Sáng 3/1, UBND tỉnh Bình Thuận triệu tập cuộc họp khẩn và trực tuyến với các huyện ven biển để đối phó với cơn bão số 1. Đây là cơn bão trái ngược với quy luật thời tiết nên rất khó lường. Bình Thuận nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai, đã yêu cầu tất cả tàu thuyền và các phương tiện vận tải hoạt động trên biển không đi vào vùng biển nguy hiểm (từ vĩ tuyến 9.0 đến 12.5 độ vĩ bắc, 111.0 độ kinh đông); Sở VH-TT&DL phối hợp với TP Phan Thiết sẵn sàng sơ tán lượng du khách hiện đang lưu trú rất đông ở Mũi Né nếu bão số 1 trực tiếp tác động đến vùng biển Bình Thuận.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan huy động lực lượng ứng phó chủ động. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải hoạt động trên biển. Tổ chức kiểm đếm tàu, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời, hướng dẫn kỹ năng neo đậu tàu thuyền; Yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương rà soát, xác định các vùng trọng điểm khi có bão đổ bộ, triển khai ngay phương án sơ tán dân các vùng nguy cơ. Huy động mọi lực lượng giúp dân xử lý các điểm sạt lở biển như TP Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, các địa phương có lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển như Tuy Phong, Phú Quý.
UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong trực tiếp làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị thi công tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có phương án bảo vệ tuyệt đối người và tài sản nếu có bão đổ bộ.
Các thành viên UBND tỉnh cùng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh phải ngưng các cuộc họp để xuống địa bàn kiểm tra việc phòng chống bão. Từ 10 giờ ngày 3/1, UBND tỉnh có lệnh cấm tàu thuyền hoạt động trên biển để phòng tránh bão số 1.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho rằng bão số 1 có sức gió giật cấp 10, đang hướng vào các địa phương từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Bão tuy không mạnh nhưng diễn biến có thể sẽ rất phức tạp, khó lường, các địa phương và ngư dân không nên chủ quan. Đặc biệt, sau cơn bão 15 và 16 cuối năm 2017, ngư dân đang ra khơi và hiện là cao điểm của mùa khai thác trên ngư trường. Vì thế, các tỉnh phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi đường đi của bão, không cho tàu, thuyền từ đất liền ra khơi trong thời gian bão hoạt động mạnh trên biển. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng phương tiện để ứng cứu ngư dân kịp thời.
Theo báo cáo của Biên phòng Bình Thuận, hiện vẫn còn 1.551 tàu thuyền/ 8.000 ngư dân đang đánh bắt trên biển. Trong đó chỉ có khoảng 100 tàu thuyền đang ở khu vực ngoài khơi đảo Phú Quý, Nam Côn Sơn và chỉ có 5 tàu đang ở khu vực đảo Trường Sa. Ngoài ra, toàn tỉnh có 57 bè/1.160 lồng/235 lao động, nuôi trồng thủy sản trên biển, gồm Tuy Phong, TP Phan Thiết, đảo Phú Quý và huyện Hàm Thuận Nam.