Cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục

14/10/2019 - 20:47
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Tham gia Lễ công bố có ông Lê Hồng Quang, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam…; đại diện của các tổ chức quốc tế ISDS, Oxfam, Save the Childlren, UN Women, UNFPA, UNDP, tổ chức Rồng Xanh và một số tổ chức quốc tế khác. Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chủ trì Lễ công bố.

Trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

 

 

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội xâm phạm tình dục như làm rõ về chủ thể phạm tội; cụ thể hóa hành vi phạm tội; mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; sửa đổi, bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này và bổ sung Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức… Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

 

Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ phát biểu công bố Nghị quyết

 

Phát biểu công bố Nghị quyết, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong Tòa án nhân dân và kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ trẻ em; ngày 20/9/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2019.

Nhằm thông tin sâu rộng các nội dung hướng dẫn của Nghị quyết đến các Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án để nghiêm túc thực hiện; đồng thời, giới thiệu Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân để theo dõi, giám sát, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức công bố Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Phát biểu tại Lễ công bố, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đánh giá cao việc Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, công bố Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; việc công bố Nghị quyết số 06 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Tòa án nhân dân tối cao trong công tác tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục và tăng cường tiếp cận công lý của trẻ em.

 

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, phát biểu tại Lễ công bố

 

Bà Rana Flowers nhấn mạnh, với việc định nghĩa chi tiết nhiều hình thức hình thức xâm hại tình dục và tình tiết tăng nặng, sử dụng ngôn ngữ trung lập về giới, Nghị quyết đã tạo nên một cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Chiều cùng ngày, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến để truyền đạt nội dung Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi đến cán bộ, công chức, Thẩm phán trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm