pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cô Trúc" đổi gu thời trang khi tái xuất trong "Kẻ tàng hình"
Diễn viên - đạo diễn Mai Thu Huyền
Điện ảnh là mối nhân duyên trong đời
+ Vai Trúc trong phim "Những ngọn nến trong đêm" có thể nói là dấu mốc lớn nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Mai Thu Huyền. Nhắc tới bộ phim này, chắc hẳn chị vẫn còn nhiều ký ức?
Tôi vào vai Trúc sau khi tốt nghiệp đại học, do tâm lý thoải mái nên toàn tâm toàn ý theo ê-kíp làm phim ròng rã 5 tháng trời. Đây là bộ phim tôi dành nhiều tâm huyết và trăn trở. Bộ phim "Những ngọn nến trong đêm" hồi đó là một trong những bộ phim dài tập nhất của VTV, với 18 tập, chiếu ròng rã suốt 18 tuần. Ngày đó, phim truyền hình còn rất ít và các bộ phim chỉ được chiếu vào chiều thứ Bảy, Chủ nhật. Cũng bởi vậy khán giả đón xem từng tập phim, mong chờ những thay đổi trong cuộc đời cô Trúc. Được tham gia bộ phim này chính là may mắn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi.
Tới bây giờ, khi ra đường, khán giả vẫn nhận ra tôi là "Trúc nghiện". Với một người diễn viên, được khán giả nhớ mặt, đặt tên là một niềm hạnh phúc.
+ Thế nhưng, sau khi hoàn thành vai Trúc, chị từng có ý định bỏ điện ảnh?
Đúng vậy. Cho tới năm 2011, khi quyết định thành lập công ty truyền thông giải trí Tincom Media, tôi mới trở lại với điện ảnh và xác định lựa chọn nghệ thuật để làm con đường khởi nghiệp chính của mình. Tôi tham gia lĩnh vực sản xuất phim, sản xuất các chương trình truyền hình và tổ chức sự kiện. Sau khi đã sản xuất khoảng 15 bộ phim điện ảnh và truyền hình, tôi quyết định đi học đạo diễn tại trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM để nâng cao trình độ và nghiệp vụ. Có lẽ, môn nghệ thuật thứ 7 với tôi đã trở thành một mối nhân duyên trong cuộc đời.
+ Đâu là động lực khiến chị chuyển từ một diễn viên sang làm đạo diễn?
Đạo diễn là công việc đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và vô cùng khó khăn vất vả. Thế nhưng, công việc này đem lại cho tôi cảm giác sung sướng đặc biệt khi hoàn thành một tác phẩm. Để trở thành một đạo diễn, tôi luôn trau dồi kiến thức cho bản thân mình bằng cách học, học nữa, học mãi... Tôi rất ham học hỏi và cũng rất chịu khó đi học để cập nhật các kiến thức từ những người thầy có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn. Tôi còn thường xuyên xem phim Việt Nam và nước ngoài để tham khảo, cập nhật những xu hướng làm phim mới và tìm kiếm ý tưởng.
+ Một số bộ phim Việt vừa gặp phải những vấn đề về kiểm duyệt. Là một nhà sản xuất phim, chị có bao giờ rơi vào rắc rối này?
Các phim mà tôi sản xuất từ trước đến giờ chưa khi nào gặp phải vấn đề khó khăn trong khâu kiểm duyệt. Tôi luôn nghĩ việc kiểm duyệt và phân loại phim theo độ tuổi là cần thiết. Một bộ phim không chỉ là một sản phẩm giải trí mà còn có chức năng giáo dục, ảnh hưởng đến nhận thức, quan điểm thẩm mỹ của người xem. Đương nhiên, với những bộ phim bị "tuýt còi", cũng rất cần những cuộc đối thoại giữa Hội đồng duyệt phim và nhà sản xuất để họ có cơ hội chia sẻ quan điểm sáng tác của mình.
Lần đầu tiên vào vai một người yêu đồng giới
+ Đã lâu rồi khán giả truyền hình mới được "gặp" Mai Thu Huyền trên phim truyền hình với vai nữ chính Mỹ Lệ trong bộ phim "Kẻ tàng hình" dài 42 tập của đạo diễn Thái Trình. Điều gì khiến chị nhận lời tham gia bộ phim này?
Nguyên tắc của tôi trong công việc chính là yếu tố kịch bản luôn phải được đặt lên hàng đầu. Kịch bản phim "Kẻ tàng hình" do anh Tùng Dương biên kịch, được viết rất chắc tay và dựa trên một dự án có thật. Diễn biến của "Kẻ tàng hình" vô cùng gay cấn, hấp dẫn, màu sắc nhân vật mới mẻ, khác biệt so với những vai diễn tôi từng đảm nhận. Một nguyên nhân khác là bởi bộ phim do đạo diễn Thái Trình sản xuất. Chúng tôi thân thiết, hiểu và thích cách làm việc của nhau. Đây là lần thứ tư tôi hợp tác với Thái Trình.
+ Chị vừa chia sẻ, đây là một vai diễn mới mẻ, khác biệt. Sự mới mẻ đó thể hiện ở những khía cạnh nào?
Vai diễn của tôi trong "Kẻ tàng hình" rất đa chiều, tính cách có nhiều màu sắc. Đây là lần đầu tiên tôi vào vai tình yêu đồng giới. Lúc đầu, thú thật tôi cũng hơi "choáng" nhưng càng về sau, nhân vật càng kích thích sự sáng tạo trong tôi. Tôi dành nhiều thời gian phân tích nhân vật, đưa ra cách diễn cho bản thân, cách tạo hình nhân vật. Một trong những phần liên quan đến tạo hình là phục trang, hóa trang. Tôi đặt ra tiêu chí, mỗi bộ phim mình tham gia phải có một gu về phong cách. Tôi đề xuất với đạo diễn về phục trang nhân vật với hai màu đen - trắng, vì nhân vật này hai mặt. Chính vì vậy, tôi muốn dùng màu sắc để tăng thêm sự bí ẩn. Phục trang đen - trắng sẽ xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Có duy nhất đoạn quan trọng nhân vật lựa chọn tông màu đỏ do đạo diễn yêu cầu.
Việc vào vai đồng giới thì tôi cũng phải vượt qua chính mình. Tôi vào vai người doanh nhân thành đạt, có đời sống tâm lý, gia đình phức tạp. Đây là bộ phim tâm lý hình sự, có những lực lượng đối đầu với nhau. Các phim khác thường có 2 phe đối đầu nhưng với "Kẻ tàng hình" lại có nhiều phe tội phạm đấu tranh với nhau. Đây là kịch bản vô cùng phức tạp, nhiều tuyến nhân vật.
+ Theo Mai Thu Huyền, đâu là yếu tố để "Kẻ tàng hình" có thể hấp dẫn người xem?
Thứ nhất, kịch bản của "Kẻ tàng hình" có đủ yếu tố gay cấn để lôi cuốn khán giả. Thứ hai là dàn diễn viên hùng hậu, có kinh nghiệm, mọi người diễn xuất rất tốt. Thứ 3, phim được đầu tư chỉn chu, toàn bộ bối cảnh trên Đà Lạt, đoàn phim ở trên đó 3 - 4 tháng để quay liên tục. Kết hợp nhiều yếu tố như thế, tôi tin đây là bộ phim đáng để xem.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!