nhóm cổ phiếu thủy sản bất ngờ tăng vọt, hút mạnh dòng tiền, bất chấp tình trạng đỏ điểm của thị trường trước đó. Nổi bật là VHC khi biên độ tăng mở rộng gần 7%, đạt với 69.100 đồng/cp, khớp lệnh 2,8 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2023.
Kết thúc phiên hôm nay (27/2), cổ phiếu VHC của "nữ hoàng" cá tra Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục đà tăng lên 70.700 đồng/cp, về mốc 70.000 đồng/cp sau 16 tháng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp tăng của doanh nghiệp này.
Được biết, cổ phiếu VHC chính thức niêm yết tại thị trường chứng khoán vào năm 2007, sau 13 năm lên sàn, VHC từng đạt thị giá cao nhất kỷ lục vượt 90.000 đồng/cp vào đầu tháng 6/2022.
Diến biến này được ghi nhận trong bối cảnh tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm của ngành thủy sản đã, đang và được dự báo tiếp tục tăng trưởng.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2024. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, cá basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.
Tại VHC, theo công bố tình hình kinh doanh tháng 1/2024, doanh thu đạt 921 tỷ đồng, tăng mạnh 102% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tại các thị trường đều ở mức cao, trong đó, Trung Quốc và nội địa tăng vọt là 259% và 137%. Thị trường nội địa - Việt Nam vẫn là thị trường giúp VHC đạt doanh thu cao nhất với 325 tỷ đồng.
Xét về sản phẩm, mảng cá tra đóng góp tới gần một nửa tổng doanh thu với 448 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Các mảng sản phẩm phụ, sản phẩm khác, bánh phồng tôm cũng lần lượt tăng trưởng mạnh, lần lượt 226%, 142% và 78%.
Phía doanh nghiệp cho biết, năm nay thị trường xuất khẩu sẽ có diễn biến tích cực. Trong đó, VHC được hưởng lợi khi EU mới quy định, cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%. Loại thủy sản cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam này, bao gồm cả các sản phẩm được chế biến tại Trung Quốc nhưng có nguồn gốc từ Nga, không còn được hưởng ưu đãi thuế 0%, điều này góp phần mở rộng dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Hơn nữa, từ cuối tháng 12/2023, Mỹ đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nga, không cho phép thủy sản Nga vào Mỹ thông qua nước thứ ba, mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra cho Việt Nam.
Trong năm 2023, VHC đạt 10.039 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm mạnh gần 53%, xuống còn khoảng 950 tỷ đồng.
Với kết quả này, VHC đã không hoàn thành kế hoạch về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế, cụ thể, doanh thu đạt 88% và lợi nhuận đạt 95% so với kế hoạch (11.500 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại VHC 10 năm qua
Quan sát tình hình kinh doanh 10 năm qua tại Vĩnh Hoàn, có thể thấy, năm 2023, doanh thu và lợi nhuận đã giảm đi đáng kể so với năm 2022 trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, so với các năm khác, kết quả kinh doanh năm 2023 vẫn tương đối khả quan.
Tính đến cuối năm 2023, VHC ghi nhận tổng tài sản tăng nhẹ gần 300 tỷ đồng, lên 11.806 tỷ đồng, gồm: 72,6% là vốn chủ sở hữu và 27,4% là nợ phải trả.
Danh mục hàng tồn kho lên mức hơn 3.600 tỷ đồng, tăng tương đương 28,4% so với thời điểm cuối năm 2022.