pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Vị lãnh đạo thuận lòng dân, trọn đời sống và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (*)
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng (15/11/2017). Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Đất nước ta, Nhân dân ta vừa trải qua một mất mát vô cùng lớn lao, khi vào hồi 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hôm nay, tròn 2 tháng, kể từ ngày cố Tổng Bí thư ra đi, trong cuộc sống hàng ngày và trên các nền tảng mạng xã hội, sự tiếc thương, lòng biết ơn và cả nỗi nhớ về một con người với "nhân cách lớn" trong Nhân dân Việt Nam vẫn còn dư âm mạnh mẽ.
Sau tất cả những gì chúng ta được chứng kiến tại thời điểm trước, trong và sau Quốc tang cố Tổng Bí thư, càng khẳng định rằng: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Tôi không phải chính trị gia, không phải nhà khoa học, không phải nhà lý luận hay nghiên cứu, nên chỉ xin bày tỏ sự cảm nhận với tư cách là một đảng viên về cố Tổng Bí thư có tâm, có tầm của Đảng; vị lãnh đạo thuận lòng dân, trọn đời sống và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), giáo sư, tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết với tiêu đề "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng". Bài viết được đăng tải nguyên văn trên nhiều tờ báo lớn; được phổ biến và lan toả trong mọi tầng lớp Nhân dân. Bài viết với hơn 13 ngàn từ đã khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; đồng thời khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; là tiền đề, kim chỉ nam, định hướng trong cương lĩnh hành động của Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đối với tôi, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "vị lãnh đạo thuận lòng dân", bởi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cả đời sống hàng ngày, cố Tổng Bí thư luôn thể hiện tinh thần "lấy dân làm gốc". Trong bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hung", Tổng Bí thư từng khẳng định và nêu rõ: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội Chủ nghĩa.
Còn nhớ, trong lần tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất do Nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của Nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đề ra đường lối chủ trương, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đó là "ba chân kiềng" rất chắc chắn, quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cấp, các ngành phải nắm chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng Nhân dân bởi "đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân". Chính vì thế "ý Đảng" luôn luôn phải quyện với "lòng dân". Tổng Bí thư lưu ý "các chủ thể trong hệ thống chính trị cần phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây", anh nào cũng nghĩ quyền mình to".
Luôn trăn trở với việc chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, ở hầu hết các bài phát biểu, bài viết cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặt quyền lợi và các vấn đề của Nhân dân lên hàng đầu.
Ngày 27/5/2016, phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư bày tỏ rất sâu sắc niềm trăn trở ấy. Ông nói rằng: "Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống Nhân dân. Đảng luôn luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống Nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên của mình. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng có những chính sách, những việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; có những địa phương, những cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong khi ở nhiều nơi, đời sống Nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ, đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của Nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất. Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của Nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục".
Chỉ ra việc "cần tiếp tục quán triệt, vận dụng thật tốt một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc được rút ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá XIII", cố Tổng Bí thư khẳng định: "Phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"… Và: "Từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng "Chân mình còn lấm bê bê; Lại cầm bó đuốc đi rê chân người!".
Câu nói này đã được lan tỏa rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội cùng với nhiều câu nói nổi tiếng, hợp lòng dân khác của Tổng Bí thư như: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!"; Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng"; "Đừng "nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ"…
Trong việc nêu gương, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chống tham ô tham nhũng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thái độ hết sức nghiêm khắc và kiên quyết. Người thường xuyên giáo dục toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn này. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên ký lệnh y án tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đầu tiên trong lịch sử Nhà nước mới. Và câu chuyện này sau nhiều năm đã được sân khấu hoá bằng vở kịch nói "Đêm trắng" từng gây chấn động giới sân khấu Hà Nội và cả nước những năm 1990.
Tiếp nối sự nghiêm khắc và kiên quyết chống tham ô, tham nhũng của những phần tử làm sâu dân, mọt nước, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta phải chứng kiến nhiều vị lãnh đạo Trung ương quản lý lại bị kỉ luật Đảng, cách chức, thôi việc nhiều đến thế. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 5/2024, đã có 105 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật; 21 Ủy viên Trung ương khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026 buộc thôi nhiệm vụ, trong đó 11 người bị khởi tố hoặc kỷ luật. Điều này đã minh chứng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "không có vùng cấm". Đây cũng là điều được lòng dân, hợp lòng dân, củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà người đứng đầu là một tấm gương sáng ngời.
Nhà báo Đăng Trường (Báo Công an Nhân dân) - người có nhiều dịp theo dõi, đưa tin về các cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – từng chia sẻ: "Chẳng phải bằng những bài viết được trau chuốt với ngôn từ khoa học mang nặng tính biểu mẫu mà chính những câu chuyện gần gũi, đời thường với lối diễn đạt thân tình, cởi mở đã khiến cuộc tiếp xúc cử tri tổ chức ngay tại địa bàn, khu phố luôn mang bầu không khí đầm ấm; cử tri đến để lắng nghe, để cảm nhận, để đề đạt với Tổng Bí thư. Chính sự cởi mở, ân tình đó mà cử tri cảm nhận gần gũi hơn, được chia sẻ hơn, từ đó tin tưởng và phát biểu, đề đạt ý kiến, kiến nghị một cách sát thực nhất. Sự cởi mở ấy khơi dậy niềm tin, khơi dậy cảm xúc và tình cảm, xóa đi những rào cản ngăn cách hay ái ngại giữa người dân và lãnh đạo - rào cản có thể khiến họ không muốn hay không dám đề đạt vốn thường gặp giữa cử tri, người dân với những vị cán bộ, lãnh đạo có lối sống quan cách, xa dân. Chúng ta học Bác Hồ từ tư tưởng đến đạo đức, phong cách, học ở sách vở và học ở cuộc sống, ở đời thường. Những buổi tiếp xúc cử tri, những buổi gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện, tìm hiểu, sẻ chia với người dân trong cuộc sống thường nhật như thế này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là hiện thực sinh động về sống và học tâp, làm theo Bác".
Một trong những điều mà những người làm báo, hoạt động trong ngành truyền thông chúng tôi rất dễ nhận ra: nếu cố Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng không thực sự gần dân, có lòng tin trong trái tim Nhân dân thì sẽ không có được những bức ảnh đẹp với mọi tầng Nhân dân và đồng bào dân tộc như thế. Không khó để chúng ta tìm kiếm trên Google và các nền tảng điện tử những bức ảnh, clip đẹp của cố Tổng Bí thư với các tầng lớp Nhân dân các dân tộc Việt Nam. Nụ cười hiền hậu, cử chỉ thân tình, sự quan tâm sâu sắc của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng luôn chạm đến trái tim đồng bào.
Một điều rất đáng trân trọng ở cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phong thái điềm đạm, sự giản dị, dân dã và khiêm nhường của ông. Nếu có dịp về quê hương cố Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, huyện Đông Anh, Hà Nội, chúng ta sẽ được những người dân từ trẻ đến già nơi đây kể không biết bao nhiêu câu chuyện đời thường vô cùng cảm động về ông. Rằng ông luôn xuất hiện trước họ hàng, dân làng một cách bình thường nhất, như người con về với quê hương chứ không phải vị lãnh đạo đứng đầu đất nước; rằng không bao giờ ông đặt tình riêng lên việc chung; rằng ông là tấm gương thực hiện tư ưởng Nho giáo "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"; rằng bận trăm công ngàn việc nhưng không quên ngày giỗ họ, hội làng hay lễ chúc thọ cho các cụ cao niên; rằng cố Tổng Bí thư luôn là "một người con có hiếu của làng"…
Sự khiêm nhường ở cố Tổng Bí thư được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, như ông từng bày tỏ: "Tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà tôi từng bước trưởng thành và phấn đấu làm được một số việc. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc".
Ngày 2/2/2023, phát biểu trong buổi lễ nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ rất chân thành: "Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!".
Trong hơn 13 năm giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản lớn với tư tưởng nhất quán: Lấy con người, lấy nhân dân làm chủ thể phụng sự xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp. Như lời Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm đúc kết trong bài viết về cuộc đời cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Xuyên suốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng con người, lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới".
Tôi xin kể lại ký ức của nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà về câu chuyện chiếc xe Toyota Crown đời 1998 của cố Tổng Bí thư, như một thực tế sinh động về sự tiết kiệm, luôn nghĩ đến dân của ông: Chiếc ôtô này vốn được cấp cho Văn phòng Quốc hội từ năm 1998. Năm 2006, khi nhậm chức, cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp tục sử dụng, dù chiếc xe đã phục vụ lãnh đạo tiền nhiệm gần 8 năm. 5 năm sau (2011), khi được bầu làm Tổng Bí thư, chiếc xe tiếp tục theo ông đến trụ sở làm việc mới. Đến giữa nhiệm kỳ khóa 12, Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất thay xe cho cố Tổng Bí thư vì chiếc Toyota đã cũ, sử dụng nhiều năm. Thế nhưng, ông không đồng ý với lý do: "Xe vẫn đi tốt, công tác xa đã có xe 7 chỗ gầm cao, xa nữa thì có máy bay, chiếc Crown chỉ dùng để đi quanh Hà Nội nên không cần phải đổi. Thay xe sẽ phải thêm chi phí, thêm tiền của nhân dân". Và kể từ đó, chuyện đổi xe không được văn phòng nhắc lại nữa. Ngày 19/7, chiếc xe Toyota "huyền thoại" cuối cùng cũng đã"nghỉ ngơi" theo nhịp chân bước của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể nói, liên tục những năm gần đây, đất nước ta phải hứng chịu nhiều thiên tai dịch hoạ; và trong bối cảnh ấy, chúng ta cũng được chứng kiến một "cuộc cách mạng gạn đục khơi trong" trong hệ thống Đảng, hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ. Với nhận thức của một đảng viên, nhìn ở góc độ xây dựng và tích cực, tôi cho rằng, đó là một cuộc chuyển mình của đất nước và Nhân dân.
Nhìn lại tất cả các cuộc vận động, phong trào xây dựng và kiến thiết đất nước; từ dịch hoạ Covid 19, những vụ hoả hoạn, tai nạn giao thông lớn cho đến bão lũ, sạt lở kinh hoàng vừa qua, chúng ta lại được chứng kiến những làn sóng vô cùng to lớn của sự đoàn kết, của tình người, tình đồng chí, đồng bào. Những điều ấy đã tạo nên sức mạnh huyền thoại của Nhân dân ta. Và đó cũng chính là sự biểu hiện cao nhất của tinh thần học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Không thể kể hết những câu chuyện đẹp về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - vị lãnh đạo thuận lòng dân, trọn đời sống và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Mong rằng, một số cảm nhận còn rất hạn chế của cá nhân tôi về ông sẽ góp một phần vô cùng nhỏ bé làm sáng tỏ hơn về một con người - một nhân cách lớn!
-----------------
(*) Bài tham luận của đảng viên Chi bộ Báo Phụ nữ Việt Nam, tại Hội thảo Chuyên đề Về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" do Hội đồng Khoa học - Đảng uỷ Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 17/9/2024.