Con bị não úng thủy vì mẹ... sợ siêu âm lúc mang bầu

23/06/2019 - 06:00
Khi mang thai từ tuần thứ 25 trở đi, chị Hà Thị Thu – trú tại Lào Cai không siêu âm vì sợ ảnh hưởng tới con. Hậu quả là em bé của chị sinh ra bị não úng thủy.
Chị Hà Thị Thu vừa được mổ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chị Thu mang thai đôi. Hai vợ chồng chị hiếm muộn, phải nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Vì con quý, con hiếm nên vợ chồng chị giữ gìn rất kỹ càng. Chị từ chối siêu âm và ở nhà nghỉ ngơi chờ ngày sinh con.
 
Đến khi thai được 38 tuần, vợ chồng chị Thu xuống Hà Nội đăng ký mổ sinh chủ động. Khi bác sĩ làm xét nghiệm và siêu âm trước sinh thấy có bất thường nên cho mổ đẻ gấp.
nao-ung-thuy.jpg
Nếu được phát hiện sớm bị não úng thủy, thai nhi có thể được điều trị và sinh ra khỏe mạnh. Ảnh minh họa: Internet

 

Chị Thu hạ sinh được một bé gái nặng 2,2 kg và bé trai nặng 2 kg. Tuy nhiên, bé trai bị não úng thủy. Bất thường này hoàn toàn có thể nhìn thấy trong quá trình siêu âm thai. Bác sĩ hỏi ra mới biết, từ giữa giai đoạn thai kỳ, chị Thu không siêu âm thai vì sợ sóng siêu âm ảnh hưởng tới em bé.
 
Không riêng gì chị Thu, nhiều sản phụ khi có bầu vẫn quan niệm siêu âm có hại và rất ít khi đi siêu âm thai theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa.
 
Bác sĩ CK II Trần Văn Hùng – nguyên giảng viên bộ môn Sản, trường Đại học Y Hà Nội kể, ông từng gặp trường hợp bà mẹ thấy mất kinh, bụng to lên và bà mẹ này nghĩ mình đang mang thai. Cả 6 tháng chị không tới bệnh viện khám, cũng không thấy thai nhi đạp, người mệt mỏi, gầy guộc. Khi được người nhà đưa lên bệnh viện khám thì bác sĩ phát hiện, chị không phải mang thai mà là chửa trứng. Ngay sau đó, chị phải mổ cấp cứu.
 
Theo bác sĩ Trần Văn Hùng, quan niệm siêu âm thai nguy hiểm cho em bé là sai lầm. Việc thăm khám và siêu âm thai định kỳ giúp bác sĩ có thể tìm được dị tật cho bé và quản lý thai kỳ giúp bà mẹ và em bé được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
 
Trường hợp con chị Thu rất đáng tiếc vì khi bắt đầu vào tuần thứ 6 của thai kỳ, các cấu tạo bên trong não thất sẽ bắt đầu sản xuất ra dịch não tủy. Dịch não tủy sẽ đi qua các khoang, rồi di chuyển đến khoang dưới và hấp thu vào tổ chức não.
 
Ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, nếu trong quá trình siêu âm mà phát hiện não thất thai nhi bị giãn đường kính trên 15mm tức là thai nhi đã bị não úng thủy. Nếu phát hiện sớm, các bác sĩ có thể theo dõi. Trường hợp nhẹ có thể điều trị và đứa trẻ sẽ phát triển bình thường. Trường hợp nặng có thể phải xử lý can thiệp. Vẫn có những trường hợp được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có thể chào đời khỏe mạnh và trưởng thành bình thường.
 
Những mốc siêu âm cần nhớ
 
Nhiều nghiên cứu cho thấy siêu âm không gây ra ảnh hưởng gì đáng kể đối với người mẹ và cả thai nhi. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai không nên quá lạm dụng siêu âm. Siêu âm thai quá nhiều không chỉ tốn kém về mặt kinh tế mà còn mất rất nhiều thời gian bởi những lần chờ đợi được thăm khám và siêu âm. Bác sĩ sản khoa cho rằng trong suốt quá trình mang thai có 3 thời điểm quan trọng bắt buộc các bà mẹ mang thai phải đi khám và siêu âm thai, đó là tuần thứ 12-14, tuần 22-24 và tuần 32-34, là số lần siêu âm tối thiểu trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, khám đầy đủ thì phải 7 lần đối với một thai kỳ bình thường, còn những thai kỳ nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp v.v… số lần khám thai và siêu âm sẽ nhiều hơn với nhịp độ dày hơn vì các lý do y học.
sieu-am2.jpg

 

Theo bác sĩ Hùng, những giai đoạn quan trọng để khám thai dành cho bà bầu như sau:
 
Lần 1: Khi thấy chậm kinh một tuần, hoặc khi thử que thử thai bằng nước tiểu thấy hai vạch, hãy đến bệnh viện để thăm khám. Bạn rất cần phải khám thai sớm ngay từ thời điểm này để xác định thai đã vào trong buồng tử cung hay ở ngoài tử cung để được tư vấn và điều trị kịp thời.
 
Lần 2: Khi thai được 7 – 8 tuần tuổi, cần khám siêu âm xác định tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi để xác định thai có phát triển tương xứng với tuổi thai không, từ đó được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp. Làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng máu thời kỳ đầu của thai nghén.
 
Lần 3: Thai đến tuần 12-13, cần siêu âm 4 chiều để đo khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy) nhằm dự đoán dị tật thai nhi do một số bất thường nhiễm sắc thể gây ra. Nếu qua 14 tuần, chỉ số này sẽ không còn giá trị (chính xác) nữa. Ngoài ra, có thể làm xét nghiệm Double test cao cấp hơn nếu cần thiết.
 
Lần 4: Thai từ 14 – 17 tuần cần xét nghiệm sàng lọc Triple test để dự đoán nguy cơ bị Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Triple test không có giá trị chẩn đoán chính xác mà chỉ dự đoán nguy cơ, nếu kết quả xét nghiệm có nguy cơ cao, thai phụ cần được chọc ối làm nhiễm sắc đồ để chẩn đoán chính xác bệnh Down và các bệnh về di truyền khác, đồng thời tiếp tục theo dõi bằng siêu âm để phát hiện các dị dạng về hình thái thai nhi.
 
Lần 5: Khi thai đến tuần 20 – 22, bạn phải đến khám và làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra HIV, viêm gan B, nhóm máu, yếu tố Rh, lượng đạm trong nước tiểu… và siêu âm 4 chiều để đánh giá hình thái học của thai nhi.
 
Lần 6: Khi thai ở tuần thứ 32, bạn phải đến khám tổng quát cho mẹ. Siêu âm 4 chiều để phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và não, kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi. Làm xét nghiệm máu cơ bản để đánh giá giai đoạn sau của thai nghén.
 
Lần 7: Khi thai ở khoảng 35 – 36 tuần, bạn cần được khám, siêu âm đánh giá trọng lượng thai, tình trạng bánh rau, nước ối, dây rau… Nếu phát hiện có những bất thường, thai phụ sẽ được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để thăm dò và chuẩn đoán sâu hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm