Con bị sốc khi du học, cha mẹ cần tránh những lời khuyên tai hại

N.Minh
02/12/2021 - 08:00
Con bị sốc khi du học, cha mẹ cần tránh những lời khuyên tai hại

Ảnh minh họa

Đi du học, các du học sinh gặp rất nhiều cú sốc. Nếu không chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhiều em sẽ bị trầm cảm và phải dừng việc học giữa chừng. Trong trường hợp này, những lời khuyên của cha mẹ kiểu “con phải”, “con cần”, “cố gắng”... dễ truyền đi thông điệp tiêu cực.
Bị gắn "mác" du học

Sau khi trải qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt, Phương Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) đã giành được một suất học bổng toàn phần đến Nhật. Đây là thành quả rất đáng tự hào và mong chờ của em sao bao nỗ lực, cố gắng. Em đã rất tự tin với năng lực học tập của mình và luôn nghĩ rằng mình sẽ hoà nhập rất nhanh ở nước Nhật.

Thế nhưng, những suy nghĩ màu hồng đã tan biến khi em bắt đầu học và sống ở Nhật. Em cảm thấy xấu hổ khi chưa hiểu giáo viên nói gì thì các du học sinh ở nước khác đã giơ tay trả lời. Em ngơ ngác khi không hiểu các bạn đang cười chuyện gì trước câu nói của một bạn người Nhật trong lớp. Cái tôi tự kiêu của em bị tổn thương nặng nề. Em lao đầu vào học. Nhưng cái tôi khi bị tổn thương đã gây ra sự tự ti với em, khiến em dễ để ý đến suy nghĩ của người khác.

Em trở nên sợ hãi trước mọi thứ. Em sợ không dám phát biểu trong tiết học nói, sợ cô giáo sẽ gọi tên mình, sợ đối mặt với những người bạn giỏi giang. Em không dám kể những khó khăn này cho bạn bè, người thân ở Việt Nam nghe. Một phần vì sợ họ lo lắng. Nhưng cái chính là vì em muốn giữ hào quang của một người đi du học trong mắt họ. Em không muốn biến mình thành một kẻ thất bại.

Nhưng càng cố gắng, em càng cảm thấy chới với. Càng vùng vẫy, em lại càng bị nhấn chìm. Em trở nên mất hứng thú với mọi việc. Em ở trong phòng suốt ngày, hết ngủ rồi đọc truyện. Em không liên lạc với ai. Em luôn nghĩ đến việc tự tử.

Giống như Phương Anh, nhiều du học sinh bị trầm cảm thường bắt đầu từ rào cản ngôn ngữ và "sốc" văn hoá, chương trình học nặng, áp lực tài chính, kỳ vọng của bản thân, gia đình và định kiến về "mác" du học.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), văn hoá Việt Nam khiến các bạn du học sinh hơi ngần ngại khi đi tư vấn tâm lý. Họ vẫn có định kiến rằng chỉ người điên mới đi tư vấn tâm lý. Chính vì vậy, nhiều bạn đã phải quay trở về nước trong hình ảnh là con người thất bại khi không được tư vấn tâm lý kịp thời.

Con bị sốc khi du học, cha mẹ cần tránh những lời khuyên tai hại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trang bị để thích nghi

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, với các nhà tâm lý, bình thường, chúng ta hoàn toàn có tâm lý khoẻ khoắn về mặt xã hội, cảm xúc, tinh thần, tâm lý. Nếu chỉ cần lệch ra trạng thái hoàn hảo đó một chút thì đã cần hỗ trợ từ nhà tâm lý. "Nếu các du học sinh nhận thức tốt hơn để khi nhận thấy giai đoạn đầu có những bước lệch ra khỏi trạng thái tâm lý tốt, tích cực, hoàn hảo là phải biết cách tự chăm sóc bản thân ở mặt tinh thần. Còn khi cảm thấy những cái mình đang làm không đủ để cân bằng trở lại, cảm thấy bị mất kiểm soát thì cần nhờ sự giúp đỡ của người có chuyên môn về tâm lý".

Khi con bị trầm cảm, có vấn đề về tâm lý, nhiều cha mẹ thường khuyên rằng "con phải, con cần, con nên, con cố"... Theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều đó chỉ càng làm cho đứa con đang có vấn đề lo lắng càng thấy mình trở nên tội lỗi. Đứa con nghĩ rằng, mình đã được hưởng sự yêu thương, ưu ái, đầu tư thế này mà bây giờ trở nên yếu kém. Thế nên, những lời khuyên "phải cố"" thì càng dồn đứa con vào những tổn thương hơn. Đặc biệt, những lời khuyên kiểu đó truyền cho đứa con thông điệp, nếu lần sau mà gặp vấn đề gì thì phải cắn răng mà chịu. Điều đó dẫn đến việc đứa con sẽ không chia sẻ, không tìm kiếm sự hỗ trợ và khiến con có hành vi tự hại.

Nhiều người băn khoăn trước việc có nên cho con đi du học nếu con đang có vấn đề về mất cân bằng cảm xúc. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, quan trọng là đứa trẻ đó có đủ năng lực để thích nghi với những thay đổi hay không. "Bởi, khi đi du học là một thay đổi lớn, là stress càng tăng thêm. Chúng ta luôn sợ những thứ không quen thuộc, sợ rủi ro, mất kiểm soát, nếu chúng ta có vấn đề cảm xúc nội tại sớm, càng trở nên mất an toàn, thu mình lại, ảnh hưởng đến lòng tin, không thích nghi được với môi trường du học. Tuy nhiên, nếu biết kiểm soát và cân bằng lại thì thay đổi môi trường bằng việc đi du học nhiều khi lại tốt hơn", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm