pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có thưởng Tết thì mừng, không có cũng chẳng sao
Sau 1 năm làm việc chăm chỉ, mong được thưởng Tết là nỗi niềm chung của phần đông dân văn phòng. Bởi đối với nhiều người, thưởng Tết như một “chứng nhận” cho thành tích làm việc cả năm. Do vậy, rất nhiều người kì vọng sẽ nhận được mức thưởng cao, xứng đáng với công sức của mình.
Ngược lại, nhiều bạn trẻ lại có tư tưởng thoáng hơn, họ không quá quan trọng bản thân sẽ được thưởng bao nhiêu. Có thưởng Tết thì mừng, không có cũng chẳng sao. Tư duy này đôi khi khiến họ cảm thấy không còn áp lực, như trút một gánh nặng về những nỗi lo tiền bạc.
Thu nhập ổn định nên không quá mong thưởng Tết
Minh Quang (23 tuổi, Hà Nội) nghỉ việc từ giữa năm 2022, hiện đang làm freelance trong lĩnh vực Marketing, cho biết, từ lâu anh đã quen với việc mọi người rục rịch hóng thưởng Tết, còn bản thân lại cảm thấy bình thường. Từ trước đến nay, Minh Quang luôn quan niệm công việc và quyền lợi của mỗi người là khác nhau nên không có gì phải so bì. Hơn nữa giờ làm việc tự do, không có thưởng Tết là điều hiển nhiên.
Dẫu vậy, mức thu nhập hàng tháng của Minh Quang lại có phần nhỉnh hơn so với công việc đi làm bình thường. Do vậy, dù không có thưởng Tết, anh vẫn cảm thấy ổn và không có gì khó khăn trong chi tiêu.
Còn đối với Hiền Linh (22 tuổi) mới bắt đầu làm việc tại một agency cho hay bản thân cũng khá háo hức với thưởng Tết ở công ty mới, song cô lại không quan trọng mức thưởng cao hay thấp. Hiền Linh cho rằng, thưởng là cách để làm giảm áp lực công việc, bù lại cho những lúc đuối sức nên dù có bao nhiêu cũng đáng trân trọng, không cần suy nghĩ quá nhiều.
“Hiện tại mình là nhân sự mới nên không rõ mức thưởng của công ty sẽ như thế nào. Nhưng ai đi làm cũng mong cuối năm được nhận thưởng, mình cũng vậy nhưng không đặt nặng quá. Có thì vui hơn, thêm động lực hơn còn không có cũng không sao, mình sẽ thích ứng chi tiêu với lương cứng. Bởi thu nhập hàng tháng của mình cũng đã ở mức ổn định rồi”, Hiền Linh nói.
Không tiếc thưởng Tết, vẫn nghỉ việc vì sang công ty mới lương cao hơn
Nếu nhiều người không dám nhảy việc cuối năm vì tiếc thưởng Tết thì có không ít bạn trẻ lại quyết định nghỉ việc, tìm một “bến đỗ” mới ở thời điểm này. Họ không mang tâm lý phải chờ nhận thưởng mà vẫn lựa chọn chuyển việc vì tin rằng công việc mới sẽ mang đến nguồn thu nhập cao hơn, đáng mong chờ hơn.
Quỳnh Như (27 tuổi), làm việc trong lĩnh vực IT vừa mới chuyển sang công ty mới trước Tết Dương lịch. Khi chỉ còn khoảng 2 tháng là được nhận thưởng Tết, Quỳnh Như vẫn không cảm thấy tiếc nuối vì hiện tại, mức thu nhập ở môi trường mới khá tốt.
Cô chia sẻ: “Nhiều người cảm thấy áp lực vì không có thưởng Tết nhưng nếu tính trên mức thu nhập, nghỉ việc thời điểm này với mình là lựa chọn tốt hơn. Cuối năm các công ty thiếu nguồn lực, phỏng vấn và thỏa thuận lương khá dễ. Chưa kể để thu hút nhân viên, học sẽ có những khoản thưởng nửa hoặc cả tháng lương tương đương với lương tháng 13. Do vậy, mình không thấy tiếc nuối”.
Tương tự như vậy, Vũ Tiên (26 tuổi) cũng quyết định “mặc kệ” thưởng Tết vẫn nhảy việc cuối năm. Cô cho biết bản thân đã suy tính kĩ, so sánh giữa mức thưởng Tết với mức lương, chế độ đãi ngộ ở công ty mới trước khi đưa ra lựa chọn. Bởi cô cho rằng, nếu đã chấp nhận bỏ thưởng Tết để đổi lấy cơ hội thay đổi cũng cần phải có quyết định thấu đáo, đúng đắn.
“Bản thân mình không lo lắng về Tết nên khoản thưởng Tết với mình không quá quan trọng. Ngoài ra, mình cũng đã tiết kiệm dư một khoản chi phí đủ cho 6 tháng thời điểm sau khi nghỉ việc nên mình thấy mọi chuyện cũng khá nhẹ nhàng, không phải không có thưởng Tết là sẽ chật vật, xoay sở chi tiêu”, Vũ Tiên chia sẻ.